Ở nơi “quốc gia cầu vồng”…
Nhận giấy mời dự hội nghị thường niên của Tổ chức mã số sách chuẩn quốc tế (ISBN), tôi và một đồng nghiệp cùng đi cứ ngỡ ngàng, băn khoăn. Băn khoăn vì đường xa, xứ lạ, nơi đang có nhiều loại dịch bệnh hoành hành, lại không có người đón tiếp tại sân bay như cách chúng ta vẫn đón khách khi đăng cai các hội nghị quốc tế. Thay vào đó là một bản hướng dẫn bằng tiếng Anh và sơ đồ chỉ đường cho khách tự đi về khách sạn gần nơi họp hội nghị là Thư viện Quốc gia Nam Phi. Điều này khiến chúng tôi khi bắt đầu chuyến đi rất lo lắng.
1. Đây là lần đầu tiên tôi đến châu lục được coi là cái nôi của loài người, nơi con người có mặt sớm nhất trên hành tinh chúng ta nhưng cuộc sống ấm no, hạnh phúc với nhiều dân tộc mới đang là những tia sáng ửng hồng phía chân trời.
Nam Phi có diện tích hơn 1,2 triệu km2 và gần 50 triệu dân, là quốc gia duy nhất trên thế giới có tới ba Thủ đô: Thủ đô hành chính - Pretoria, nay đổi tên là Tshwane, Thủ đô lập pháp - Cape Town và Thủ đô tư pháp – Bloemfontein. Nam Phi có trình độ phát triển khá cao về kinh tế so với các nước trong châu lục, có mức thu nhập trung bình khá theo xếp hạng của Liên hợp quốc. Về văn hóa, cố Tổng thống Nelson Mandela đã sử dụng thuật ngữ “quốc gia cầu vồng” như một ẩn dụ để miêu tả sự đa dạng văn hóa mới phát triển sau khi tư tưởng phân biệt chủng tộc apartheid bị bãi bỏ.
Mặt khác, Nam Phi là một trong 17 quốc gia trên thế giới có hệ sinh thái rất đa dạng, đứng thứ ba, sau Brazil và Indonesia và có mức đa dạng sinh thái cao hơn bất kỳ quốc gia nào có diện tích tương đương hoặc nhỏ hơn. Nước này có hơn 20.000 loài cây cỏ khác nhau, hay khoảng 10% tất cả các giống loài thực vật được biết trên thế giới.
Trái ngược với quan niệm thông thường của mọi người, Nam Phi có khí hậu nói chung ôn hòa, một phần nhờ nó được bao quanh bởi Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương ở ba phía, nhờ vị trí nằm tại bán cầu Nam với thời tiết dịu hơn, và nhờ độ cao tăng dần về phía Bắc. Vì những ảnh hưởng địa hình và hải dương nói trên, Nam Phi có nhiều khu vực khí hậu.
Nam Phi còn bị coi là có khí hậu bán khô cằn, có khá nhiều khác biệt về khí hậu cũng như địa hình. Các vùng khí hậu khá khác biệt, từ sa mạc khô cằn phía Nam Namib tại cực Tây Bắc tới kiểu khí hậu cận nhiệt đới tươi tốt ở phía Đông dọc biên giới với Mozambique và Ấn Độ Dương. Từ phía Đông, địa hình nhanh chóng chuyển thành núi non dựng đứng về hướng cao nguyên được gọi là Thảo nguyên cao...
Cảm giác băn khoăn lo lắng khi lần đầu đặt chân lên một miền đất lạ tăng lên khi chúng tôi xuống sân bay quốc tế ở Thủ đô hành chính Pretoria. Tại cửa khẩu làm thủ tục nhập cảnh, người sĩ quan biên phòng hỏi chúng tôi về visa nhập cảnh. Phải giải thích một hồi lâu rằng chúng tôi được Đại sứ quán Nam Phi tại Hà Nội khẳng định người Việt Nam mang hộ chiếu công vụ đến Nam Phi được miễn visa theo thỏa thuận của chính phủ hai nước, chúng tôi mới được nhập cảnh sau khi một sĩ quan khác xuất hiện và xác nhận điều đó. Cái ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến một đất nước chính là từ cửa khẩu, khi làm thủ tục nhập cảnh. Rất mừng là các nhân viên ở đây tuy nguyên tắc nhưng đều rất thân thiện đến chất phác nên cảm giác mệt mỏi sau chuyến bay dài hơn 10 giờ từ Paris vơi đi rất nhiều.
