Những bóng hồng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn: Kỳ cuối
Kỳ cuối: Những Huệ phi và nữ tướng dũng cảm
Lê Lợi còn có một người vợ khác là bà Phạm Thị Nghiêu, sau này được phong làm Huệ phi. Từ lúc mới khởi nghĩa bà đã bị nội quan nhà Minh là Mã Kỳ bắt rồi trả về trong Hội thề Đông Quan (22/11/1427) giữa khi thủ lĩnh khởi nghĩa Lam Sơn, giành thắng lợi cho Đại Việt.
Nơi thờ tự Hoàng hậu Bạch Ngọc
Những sử thần phủ thần thịnh, chép theo ý chỉ của vương triều cho rằng bà “ không giữ trọn khí tiết, bị đảng gian lừa dối, dụ dỗ, muốn mưu đồ việc phế lập”. “ Vua Thái Tông cho về Lam Kinh coi giữ Vĩnh Lăng, phi càng oán giận nói những lời không hay, kẻ hầu gái trong cung tố cáo. Nhà vua nổi giận, giao cho đình thần luận tội, ban cho được cái chết”.
Trong tình hình thâm cung bí sử phức tạp của triều đình Hậu Lê buổi đầu thì câu chuyện này mập mờ, đáng nghi. Phải chăng bà Phạm Thị Nghiêu thấy việc lên ngôi của Nguyên Long là bất chính, việc đối xử với Tư Tề là không công bằng hay phải chăng vì những bất bình khác mà than thở? Những người đi theo bà là tay chân của phe cánh Nguyên Long theo dò xét nên có kết cục đáng tiếc ấy.
Bà Bạch Ngọc và công chúa Huy Chân
Cũng là thời Lê Lợi đưa nghĩa quân Lam Sơn vào “đứng chân” ở xứ Nghệ, còn có một người phụ nữ đã có công lao rất lớn trong việc giúp đỡ thủ lĩnh phong trào yêu nước đánh giặc, gây dựng đủ lực lượng để tiến lên đuổi sạch quân Minh ra khỏi đất nước. Đó là bà Trần Thị Ngọc Hào ( Hoàng hậu Bạch Ngọc). Ngọc Hào là cung phi của vua Trần Duệ Tông. Năm 1377, vua Trần Duệ Tông mất. Năm 1400, nhà Hồ thay thế nhà Trần, bà Ngọc Hào sống lặng lẽ trong cung riêng ở Thăng Long. Nhưng đến năm 1407, quân Minh sang xâm chiếm, bà dẫn 500 cung nhân nội thị rời kinh đô vào xứ Nghệ, khai hoang lập ấp, kiến tạo được một vùng điền trang trên đất đai các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ, Cam Lộc với 3965 mẫu ruộng và hơn 3000 dân.
Bà Ngọc Hào đã đến ra mắt Lê Lợi. Biết nghĩa quân đang rất cần lương thực và vũ khí đánh giặc, năm 1425, bà Ngọc Hào đem hết tiền của, lương thực và cả những khí giới tích luỹ được trong nhiều năm cung cấp cho lực lượng Lam Sơn. Khu vực điền trang của bà đã trở thành một căn cứ hậu cần quan trọng của nghĩa quân.
Nhờ sự giúp đỡ đắc lực của bà Ngọc Hào, chỉ sau một năm “đứng chân” xứ Nghệ, nghĩa quân Lam Sơn đã đủ mạnh để năm 1426 tiến quân ra chiến trường phía Bắc, và đến cuối năm 1427 thì sự nghiệp hoàn thành.
Bà Bạch Ngọc có công chúa Huy Chân, khi gặp mặt ở Nghệ An bà đã cho Huy Chân làm cung phi của Bình Định Vương Lê Lợi. Cuối năm 1425, Huy Chân sinh công chúa Trang Từ. Hai mẹ con Huy Chân và Trang Từ cùng đi trong đoàn quân ra Bắc và có mặt trong ngày chiến thắng.
