Nơi di tích oai hùng
Từ thành phố Yên Bái dọc theo quốc lộ 32 vào với thị xã miền Tây, sau cái giây phút ngỡ ngàng trước cánh đồng Mường Lò tuyệt đẹp, cảm giác hồ hởi mê say khi nhắc đến những đêm hội xòe miên man, bất tận chúng ta lại không khỏi nặng lòng khi nhắc đến Nghĩa Lộ một thời lịch sử, hào hùng như lời viết của nhạc sĩ Đinh Nhu trong bài hát “Cùng nhau đi hồng binh” vẫn vang lên: “Cùng nhau đi hồng binh/ Đồng tâm ta đều bước/ Đừng cho quân thù thoát/ Ta quyết chí hy sinh/ Nào anh em nghèo đâu/ Liều thân cho đời sống/ Mong thế giới đại đồng tiến lên quân Hồng…”.
Khu tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại khu di tích lịch sử Căng và đồn Nghĩa Lộ
Dẫn chúng tôi thăm khu di tích lịch sử Căng và đồn Nghĩa Lộ, di tích được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, chị Phạm Hồng Duyên, hướng dẫn viên khu di tích lịch sử Căng và đồn Nghĩa Lộ kể: Từ đầu những năm 1930 Căng Nghĩa Lộ được mở rộng và nâng cấp thành nhà tù cấp Đông Dương. Năm 1945, thực dân Pháp chuyển gần 100 tù chính trị từ Căng Bá Vân - Thái Nguyên về giam tại Căng Nghĩa Lộ. Cũng trong thời gian này, Nhật đảo chính Pháp, quân pháp hoang mang lo sợ và sự kiện phá đồn Nghĩa Lộ đã diễn ra. Ngày 12/3/1945 đồn trưởng cho mời đại diện tù chính trị đến bàn cách hợp tác chống Nhật. Song, do muốn kiềm chế sức mạnh của các chiến sĩ cách mạng nên chúng không đồng ý thả anh em tù chính trị ra, bởi vậy cuộc thương thuyết thất bại.
Trước tình hình đó, ngay đêm hôm ấy chi bộ nhà tù tổ chức họp và nhất trí khởi nghĩa chiếm Căng vào đêm 15/3/1945, cuộc nổi dậy của các chiến sĩ đã nổ ra, 9 chiến sĩ đã hy sinh trong đó có nhạc sĩ Đinh Nhu. Cuộc nổi dậy đã làm cho quân giặc thêm hoang mang, lo sợ, đồng thời cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng cho nhân dân các dân tộc trong vùng và các chiến sĩ cách mạng.
Chúng tôi đi trên những bậc đá dẫn lên khu Căng và Đồn Nghĩa Lộ mà trước đây thực dân Pháp xây dựng và tự cho là “pháo đài kiên cố nhất Đông Dương”. Những gì còn sót lại đó là những bức tường lô cốt, những hầm hào công sự phủ đầy rêu xanh nhưng không che nổi lỗ chỗ vết đạn. Đứng từ đây ngắm nhìn vùng đất Mường Lò mới thấy tầm quan trọng của khu căng đồn kiểm soát quân sự các tuyến đường Tây Bắc. Và cũng ở nơi đây, cùng những câu chuyện về tấm gương kiên cường của những chiến sĩ cách mạng như Trần Huy Liệu, Vương Thừa Vũ, Trần Đức Sắc, Nguyễn Phúc…là khúc tráng ca của cố nhạc sĩ, liệt sĩ Đinh Nhu đã vang lên. Các đồng chí đã biến nhà tù thành trường học, là nơi tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Rền vang âm hưởng hào hùng của một thời đấu tranh cách mạng, như ngọn lửa không bao giờ tắt trong trái tim những người con đất Việt.
Ngày nay, vào những ngày lễ trọng đại của đất nước, du khách thường xuyên đến thăm viếng khu di tích, ôn lại một thời cách mạng oanh liệt của cha ông. Nhiều trường học trong khu vực thường tổ chức lễ kết nạp Đội, Đoàn cho các em học sinh tại nơi đây có tác dụng giáo dục thế hệ trẻ lòng biết ơn với các liệt sĩ đã ngã xuống cho quê hương, đất nước.
Nguyễn Nhật Thanh
Gửi bình luận