Lấy hành lý xong, đi theo bản hướng dẫn và sơ đồ chỉ đường, chúng tôi đến ga đường sắt trong sân bay. Giờ tàu đến là 9 giờ 57 phút. Tôi xem đồng hồ và cứ kiểu “suy bụng ta ra bụng người” nên không biết có bị tình trạng giờ cao su như ở ta không. Không phải chờ đợi lâu, không sai một phút, đoàn tàu đã lao đến rất nhanh và dừng lại cũng rất nhanh. Sau một đoạn đi bộ và chuyển sang đi xe buýt, chúng tôi đến trước cửa khách sạn đã đặt trước theo khuyến nghị của nước chủ nhà. Pretoria là nơi tập trung các cơ quan đầu não của chính phủ Nam Phi, dân số 2,35 triệu người, cũng là trung tâm văn hóa lớn nhất của đất nước này. Đây là thành phố có phong cảnh hữu tình, còn có tên gọi “thành phố hoa” với hoa tử uy nở rộ trên nhiều con phố, cũng bởi thế mà còn có tên gọi “thành phố hoa tử uy”. Thành phố có ngành sản xuất công nghiệp chính là khoáng quặng với nhiều mỏ khai thác kim cương, bạch kim, vàng, thiếc, sắt, chrome, than... Pretoria với những đường phố rộng rãi, thoáng đãng, không có cảnh chen chúc, ồn ào tiếng động cơ và còi xe. Ngắm nhìn thành phố yên ả, thanh bình và ánh mắt của những người dân nơi đây, mọi lo lắng ban đầu tan nhanh thật bất ngờ.
2. Sáng hôm sau, tiếp theo màn giới thiệu rất ngắn gọn gồm mấy từ gồm thưa quý bà, quý ông, hội nghị bắt đầu bằng một số báo cáo quốc gia có nền xuất bản phát triển như Anh, Đức, Thụy Điển và một số quốc gia đang phát triển như Nigieria, Zimbabue...Các nước phát triển bàn nhiều đến việc áp dụng mở rộng mã số chuẩn quốc tế cho băng đĩa phim và nhạc mà họ đề xuất gọi là ISFM hoặc ISMN. Song, điều đáng suy nghĩ cứ theo tôi mãi sau này là nhiều nước châu Phi nói đến khát vọng xây dựng một nền xuất bản độc lập, tự chủ. Ở nước ta, mệnh đề này tôi được nghe lần đầu tiên năm 2004 từ phát biểu của người đứng đầu Ban Tư tưởng -Văn hóa Trung ương, nhưng tại hội nghị này các bạn châu Phi ít nói về sự cần thiết mà bàn luận sôi nổi nhất về tiêu chí của một nền xuất bản độc lập, tự chủ. Nhiều đại biểu nhấn mạnh yếu tố hàng đầu là có tiếng nói và chữ viết riêng. Một số ý kiến khác lại cho rằng cần có nền văn hóa riêng (theo nghĩa rộng) như một mạch nguồn bất tận của xuất bản. Lại có người nhấn mạnh đến nền công nghiệp xuất bản và hiệu quả kinh tế của nó thông qua tính hấp dẫn người đọc cả về nội dung và hình thức, nếu không sẽ bị xuất bản phẩm nước ngoài lấn át...
Buổi tối, ngồi cùng bàn với hai đại biểu Hàn Quốc, họ hỏi quan điểm của Việt Nam coi tiêu chí nào là quan trọng nhất. Tôi cho rằng, những tiêu chí được nêu trong hội nghị đều không thể bỏ qua như tiếng nói, chữ viết riêng, nền văn hóa phong phú, đa dạng, nhưng có lẽ đội ngũ các tác giả, dịch giả và những người làm xuất bản có nghề, có tâm huyết và tầm nhìn phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới – tức yếu tố con người - là quyết định.
Bên cạnh việc chuẩn bị tốt về nội dung và các điều kiện vật chất, nước chủ nhà còn khéo đáp ứng nhu cầu của đại biểu dự hội nghị và cũng là quảng bá về đất nước mình qua việc giới thiệu một loạt tour du lịch để các khách mời lựa chọn.
Chúng tôi và nhiều đại biểu lần đầu đến Nam Phi đã chọn khám phá Công viên quốc gia Kruger - khu bảo tồn động vật hoang dã lớn nhất của Nam Phi. Tôi cố tìm để chụp được hình ảnh chú tê giác một sừng mà không sao chụp được vì phóng ô tô gần nửa ngày trong khu vực đó vẫn không thu được chú nào vào ống kính... Đến khi ra sân bay về nước thì bị cảnh sát Nam Phi chặn xe ô tô dọc đường. Sau một hồi trao đổi của lái xe với cảnh sát, xe tiếp tục chạy. Thì ra, khách sạn nơi mình ở đã thông báo cho cảnh sát có người Việt Nam ra sân bay về nước. Nhưng cảnh sát đã không khám đồ của mình, mà chỉ xem hộ chiếu, ngắm nghía một hồi rồi cho đi. Cũng không rõ vì sao. Gần đây xem báo đài thấy bắt được nhiều vụ người Việt Nam buôn lậu sừng tê giác hoặc vận chuyển quá cảnh loại hàng này và ngà voi mới vỡ lẽ vì sao bị cảnh sát chặn lại dọc đường. Buồn và đau lòng là họ chặn lại chỉ vì mình là người Việt Nam!
Khi xuất ngoại, mới thấy những gì phải nâng niu, gìn giữ cho hình ảnh dân tộc, quốc gia...Hình ảnh đẹp phải được bồi đắp không chỉ bằng bộ máy tuyên truyền, mà thông qua ứng xử của từng con người bằng xương bằng thịt, kiên trì qua năm tháng và ở nhiều lĩnh vực của đời sống, từ vị nguyên thủ quốc gia đến những người du khách...
Bút ký của Nguyễn Kiểm
Gửi bình luận