Công chúa Trang Từ sau này về làm dâu Bùi Bị, một công thần cùng quê của Lê Lợi. Hai mẹ con cùng về thăm quê, viếng mộ Lê Thái Tổ.
Hoàng phi Lê Thị Ngọc Ân
Là một phụ nữ người làng Hội Hiền (nay là xã Tây Hồ, huyện Thọ Xuân) bà còn có tên gọi khác là Hoa Nương, Bà Am.
Năm 1418, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo diễn ra ở vùng núi Lam Sơn, Thanh Hóa. Sau một thời gian dài vừa chiến đấu, vừa xây dựng, củng cố lực lượng, tích luỹ lương thực, vũ khí. Năm Giáp Thìn (1424), thực hiện theo kế sách của Nguyễn Chích, Lê Lợi quyết định đưa lực lượng nghĩa quân rời bỏ vùng căn cứ rừng núi ở Thanh Hóa để tiến vào Nghệ An “nơi hiểm yếu, đất rộng, người đông”, nhằm mở rộng địa bàn hoạt động cũng như gây dựng cơ sở thanh thế cho nghĩa quân.
Trước khi tiến quân vào vùng đất Nghệ An, nghĩa quân Lam Sơn đã dùng kế đánh nghi binh địch ở đồn Đa Căng (nay thuộc xã Thọ Nguyên, Thọ Xuân, Thanh Hóa) rồi rút về làng Hội Hiền.
Tại đây, có một người con gái tên là Lê Thị Ngọc Ân, đã dẫn đường, chỉ lối cho nghĩa quân tiêu diệt địch. Liền sau đó quân Minh đuổi giáp la cà, người con gái này đã đánh lạc hướng quân Minh nên nghĩa quân đã thoát khỏi sự truy quét của địch. Từ Nghệ An nghĩa quân đã liên tiếp giành thắng lợi, rồi tiến ra Thăng Long, hạ thành Đông Quan. Kết thúc mười năm kháng chiến gian khổ, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế. Sau khi lên ngôi trong lần viếng thăm đất tổ, Lê Lợi đã ghé qua làng Hội Hiền thăm người con gái năm xưa. Lúc này bà đã mất. Nhà vua vô cùng thương xót, liền cho lập đàn cúng tế tưởng nhớ công ơn của bà và ban tặng: Khai quốc công thần/ Quốc Mẫu Trinh liệt/Hoàng Phi Lê Thị, hiệu Ngọc Ân.
Ngoài ra Lê Lợi còn phong tặng đất đai trong vùng và ban chiếu chỉ cho nhân dân nơi lập đền thờ bà. Ngoài làng Hội Hiền, nhiều làng khác trong vùng cũng được thưởng bổng lộc đất đai. Hằng năm cứ đến ngày 27/9 đều tổ chức tế bà với nhiều nghi thức khác nhau.
Sách “Đất Lam Sơn” trong phần nói về những liệt nữ tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có nhắc tới Hoàng phi Trinh Liệt tôn thần Lê Thị Ngọc Ân với sự kiện: Khi nghĩa quân Lam Sơn hành quân qua đây đã trú tạm lại một thời gian. Tại đây Lê Lợi và Hoa Nương đã hứa hẹn mối duyên cầm sắt. Hôn lễ chưa được tổ chức thì Vương đã phải ra đi. Khi trở về thì Hoa Nương đã trở thành người thiên cổ nhưng mối tình không vì thế mà hết. Lê Lợi đã nằm mộng thấy người yêu đến bày tỏ tâm sự và hứa sẽ phù hộ cho cuộc khởi nghĩa thành công. Sau khi đất nước sạch bóng quân thù. Thái Tổ đã về đây dâng lễ Hoàng hậu để tế viếng hương hồn người cũ.
