Những nét độc đáo ở Cù lao Giêng
Cù lao Giêng có diện tích khoảng 40km2 nằm giữa sông Tiền, bao gồm 3 xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, thuộc huyện Chợ Mới tỉnh An Giang. Đây là vùng đất có lịch sử khai phá tính đến nay được khoảng 300 năm, là một cù lao xanh mát, quanh năm cây lành trái ngọt, cư dân hiền hòa, mang đậm bản sắc văn hóa miệt vườn và văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người Việt vùng sông nước Cửu Long. Không chỉ vậy, nơi đây còn chứa đựng rất nhiều giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời đặc sắc với những công trình tôn giáo và văn hóa tín ngưỡng độc đáo. Theo người dân địa phương, tên Cù lao Giêng được gọi từ xa xưa và họ giải thích rằng, vùng ĐBSCL có rất nhiều cồn, bãi, cù lao… được hình thành do phù sa bồi đắp, trong đó có Cù lao Giêng - nơi được hình thành đầu tiên của vùng sông nước, nên gọi là Giêng, tức tháng đầu trong năm.
Cù lao Giêng nhìn từ trên cao
Những năm gần đây, Cù lao Giêng được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch nên rất được ngành Du lịch An Giang quan tâm đầu tư, phát triển hạ tầng cho 3 xã Cù lao Giêng. Đã có nhiều tour tuyến kết nối đến đây bằng cả đường thủy, lẫn đường bộ. Đặc biệt nơi đây rất thuận lợi trong việc đón các hãng tàu du lịch quốc tế trên hành trình khám phá dòng Mekong còn nhiều bí ẩn. Kể từ năm 2017, để phát triển du lịch ba xã Cù lao Giêng, ngành du lịch tỉnh đã đưa dự án khu du lịch 3 xã Cù lao Giêng vào danh mục xúc tiến, mời gọi đầu tư.
Trên địa bàn 3 xã có nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo cấp tỉnh và cấp quốc gia. Trong đó có kiến trúc tôn giáo nổi bậc và đặc trưng thời Pháp thuộc là nhà thờ Cù lao Giêng. Nhà thờ có lối kiến trúc theo kiểu phương Tây, được khởi công năm 1875, dưới triều Tự Đức, đến năm 1887 mới hoàn thành, sức chứa khoảng 300 người, được cho là đẹp nhất và lâu đời nhất ở xứ Nam Kỳ. Trải qua hơn 130 năm lịch sử thăng trầm của vùng đất nơi đây, ngôi thánh đường vẫn vẹn nguyên nét cổ kính.
Cạnh nhà thờ là tu viện Phanxicô với diện tích 71.000m2 . Cuối thế kỷ 19, nơi đây được gọi là Chủng viện, đào tạo Linh mục cho giáo phận Nam Vang. Đến năm 1957, nơi đây được giao lại cho dòng tu Phanxicô. Đây là tu viện cổ, là điểm hấp dẫn cho du lịch tâm linh hoặc tìm về dấu xưa trên vùng đất Cù lao.
Trên đất Cù lao còn có tu viện Chúa Quan Phòng, rộng 70.000m2, là nơi đào tạo các tu nữ và cũng là nơi chăm sóc các tu nữ già yếu. Trong khuôn viên của tu viện chen lẫn những vườn hoa rất đẹp với nhiều loại hoa khác nhau. Tại đây, kiến trúc cổ hoà lẫn với thiên nhiên tạo thành một phong cảnh độc đáo không phải nơi nào cũng có được. Nằm cuối dãy đất Cù lao còn có nhà thờ Rạch Sâu. Đây cũng là công trình kiến trúc lâu đời, đẹp, ấn tượng, du khách đến đây dễ gợi nhớ một thời cha ông khai phá vùng đất bồi giữa sông Tiền bát ngát, mênh mông.
Nhà thờ cổ trên dãy đất Cù lao Giêng, một điểm đến yêu thích của du khách phương xa trong vài năm trở lại đây
Cù lao Giêng cũng là nơi có nhiều đình, chùa cổ kính như chùa Bà Lê, một di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Chùa Thành Hoa Tự, chùa Phước Minh mang nhiều huyền thoại. Nổi bật nhất còn có chùa Phước Thành, một công trình kiến trúc tuyệt đẹp được xây dựng vào năm 1872. Nơi đây còn có Lăng Quan Ba Thượng Đẳng. Đây là quần thể kiến trúc đầy tính sáng tạo, thờ ba vị quan gốc Cù lao Giêng. Cả ba người ngày trước là bộ tướng của Nguyễn Ánh, chết trong trận thủy chiến lịch sử ở Đầm Thị Nại, Bình Định năm 1801. Năm 1814 triều đình Huế đã cho làm hình nhân bằng sáp và dùng ghe bầu đưa về đây an táng và được vua Gia Long phong chức Thư Ngọc Hầu. Từ cổng nhìn vào, các nền mộ là những đường thẳng trơn bén, sắc cạnh. Nấm mộ ở giữa được đắp hình một con cá Ly ngư nằm nghiêng mình, đầu quay vào trong uốn mình như đang bơi lượn, đó là mộ của vị võ tướng Nguyễn Văn Thư. Nấm mộ bên phải được chạm khắc hình con Qui, 4 chân vươn dài, bươn tới là mộ ông Nguyễn Văn Kinh. Còn nấm mộ bên trái đắp hình Mặc ngư, tức là con mực, râu tua tủa với tư thế vừa cảnh giác, vừa bảo vệ là mộ của ông Nguyễn Văn Diện. Cả ba ngôi mộ tạo sự sinh động đồng nhất với ý nghĩa tận trung, tận hiếu, một lòng thờ vua. Có thể nói đây là một công trình kiến trúc mỹ thuật hết sức độc đáo, đại diện cho hai trường phái cung đình và dân gian.
Trên đất Cù lao còn có phủ thờ Nguyễn Tộc được lập từ 1909 theo lối kiến trúc cổ, mặt hướng ra sông Tiền. Hàng năm vào các ngày 25, 26, và 27/6 âm lịch, nơi đây diễn ra các nghi lễ cổ truyền độc đáo. Du khách đến vào dịp này có thể xem hoặc tham gia vào các trò chơi dân gian thú vị. Ngoài ra ở Cù lao Giêng còn có một số di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh và quốc gia đó là những chứng tích của một thời đấu tranh oanh liệt chống thực dân, đế quốc: Cột dây thép, nơi ghi lại sự kiện thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Long Xuyên (nay là Tp. Long Xuyên); đình Tấn Mỹ, cơ sở cách mạng hoạt động bí mật; bia chiến thắng xã Tấn Mỹ, ghi dấu trận đánh ngày 14/11/1948…
Hiện nay trên khắp dãy đất Cù lao cũng dần hình thành một số điểm nghỉ dưỡng kết hợp với tham quan các vườn cây ăn trái, trang trại sinh thái ven sông, làng nghề truyền thống và thưởng thức món ăn đặc sản cá bông lau, xôi phồng… Đến đây, du khách có thể ở lại qua đêm trong những homestay mới cảm nhận hết mọi điều thú vị của xứ sở cù lao bốn bề sông nước mênh mông.
Cao Phương
Gửi bình luận