Ô Lâu thương nhớ
Sông Ô Lâu quê tôi là một dòng chảy nhỏ, êm đềm; đứng bên ni bờ có thể thấy rõ bên tê bờ; một người biết bơi giỏi có thể bơi một vòng qua lại như chơi và chuyến đò qua sông chỉ cần mấy nhịp chèo là cập bến đợi…
Từ nhà tôi đến sông Ô Lâu phải đi qua một đoạn đường chừng hơn một cây số. Đó là con đường qua những bờ ruộng, bến đò và đến bợt rào (sông). Cứ cách một đoạn sông không biết từ bao giờ dân làng tôi đào một con hói và tạo thành một cái bến đò: bến Đa, bến Bù, bến Đình, bến Ông Minh, bến Chợ, bến Đồng Dạ. Trong các bến này, bến Chợ và bến Đồng Dạ là những bến đò xuôi ngược những chuyến đò người dân quê tôi buôn bán đi về các chợ lớn ở Huế, Mỹ Chánh, Ưu Điềm...Các bến còn lại chủ yếu là nơi ra vô của những chiếc ghe nhỏ đánh cá, chỉ tấp nập vào ngày mùa tới khi những chiếc ghe vàng ươm màu lúa chín mới gặt từ cánh đồng bên kia sông về nhà.
Những cánh đồng bên kia sông Ô Lâu, người làng gọi là Cồn. Thật thú vị khi cũng là những cánh đồng lúa thôi nhưng dân làng lại có nhiều tên gọi khác nhau; những thửa ruộng nhỏ ven đường làng được gọi là Trưa má; ruộng ở bên này sông là ruộng Nội điền; ruộng bên kia sông là Cồn. Đó là những cánh đồng lúa rộng mênh mông, phì nhiêu, chim cò tha hồ sải cánh.Tuổi thơ của tôi vui thú nhất vẫn là những lần lên ghe qua sông theo ba mạ đi cày, cấy, tát nước rồi cắt lúa ở ruộng Cồn.
Từ bến sông quê tôi, ngược lên một đoạn ngắn nữa là Cút (Khút) Bồ Ngược - đoạn sông gắn liền với câu ca nổi tiếng về phá Tam Giang: Thương em anh cũng muốn vô - Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang. Cũng chẳng ai giải thích được vì răng đoạn sông Ô Lâu này lại có cái tên lạ thế. Tương truyền, ngày trước thuyền bè qua đây đều gặp phải sóng gió nổi lên bất chừng, phải khấn vái Hà Bá cầu mong mới đi qua được... Những ngày thơ dại mỗi lần ra bờ sông chơi, tôi thấy Cút Bồ Ngược cũng bình thường khi mà mấy thằng bạn chăn trâu của tôi cưỡi trâu bơi qua bơi lại như chơi.
Ngày đầu năm mới Kỷ Hợi, ngồi trò chuyện với Tiến sĩ lịch sử Trần Đình Hằng nghe bạn ấy khẳng định ngày xưa quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng đã dùng pháo để “bắn thuồng luồng” đoạn Cút Bồ Ngược này và từ đó “ phá Tam Giang ngày rày đã cạn”. Thực ra là ông đã cho khơi thông dòng chảy, còn việc “bắn thuồng luồng” là ông cho phao tin để trấn an dân chúng. Cũng cần nói thêm hồi xưa phá Tam Giang được tính từ đoạn sông Ô Lâu vòng qua làng Vân Trình chứ không phải từ Cửa Lác như bây chừ...Nghĩa là đoạn sông Ô Lâu chảy qua làng tôi hiện nay ngày trước được tính trong lưu vực phá Tam Giang...
Có nhiều kỷ niệm về dòng sông quê đi xa rồi mới nhớ. Là tiếng gõ mạn thuyền đánh cá nửa đêm khuya khoắt, âm thanh cứ như dội vào lòng người, là những chiếc thuyền buồm chiều lộng gió chừ đã thành xa vắng…
Sông quê là những bến đò quạnh vắng, những con thuyền đánh cá, những mùa nước lụt; là con cá, con tôm, con hến… làm thức ăn cho những người dân quê. Sông còn là người bạn lớn của người dân quê luôn tràn trề ngọt ngào con nước, chan chứa phù sa bồi bãi ruộng đồng…Khi những chùm hoa lộc vừng rụng tơi bời bên bến sông là đến mùa rong. Bây chừ thì chẳng còn mấy ai để ý đến mùa rong làm chi nữa; nhưng ngày trước cây rong nó quan trọng với nhà nông vô cùng.
Nông dân làng tôi có hai nguồn thu nhập chính là làm ruộng và nuôi heo. Con heo cũng là đầu cơ nghiệp. Nuôi heo ngày trước không như bây giờ có sẵn thức ăn gia súc bán đầy ở chợ mà phải tìm cái ăn cho con heo. Là cây chuối sau vườn, là mấy vồn rau khoai lang, là đi vớt bèo hoa dâu, hái rau chưa, rau chót mọc khắp ở những cánh đồng… Nhưng chuối thì chỉ ít cây quanh vườn, khoai thì đến mùa không được cắt ngọn sợ không ra củ, bèo thì không thể vớt khi lúa đã làm đòng, rau chưa, rau chót thì chỉ khi xong mùa gặt mới có. May mà sông đã đến mùa rong trong niềm vui lấp lánh của người nông dân.
… Và tôi đã có một cái hẹn chờ đến dịp cuối Xuân đầu Hạ về làng, anh em sẽ mượn một chiếc đò của ngư dân sông Ô Lâu chèo ra giữa dòng sông quê uống rượu, thưởng trăng và cùng hát cho nhau những khúc hát sông quê đầy thương nhớ...
Tản bút của phi Tân
Gửi bình luận