Sách “Các vị thần thờ ở xứ Thanh” ghi lại: Khi vua Lê Thái Tổ đi đánh giặc Ngô qua đây nghỉ lại, thấy nàng nhan sắc nết na, đức hạnh, vua muốn lấy làm phi chưa thành mà nàng đã thoát hóa. Đêm vua mộng thấy có người con gái quỳ tâu là trước đây có mối lương duyên chưa hợp, nay nghe vua đánh giặc, xin giúp nhà vua thành công. Hôm sau, vua đánh giặc quả nhiên thắng trận. Khi Thái Tổ khải hoàn đã lấy lễ Hoàng hậu tế nàng và sai nhân dân lập đền thờ có nhiều linh ứng...
Đào Đặng, người thiếu nữ dùng mưu giết giặc
Lịch sử đã ghi nhận thêm nhân vật có những đóng góp rất đặc biệt vào cuộc chiến thắng chống giặc thù. Đó trước hết là bà họ Đào, người làng Đào Đặng, nay thuộc tỉnh Hưng Yên.
Khi giặc Minh tràn sang xâm lược, có một cánh quân của chúng đã cắm đất của làng mà xây dựng. Biết làng Đào Đặng có nhiều thiếu nữ xinh đẹp làm nghề xướng ca, chúng ra lệnh gom luôn các ca nương ấy vào trại. Đêm đêm bắt phải múa hát cho chúng mua vui.
Vùng Đào Đặng ngày xưa ẩm ướt, rất nhiều muỗi, chỉ huy giặc bèn làm những bao túi cho quân lính chui vào ban đêm ngủ chống muỗi. Mỗi đêm nghe xướng ca xong thắng lại hộ sợi dây miệng túi. Bà họ Đào là người được giặc nhờ cậy nhiều nhất. Nhân đấy nghĩ ra kế lạ: Chỗ cho giặc ngủ say trong túi thì bí mật đón những chàng trai khỏe mạnh, lẻn vào trại khiêng những bao túi ngủ có giặc đang say ngủ ở trong đem ra ngoài thả trôi sông mất tích.
Đêm này qua đêm khác, số lính giặc bị bắt thả trôi sông bặt tăm ngày một nhiều. Chỉ huy giặc thấy quân số cứ lặng lẽ mà hao hụt. Không biết vì sao, đành cho rằng có âm binh báo hại nên xuống lệnh nhổ trại, kéo quân khỏi làng!
Dân làng Đào Đặng từ đấy thoát khỏi nạn giặc ức hiếp. Biết ơn ca nương họ Đào, đến khi bà mất liền tôn bà làm phúc thần của làng, gọi luôn tên thần là “ Ả Đào”. Nghề ca xướng của làng từ đó của làng cũng được gọi là “ hát Ả Đào”.
Nữ tướng Nguyễn Thị Bành
Người phụ nữ đã góp phần vào thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn là Nguyễn Thị Bành. Cuối cùng bà là vợ của tướng Nguyễn Chích. Đã cùng chồng đánh vào các đồn bốt của quân Minh ở vùng Đông Sơn, Nông Cống từ khi Hội thề Lũng Nhai chưa tiến hành. Năm 1412, Nguyễn Chích đặt chiến khu ở vùng núi Hoàng Sơn ( nằm ở giữa hai huyện Nông Cống - Đông Sơn). Đội quân của Nguyễn Chích đã bất thần tấn công vào một loạt đồn bốt giặc ở vùng Đông Sơn, Thiện Thiên. Nguyễn Thị Bành đã cùng chồng cưỡi ngựa vung gươm vào giữa trận tiền của quân giặc rồi đem toàn quân gia nhập khởi nghĩa Lam Sơn. Bà là nữ tướng bộ binh của Lê Lợi.
Nguyễn Thị Bành là vợ của Thủy Tổ, dòng họ Nguyễn. Con cháu của bà đến nay đã qua 25 đời. Cuốn gia phả của dòng họ ghi sự tích các đời đến nay còn hơn 1000 con cháu.
Mãi mãi ghi nhớ sự tích của các bà, đã góp sức, góp công vào thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn.
Lê Xuân Kỳ
Gửi bình luận