Những ngôi chùa lưu dấu tiền nhân, kỳ 2
Kỳ 2: “Hội danh dự yêu nước” dưới mái chùa Hội Khánh
Sau khi từ quan, trong khoảng thời gian từ 1911 – 1929, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hành Phương Nam. Nhiều học giả nổi tiếng như GS. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng… từng đặt câu hỏi rất thú vị: Tại sao trong hành trình dấn thân vào các hoạt động yêu nước cụ đi qua rất nhiều địa phương nhưng cụ không hề ở lâu một nơi nào khác ngoài chùa Hội Khánh trong suốt thời gian từ 1923 – 1926? Đây không chỉ là thắc mắc của các nhà nghiên cứu mà còn đối với nhiều người quan tâm đến một nhân vật lịch sử có tầm vóc như cụ Phó bảng - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nơi thờ tự cụ Nguyễn Sinh Sắc tại chùa Hội Khánh
Từ “Hội lục hòa liên xã”…
Nhìn lại lịch sử trước ngày có Đảng cộng sản Đông Dương, lãnh đạo các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc hễ nói đến các hoạt động yêu nước tại Thủ Dầu Một, không thể không nhắc đến quá trình đồng hành của Phật giáo ở đây. Đặc biệt vai trò tiên phong trong các hoạt động yêu nước bắt nguồn từ Hòa thượng Từ Văn - trụ trì đời thứ 6 của Tổ đình chùa Hội Khánh, một danh tăng uyên thâm cả Phật học lẫn thế học nên được giới Phật giáo Nam kỳ lẫn nhà cầm quyền Pháp kính trọng. Ngài còn là một vị cao tăng trí thức từng đi Tây về, tuy được chính quyền Pháp trọng dụng, nhưng Ngài luôn trăn trở trước cảnh nước mất nhà tan. Chính vì vậy mà vào năm 1922, HÒA thượng Từ Văn sáng lập “Hội Lục hÒA liên xã” nhằm mục đích chấn hưng Phật giáo và đóng góp cho các hoạt động cứu nước tại Thủ Dầu Một. Tổ chức này nhanh chóng lan ra khắp miền Đông Nam bộ.
Theo HÒA thượng Thích Huệ Thông – trụ trì đời thứ 10 của chùa Hội Khánh hiện thời, nét đặc thù của “Hội Lục hòa liên xã” là nhân những ngày “hiệp kỵ”, tức những ngày cúng tổ, chư tăng khắp nơi về chùa mang theo gạo nếp, bánh trái… rồi cùng nấu nướng để dâng lên cúng tổ. Đây là dịp để chư tôn đức lợi dụng việc giỗ kỵ, tụ họp bàn đạo pháp, trao đổi tin tức thời sự. Nhân đó phát huy tinh thần yêu nước, nhờ vậy mà các nhà sư ở chùa Hòa Khánh che mắt được mật thám luôn rình rập, theo dõi. Tại Thủ Dầu Một ngày “hiệp kỵ” tổ vẫn còn duy trì và trở thành nét văn hóa đặc thù của Phật giáo Bình Dương.
Mặt tiền chùa Hội Khánh
... Đến “Hội danh dự yêu nước”
Năm 1923, khi vừa đặt chân đến vùng đất Thủ, cụ Phó bảng đã có một vài cuộc tiếp xúc với một số hội viên của các “hội kín” và tổ chức Thiên Địa Hội đang hình thành và nhanh chóng phát triển khắp Nam kỳ. Lúc bấy giờ, những người Việt có tư tưởng yêu nước đã hăng hái tham gia vào Thiên Địa Hội, với mục đích chống lại sự thống trị của thực dân Pháp. Qua tiếp xúc, cụ Sắc nhận ra nơi đây đang có nhiều tổ chức yêu nước, tập hợp được đông đảo quần chúng đặc biệt người dân Thủ Dầu Một có tinh thần yêu nước nồng nàn, luôn đoàn kết, hòa hợp và rất tích cực tham gia các phong trào đấu tranh chống Pháp. Cụ Sắc nhận thấy với công việc bắt mạch, hốt thuốc chữa bệnh cho bà con có thể giúp cụ nhiều cơ hội tiếp cận để truyền bá tư tưởng yêu nước. Có thể nói đây là một trong những nguyên nhân khiến cho cụ Sắc nhanh chóng tán thành chủ trương thành lập “Hội danh dự yêu nước” và hoan hỉ ở lại chùa Hội Khánh trong suốt thời gian từ năm 1923 đến 1926, để cùng Hòa thượng Từ Văn