Phát huy tài nguyên di sản văn hóa để phát triển du lịch bền vững ở Thanh Hóa
Phát huy giá trị di sản đã góp phần cho du lịch Thanh Hóa không ngừng phát triển. Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đón trên 21 triệu lượt khách du lịch; gấp 1,98 lần so với giai đoạn 2006 -2010, khách quốc tế đạt 415.740 lượt; tăng bình quân 29,4%/năm. Phục vụ trên 38 triệu ngày khách, gấp 1,9 lần so với giai đoạn 2006 -2010. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 16.715 tỷ đồng, gấp 3,1 lần so với giai đoạn 2006 -2010.
Di tích Lam Kinh
Sự hội tụ của nhiều dân tộc anh em, còn tạo nên một nền tảng văn hóa phong phú đa dạng nhiều hình, nhiều vẻ về văn hóa tinh thần như truyện thơ Đẻ đất Đẻ nước, Út Lót - Hồ Liêu của dân tộc Mường; các bản trường ca Khăm Panh, Trường ca Ú Thêm của người Thái, đến các điệu hò sông Mã, hát múa Đông Anh, trò diễn Xuân Phả, Chèo chải, hát chèo, trống quân, huê tình,... và truyện Trạng Quỳnh một giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo. Hội hè và các trò diễn liên quan đến nghi lễ nông nghiệp, đến các nhân vật lịch sử, giao lưu văn hóa như trò Ai Lao, trò Ngô Quốc, trò Xiêm Thành, trò Hà Lan, trò Tú Huần. Những trò diễn như Pồn Pôông, Xéc bùa của người Mường, Khua Luống của người Thái, múa Chuông của người Dao đến các ngành nghề thủ công truyền thống như nghề dệt chiếu ở Nga Sơn, nghề làm gốm Tam Thọ của người Kinh; nghề làm giấy của người Dao, nghề dệt sợi gai của người Thổ, nghề dệt vải lanh của người Mông, nghề dệt thổ cẩm của người Thái cùng với những đặc sản hấp dẫn như nem Thanh Hóa, chè lam Phủ Quảng, bánh gai Tứ Trụ, nước mắm Hải Thanh, cam Hổ Bái, cà Đan Nê... Những giá trị đó nổi tiếng gần xa và đi vào tâm thức dân gian.
Cầu Hàm Rồng
Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường... Trong định hướng chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, các khu, điểm du lịch có di sản quan trọng đều đã được quy hoạch; các di sản văn hóa đều được rà soát, thống kê, phân loại và lập hồ sơ làm cơ sở cho việc bảo tồn, đầu tư khai thác, phát huy giá trị một cách lâu dài. Tính đến nay, hàng trăm di sản đã và đang được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp, trong đó di sản văn hóa thế giới, di tích đặc biệt quốc gia, và di tích quốc gia được quan tâm đầu tư đặc biệt, điển hình như dự án trùng tu, tôn tạo di sản Thành Nhà Hồ, di tích lịch sử Lam Kinh, di tích đền Bà Triệu, di tích Thái miếu nhà Lê, Di tích đền Lê Hoàn.... Cơ sở hạ tầng du lịch tại các khu du lịch trọng điểm có di sản văn hóa như Sầm Sơn, Hàm Rồng, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh... đã từng bước được đầu tư hoàn chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án kinh doanh du lịch và thuận lợi cho khách du lịch tiếp cận tham quan di sản.
Vai trò của di sản văn hóa đối với du lịch là không thể phủ nhận, Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc khai thác giá trị của di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, so với tiềm năng của các di sản thì việc khai thác vẫn chưa hiệu quả. Hiện tại, loại hình du lịch văn hóa mới chỉ thu hút được khoảng 20-25% tổng lượng khách du lịch đến Thanh Hóa. Việc khai thác các giá trị di sản văn hóa cho phát triển du lịch chưa đồng bộ, công tác đầu tư, tôn tạo, khôi phục các di sản thực hiện chậm đã ảnh hưởng đến việc thu hút khách; các giá trị văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các lễ hội chưa thu hút nhiều khách du lịch.
Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ
Trong thời gian tới, để khai thác, đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa từ các di sản hiệu quả, rất cần sự phối hợp liên ngành, liên địa phương trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trên cơ sở đó tiến hành xây dựng quy hoạch chi tiết các di tích quan trọng, đồng thời triển khai có hiệu quả quy hoạch đó.
Thứ hai, ưu tiên nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh đầu tư tôn tạo các di tích Cách mạng, di sản thế giới, di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và các di tích có giá trị khai thác phục vụ du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu, điểm, đô thị du lịch quốc gia, khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh có di sản.
Thứ ba, xây dựng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, văn hóa - tâm linh: Xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án tôn tạo và khai thác phát huy giá trị di tích giá trị văn hóa phi vật thể phục vụ du lịch; chú trọng phát triển, khai thác có hiệu quả các hoạt động du lịch văn hóa tâm linh góp phần hạn chế tính mùa vụ của du lịch Thanh Hóa. Quan tâm phát triển sản phẩm du lịch sinh thái văn hóa miền núi; du lịch cộng đồng, làng nghề…
Thứ tư, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến và khai thác thị trường khách du lịch. Có thể thông qua các tuần văn hóa tại nước ngoài, các sự kiện văn hóa, du lịch quốc tế, qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm du lịch.... nhằm thu hút các dự án bảo tồn, đầu tư cho di tích cũng như thu hút khách du lịch.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trong đó quan tâm xây dựng đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh đáp ứng yêu cầu phát triển cả về số lượng và chất lượng lao động, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển hiện nay.
Xu hướng của khách du lịch hiện nay đang hướng đến có mục đích tìm hiểu các nền văn hóa khác lạ, cho nên sản phẩm quan trọng của du lịch là du lịch văn hóa. Với sự thay đổi đó, Thanh Hóa đã, đang và tiếp tục khai thác nguồn tài nguyên di sản phục vụ phát triển du lịch một cách bền vững.
Phạm Duy Phương, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa
Gửi bình luận