Phát triển dịch vụ, du lịch đẳng cấp, hướng đi của Thừa Thiên Huế
Bên cạnh những thắng lợi chung của ngành Du lịch cả nước, du lịch Huế đã có những chuyển biến tích cực tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững và nâng cao sức thu hút đối với du khách về một điểm đến du lịch di sản văn hóa - xanh – thân thiện.
NĂM 2018, MỘT NĂM NHIỀU BỨT PHÁ
Vào những ngày cuối năm 2018, Thừa Thiên Huế lại đón nhận tin vui: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (KDLQG) Lăng Cô - Cảnh Dương, tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với kỳ vọng sẽ tạo được hành lang pháp lý và môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút được các dự án đầu tư phát triển du lịch, phấn đấu đến năm 2030, KDLQG Lăng Cô - Cảnh Dương trở thành điểm đến mang tầm cỡ quốc tế.
Trong sau những lễ hội truyền thống đầu năm (lễ hội Cầu Ngư, lễ hội đền Huyền Trân, hội Vật làng Sình,..) thu hút sự quan tâm của du khách và cộng đồng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức thành công Festival Huế 2018 thu hút gần 1,2 triệu lượt khách đến tham quan, và giới thiệu một loạt các chương trình văn hóa, nghệ thuật có khả năng xây dựng thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Cũng trong năm 2018, ngành Du lịch đã triển khai tổ chức thử nghiệm một số lễ hội gắn với du lịch: Lễ hội Sen “Truyền thuyết một loài hoa” và Ngày hội Lân Huế 2018, góp phần khẳng định danh hiệu Huế - thành phố Festival của Việt Nam, từng bước xây dựng hình ảnh Huế - kinh đô lễ hội và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng xã hội. Ngoài ra, một số hoạt động sự kiện thế thao gắn với du lịch (Cuộc đua xe đạp quốc tế Coupe de Huế 2018 và Ngày hội chạy bán Marathon Huế 2018) đã được tỉnh tạo điều kiện cho tổ chức khá thành công, tạo một ấn tượng mới về một “Huế năng động” trong việc mạnh dạn đưa thêm hoạt động sự kiện mới nhằm thu hút sự quan tâm của du khách và cộng đồng.
Một số sản phẩm, điểm đến mới đã được chính thức đưa vào vận hành, khai thác: cụm lăng Vua Gia Long, hệ thống chiếu sáng nghệ thuật Kỳ Đài kết hợp tái hiện cảnh bắn súng Thần công….. Khu vực phố đêm Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu tiếp tục được chỉnh trang, nâng cao chất lượng và đa dạng các hoạt động, dịch vụ để hấp dẫn khách du lịch và cộng đồng địa phương, tạo một điểm nhấn thu hút khách về đêm trên địa bàn thành phố Huế. Một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực du lịch- dịch vụ đã hoàn thành đưa vào sử dụng hoặc được khởi công triển khai ráo riết để đưa vào vận hành trong năm 2019. Trong đó dự án Trung tâm Thương mại Vincom và Khách sạn 5 sao Vinpearl của Tập đoàn Vingroup đưa vào hoạt động từ tháng 4 và tháng 9 năm 2018, góp phần làm sang trọng hơn cho khu vực trung tâm phía Nam đô thị Huế; có dự án Khu biệt thự sinh thái biển Lăng Cô Resort của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng du lịch Hồng Phúc,… Đáng chú ý là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Minh Viễn Lăng Cô của Công ty CP Quốc tế Minh Viễn được chính thức khởi công năm 2018 và sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của dự án trong năm 2019. Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Laguna Lăng Cô, khai thác dịch vụ casino, nâng tổng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD.
Hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến Thừa Thiên Huế đã được nâng tầm, đón các đoàn Famtrip, Presstrip tăng lên nhiều lần, việc tham gia các hội chợ trong và ngoài nuớc sẽ được du lịch Thừa Thiên Huế tiếp tục tham gia như: Hội chợ TRAVEX; ITB Berlin - Đức; Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, Chương trình giới thiệu 03 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam tại Tokyo, Nhật Bản; Hội chợ ITB Asia tại Singapore, và một số hội chợ, lễ hội du lịch, văn hóa ẩm thực khác ở trong nước... Tăng cường liên kết với các địa phương trong nước như Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, các tỉnh Tây Nam Bộ và một số địa phương ngoài nước như phủ Kyoto, tỉnh Gifu – Nhật Bản, Triển khai tích cực nội dung thoả thuận hợp tác quảng bá điểm đến với Vietnam Airlines, Traveloka, Công ty CP Đường sắt Hà Nội, Bưu điện, VNPT, Công ty Vietravel, Tập đoàn Thiên Minh là những đối tác quan trọng có khả năng tạo ra bước đột phá cho công tác xúc tiến quảng bá. Với những nỗ lực như trên, năm 2018, du lịch Thừa Thiên Huế năm 2018 đạt 4.332.673 lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 1.951.461 lượt, tăng 30% so với cùng kỳ. Khách lưu trú đạt 2.094.581 lượt, tăng 13,1% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 989.405 lượt, tăng 21% so với cùng kỳ. Doanh thu ước đạt 4.473 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ, doanh thu xã hội từ du lịch ước đạt 11,3 ngàn tỷ đồng.
KỲ VỌNG TĂNG TRƯỞNG MẠNH TRONG NĂM 2019
Năm 2019 là năm thứ ba Ngành Du lịch Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Một số dự án du lịch mới sẽ được hoàn thành, đáng chú ý là dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Minh Viễn Lăng Cô sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 1 trong năm 2019, dự án khách sạn nghỉ dưỡng Movenpik Địa Trung Hải vận hành trong quý 1/2019. Các dự án như: dự án Công viên biển và Bảo tàng Huế; dự án Khu nghỉ dưỡng Thái Y Viện; dự án Khu du lịch Hương Hồ; dự án khu nghĩ dưỡng cao cấp Nama ở đường Nguyễn Chí Diễu; dự án hạ tầng du lịch sông Mê Công mở rộng giai đoạn II; nâng cấp các bến thuyền sông Hương và đầm phá; tiếp tục triển khai dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài giai đoạn 2018-2020; mở thêm đường bay từ Thái Lan đến Huế và tour ngắm cảnh từ Huế...
Với kế hoạch cụ thể được được đề ra, lượt khách du lịch đến Thừa Thiên Huế năm 2019 dự báo đạt khoảng 4,5- 4,7 triệu lượt khách, tăng khoảng 8% so với năm 2018 (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40% - 45%); khách lưu trú đạt từ 2,2 - 2,3 triệu lượt, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch dự kiến tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018, ước đạt từ 4.700 - 4.900 tỷ đồng, doanh thu xã hội ước đạt 12 - 13 nghìn tỷ đồng.
Phát triển ngành du lịch đồng bộ, bền vững, đạt chất lượng cao và thực sự chuyên nghiệp là mục tiêu tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm đạt được trong năm 2019 và các năm về sau. Hy vọng rằng với những nỗ lực trên, du lịch Thừa Thiên Huế sẽ có bước tiến mới trong thời gian tới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.
LÊ HỮU MINH, Q. GĐ Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Gửi bình luận