Ninh Thuận: Sự cần thiết phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ninh Thuận là vùng đất nổi tiếng về các di tích của dân tộc Kinh, Chăm và Raglay, C’ho và Churu... cùng nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa; gắn liền với những danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao như Vườn Quốc gia Phước Bình và Núi Chúa. Cùng với 50 di tích văn hóa lịch sử vật thể và phi vật thể, đã góp phần tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù riêng.
Trình diễn dệt phục vụ khách tham quan
Theo khảo sát bước đầu của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Thuận hiện có rất nhiều các làng du lịch sinh thái vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Huyện Bác Ái có Làng du lịch sinh thái dân tộc thôn Bố Lang (VQG Phước Bình), Làng sinh thái dân tộc Raglai ở thôn Hành Rạc 1 (VQG Phước Bình), Làng sinh thái dân tộc Raglai ở thôn Hành Rạc 2 (VQG Phước Bình); huyện Ninh Hải có Làng du lịch thôn Cầu Gãy, thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải (VQG Núi Chúa); huyện Ninh Phước có Làng nghề gốm Bàu Trúc, Làng nghề dệt Chung Mỹ, Làng nghề dệt Mỹ Nghiệp. Có thể nói Ninh Thuận hiện đang sở hữu rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng mà nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đây được coi là những địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch cộng đồng khi sở hữu những điều kiện thuận lợi thu hút du khách khám phá như cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực độc đáo và kho tàng di sản văn hóa đa dạng, đặc sắc. Khi đến tham quan tại các điểm du lịch cộng đồng, khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế sẽ được hòa mình vào không khí náo nhiệt của những điệu múa Chăm và Raglai, trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp với người dân, tìm hiểu các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, làm nhạc cụ hay thưởng thức các món ăn dân dã như của dân tộc Chăm và Raglai…
Tuy nhiên, hiện naytại các điểm du lịch cộng đồng trên chưa được phát triển một cách bài bản, căn cơ theo đúng ý nghĩa của nó. Mức độ tham gia của cộng đồng vẫn chỉ ở mức cung cấp một phần các dịch vụ; chưa tự tổ chức, tạo dựng các sản phẩm du lịch trọn gói, hấp dẫn khách du lịch và lập trình cho các tuyến, tour, chương trình du lịch tại bản địa. Chủng loại, kiểu dáng của sản phẩm thủ công truyền thống chưa phong phú, đa dạng, chất lượng chưa cao... để hấp dẫn thu hút khách du lịch. Điều cản trở nhất đối với đa số các điểm du lịch cộng đồng dân tộc thiểu sốlà thiếu tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức và khả năng ngoại ngữ để giới thiệu “cái hay, cái đẹp” của địa phương mình cho du khách. Ngoài ra, sự tham gia của cộng đồng địa phương, mà đặc biệt là những người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa có sự hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương, tâm lý e dè, hoặc ít tham gia vào các dự án, chương trình để cùng nhau đưa những quyết định, phát huy sáng kiến, năng lực tổ chức trong các chương trình homestay tại địa phương mình. Vấn đề phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang là một thách thức lớn không chỉ trong thời điểm hiện nay mà con cả trong thời gian tới.
Biểu diễn làm gốm
Như vậy, để phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong những năm tới tỉnh Ninh Thuận cần có sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức xã hội và nhân dân trong việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án để phát triển du lịch cộng đồng một cách khoa học, đồng bộ trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về kiến thức và kỹ năng làm du lịch cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vốn đầu tư cho phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số không lớn, song nếu được quan tâm chú trọng đầu tư phát triển thì loại hình du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ hứa hẹn thu hút được một lượng khách khá lớn cho tỉnh. Du lịch cộng đồng tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số Ninh Thuận luôn có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Phát triển du lịch cộng đồng từ sản phẩm văn hóa còn góp phần bảo tồn gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Thanh Thùy (Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận)
Gửi bình luận