lãnh đạo Hội và trực tiếp tham gia các hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước, trong lúc dân tộc Việt đang bị chìm đắm trong ách nô lệ của thực dân Pháp. Đây cũng là lúc mà nhiều nhà yêu nước trăn trở tìm con đường giải phóng dân tộc. Hơn nữa, cụ Sắc tham gia thành lập “Hội danh dự yêu nước” vì cụ nhận thấy ý nghĩa và mục đích của “Hội danh dự yêu nước” không khác với mục đích của hội “Lục Hòa liên xã”. Hội cũng truyền bá tư tưởng yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân, đóng góp cho các hoạt động cứu nước và đẩy mạnh công tác chấn hưng Phật giáo thông qua các buổi thuyết pháp, giảng đạo, diễn thuyết, mở các lớp dạy chữ nho, bắt mạch hốt thuốc… Tiếng tăm của cụ ảnh hưởng tích cực đến nhiều thanh niên yêu nước nên mật thám Pháp theo dõi ngày càng sát sao, nhất là khi biết cụ có liên hệ với thanh niên Nguyễn Ái Quốc. Mật thám Pháp ở Sài Gòn khi đó từng xin Khâm sứ Trung kỳ một chỉ thị bắt ngay cụ Sắc. Do bị mật thám theo dõi gắt gao nên cụ Sắc ít khi ở một nơi cố định, mà thường xuyên đi lại nhiều nơi, lúc thì ở nội thị Thủ Dầu Một, lúc qua Tân Khánh, nhiều lúc về Tương Bình Hiệp… để đánh lừa bọn mật thám.
Theo lời kể của Hòa thượng Thích Huệ Thông, năm 1924, thầy thuốc bắc Nguyễn Văn Sỹ nhà ở Tương Bình Hiệp, hội viên “Hội danh dự yêu nước”. Cụ Sắc đã có vài lần đến tiệm thuốc bắc của thầy Sỹ để họp với các thầy thuốc ở chợ Thủ Dầu Một và Sài Gòn. Họ trao đổi với nhau về kinh nghiệm chữa bệnh và gương sáng y đạo của Đại Y tôn Hải Thượng Lãn Ông. Khi đó có Nguyễn Văn Khê, 14 tuổi, là con của thầy Sỹ hầu trà cho quý thầy. Đến năm 1992, ông Khê 87 tuổi, nối nghiệp cha làm thầy thuốc vẫn còn nhớ lại cụ Sắc nói lời của Đại Y tôn: Nghề làm thuốc là nhân thuật, thầy thuốc hẳn phải lấy việc giúp người làm điều hay… các thầy có mặt lúc đó bàn luận: Ông thầy “Huế” hiểu biết sâu rộng y học cổ truyền nước ta. Trong thời gian ở chùa Hội Khánh cụ Sắc ngoài việc bốc thuốc còn dạy chữ nho, được dân chúng gọi thân thương với cái tên thầy “Huế”. Thầy “Huế” hiểu biết sâu rộng về y học cổ truyền, cụ còn tự bào chế thuốc để chữa bệnh cho dân làng.
Cuối năm 1926, cụ Sắc đột ngột rời chùa Hội Khánh không phải là phạm giới tu, cụ là một tín đồ thuần thành được tin cậy của sư trụ trì, hai người đồng hành trong “Hội danh dự” suốt mấy năm ở vùng tỉnh lỵ Thủ Dầu Một. Lý do cụ rời khỏi chùa Hội Khánh theo Hòa thượng Thích Huệ Thông là do mật thám Đông Dương và nhà cầm quyền Pháp ở Thủ Dầu Một phát hiện cụ có hoạt động chống Pháp nên cho bọn tay chân bám sát. Cụ Sắc linh tính biết trước nên vội vàng rời khỏi chùa nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và cho các thầy ở chùa Hội Khánh. Như vậy, cho đến thời điểm này, lịch sử đã ghi nhận “Hội danh dự yêu nước” là tổ chức yêu nước duy nhất mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tham gia sáng lập với vai trò lãnh đạo và chùa Hội Khánh là ngôi Tam bảo duy nhất mà cụ Sắc đã lưu lại với thời gian lâu nhất, cụ thể là từ 1923 - 1926.
Sau khi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc rời chùa Hội Khánh, năm 1927, cụ giả làm cao tăng vượt chặng đường dài để đến chùa Tuyên Linh ở Mỏ Cày, Bến Tre gây dựng cơ sở, mở lớp học dạy chữ nho cho thanh niên và cả những người trong tổ chức hội kín của Nguyễn An Ninh.
Cao Phương
Gửi bình luận