Nhìn lại để vững bước
Năm 2015, ngành Du lịch Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập (09/7/1960 – 09/7/2015).Đây là sự kiện và dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành, nhất là trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.
Ngày thành lập ngành Du lịch Việt Nam được tính là ngày 09 tháng 7 năm 1960.
Du khách tham quan Bà Nà Hills - ảnh: Thanh Hà (TTXVN)
Nghị quyết của Chính phủ về phát triển du lịch ban hành năm 1992 đã đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế ngày càng quan trọng. Vì vậy, Nghị quyết số 92/NQ-CP về phát triển du lịch trong thời kỳ mới, vừa được Chính phủ ban hành, được kỳ vọng sẽ giúp ngành công nghiệp không khói “lột xác” lần thứ hai.
Chúng ta hãy nhìn vào thực trạng: Các địa phương làm du lịch thường chỉ chú trọng khai thác quá mức các thắng cảnh thiên nhiên, việc “xã hội hóa” các danh thắng đã dẫn đến tình trạng các điểm tham quan thu phí khá đắt.
Ngoài ra, còn có những yếu kém khác như đầu tư cho xúc tiến quảng bá cả về nguồn lực Nhà nước và xã hội hóa còn rất khiêm tốn. Phong cách làm du lịch chưa chuyên nghiệp, bị động trong việc dự báo, mở thị trường và đào tạo hướng dẫn viên…
Nếu các ngành và chính quyền địa phương các cấp không thực sự vào cuộc quyết liệt thì ngành Du lịch Việt Nam dù có rất nhiều lợi thế cũng khó có thể phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Dựa trên hai nguồn tài nguyên: môi trường cảnh quan biển đảo đẹp, hấp dẫn và di sản văn hóa biển đảo phong phú, đặc sắc, các tỉnh, thành khu vực miền Trung có tiềm năng lớn về du lịch biển đảo. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành Du lịch ở khu vực này hiện tại lại chưa tương xứng.
Miền Trung Việt Nam là vùng trọng điểm của chiến lược phát triển du lịch biển đảo Việt Nam. Do vậy, những quan điểm được nêu ra trong đề án Phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển đến năm 2020 cũng là điều căn cốt mà ngành Du lịch các tỉnh miền Trung phải dựa vào để hình thành các giải pháp phát triển du lịch biển đảo miền Trung trong những năm tới.
Tuy vậy vẫn có điều khả quan để chúng ta hướng tới:
Hơn 60% du khách quốc tế hài lòng khi đến Việt Nam.
Đây là con số được Tổng cục Du lịch thông báo tại chương trình Họp báo về chế độ báo cáo thống kê du lịch, kết quả điều tra khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2014 và tổ chức Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2014, tổ chức ngày 15/5/2015, tại Hà Nội.
Theo đó, đánh giá chung về mức độ hài lòng đối với chuyến du lịch tại Việt Nam của du khách quốc tế: Mức rất tốt có 28,07%; mức tốt có 66,02%; mức trung bình có 5,69%; kém và rất kém có 0,22%.
Theo ông Trần Chí Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch, Tổng cục Du lịch, ngày nay, du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong bối cảnh đó, công tác thống kê du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhằm xác định được đóng góp của du lịch đối với nền kinh tế quốc dân, góp phần phục vụ công tác quản lý và hoạch định chính sách trong ngành. Công tác thống kê du lịch bao gồm hai nhóm chủ yếu: Thực hiện chế độ báo cáo thống kê du lịch và triển khai các cuộc điều tra thống kê về du lịch.
Nghiên cứu hoạch định chính sách, thu hút đầu tư và đánh giá vai trò của ngành Du lịch. Các công ty lữ hành, cơ sở dịch vụ có kế hoạch tham gia Chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2015 với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam – Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc” như: bán hàng giảm giá, giảm giá phòng, xây dựng các tour du lịch khuyến mại, tổ chức chiến dịch khuyến mại cho khách du lịch…
Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển, lượng khách quốc tế đến cũng như khách du lịch nội địa ngày càng tăng.Du lịch Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn trên thế giới, nhiều điểm đến trong nước được bình chọn là địa chỉ yêu thích của du khách quốc tế.Du lịch đang ngày càng nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.Chất lượng và tính cạnh tranh của du lịch là những vấn đề nhận được nhiều sự chú ý và thảo luận rộng rãi.Một cách tiếp cận đa chiều về đánh giá chất lượng du lịch sẽ góp phần hình thành các giải pháp đúng đắn nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Điều này cho thấy chất lượng du lịch Việt Nam đang dần tốt lên, đi vào chiều sâu thay vì chiều rộng theo đúng định hướng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh”.
Hồ Sĩ Tá
Gửi bình luận