Phát huy Lễ hội đua bò Bảy Núi, An Giang
Đầu tháng 3/2020, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt “Đề án Bảo tồn và phát huy lễ hội đua bò Bảy Núi, An Giang”. Theo đó, Đề án sẽ được thực hiện ngay trong năm 2020, góp phần có thêm điểm đến hấp dẫn trong chuỗi du lịch An Giang.
Chùa Thơ Mít, xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên, An Giang, nơi đây nhiều năm qua tổ chức lễ hội đua bò
Lễ hội đua bò của đồng bào dân tộc Khmer ở Bảy Núi (An Giang) có từ rất lâu. Hàng năm vào dịp lễ Sen Dolta, thường trùng với thời điểm xuống giống vụ lúa Thu Đông đầu tháng 9 âm lịch. Nông dân các phum, sóc đem bò đến cày, bừa cho các thửa ruộng của chùa, gọi là “làm công quả”. Xong việc cày, bừa, các chủ bò bắt cặp rủ nhau đua, dần về sau trở thành “lệ” và hàng năm được tổ chức ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
Đua bò có đặc thù không giống bất kỳ cuộc đua nào. “Trường đua” là một khoảng ruộng tương đối bằng phẳng, dài chừng 200m, chiều ngang ngoài 8m, xung quanh có bờ đất bao quanh. Đường đua chạy dọc theo bờ ruộng dài 120m, đất được trục xới trước để có độ trơn. Ông Châu Chiêu, một người có kinh nghiệm chọn bò đua gần 30 năm ở Tri Tôn, cho biết mỗi năm có khoảng 50 - 60 đôi bò tham gia. Một đôi bò tốt còn là tài sản theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vì đôi bò thắng trận có giá mấy cây vàng. Tuy vậy, chủ bò không bao giờ bán, vì đó là niềm vinh dự của gia đình, phum sóc, đồng thời mang lại sự may mắn cho mùa vụ của họ cả năm. Trước ngày đua một tháng, đôi bò được chăm sóc bằng một chế độ đặc biệt: hàng ngày bò được tắm rửa, cho uống nước dừa, uống bia pha hột gà, mật ong rừng, cháo đậu xanh…
Đua bò khác với đua voi, đua ngựa hay đua chó, mỗi lượt đua 2 đôi, đôi thắng được vào vòng trong cho đến tận vòng chung kết. Khi đua mỗi đôi bò được bắt ách kéo theo một giàn bừa, răng bừa được cắt ngắn. Khi trọng tài phát lệnh, người điều khiển đôi bò đứng trên giàn bừa vung roi quất mạnh vào mông bò giống như lúc cày bừa trên ruộng, bò đau phóng nhanh về phía trước. Nghệ thuật của người điều khiển là phải vung roi đều cho cả hai để chúng tăng tốc nhịp nhàng, khiến cuộc đua thêm phần quyết liệt và lôi cuốn. Mỗi người chỉ điều khiển một đôi bò, nếu đôi bò bị loại đương nhiên người điều khiển cũng bị loại theo.
Cuộc đua đang vào thời điểm quyết liệt nhất
Vào ngày lễ hội đua bò, du khách trong và ngoài tỉnh nô nức đổ về vùng Bảy Núi tham dự rất đông, không khí trường đua náo nhiệt. Từ lúc cuộc đua bắt đầu đến khi kết thúc khoảng 10 tiếng đồng hồ, không khí lúc nào cũng tưng bừng, những pha về đích gay go, quyết liệt, khán giả hò reo vang dội. Có thể nói lễ hội đua bò Bảy Núi là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống “độc nhất vô nhị” chỉ riêng có ở An Giang. Một sân chơi lành mạnh, mang đậm chất nhân văn của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi. Vì thế, bất cứ ai cũng mong muốn ít nhất một lần đến với lễ hội đua bò để được hưởng thụ văn hóa – nghệ thuật dân gian của người Khmer, và cũng là môn thể thao độc đáo chỉ có ở vùng Bảy Núi.
Từ năm 1992, lễ hội đua bò Bảy Núi được chính quyền địa phương đầu tư, tổ chức chuyên nghiệp. Tuy nhiên phải đến năm 2001, lễ hội đua bò Bảy Núi mới được đầu tư, hỗ trợ kinh phí thực hiện cuốn phim tài liệu giới thiệu rộng rãi ra công chúng. Đến năm 2009, lễ hội được nâng cấp thành lễ hội đua bò Bảy Núi mở rộng tranh cúp truyền hình An Giang lần thứ I. Kể từ đó đến nay, hàng năm lễ hội đều có sự tham gia thường xuyên của các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng và địa phương thuộc nước bạn Campuchia…, Mỗi kỳ lễ hội thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến xem, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế.
Cao Phương
Gửi bình luận