Nhà thơ Tố Hữu với: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”
Trong mỗi người đã từng được chứng kiến không khí của ngày Điện Biên Phủ toàn thắng (7/5/1954) và hơn hai tháng sau, vào ngày 21 tháng 7 năm 1954 Hiệp định Giơ ne vơ về hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Như vậy, hơn 80 năm xâm lược nước ta, thực dân Pháp phải cuốn cờ về Pháp. Tiếng ca yêu hòa bình trên khắp nẻo Tổ quốc Việt Nam vang mãi vọng xa đến tận bên kia bán cầu để bầu bạn cả năm châu hiểu đất nước Việt Nam – Hồ Chí Minh – Điện Biên Phủ.
Trong khuôn khổ bài viết của mình nhân dịp này, tôi cũng chỉ nói những hiểu biết và được nghe và được cả chứng kiến “sự thì thào to nhỏ” của “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” vì bài thơ đã được đi vào sách giáo khoa của các cấp học phổ thông ngày đó.
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu, một nhà thơ để lại trong thế hệ chúng tôi thuộc nhiều thơ ông nhất và thơ ông là động lực và vốn liếng hiểu biết về lẽ sống thời đại là những lời hiệu triệu kêu gọi để lớp lớp chúng tôi xung phong ra trận. Yêu thích thơ ông nên càng trân trọng và thần thánh ông bởi ông đã làm thơ từ lúc 17 tuổi và cũng tuổi ấy ông đã được chứng kiến lịch sử, chứng kiến phong trào và khí thế cách mạng sục sôi.
Bằng thực tiễn của những năm tháng, được Đảng, Bác Hồ rèn luyện, Tố Hữu trở thành nhà chính trị, nhà thơ lớn. Chính vì thế thơ ông vào gan ruột chúng tôi vừa xuôi chèo mát mái vừa đầy sức thuyết phục.
Năm tôi học lớp bảy, thầy giáo dạy Văn có ra cho chúng tôi “Hãy phân tích bình giảng bài thơ hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Tôi nhớ bài văn được thầy cho 4 điểm (thang 5 điểm) và được thầy đọc làm mẫu.
Cũng từ đó “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” theo tôi lênh đênh trên những con tàu của Hải quân Việt Nam còn non trẻ để bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc và vận chuyển hàng hóa vũ khí chi viện cho các chiến trường và đến những ngày này khi đã ở cái tuổi lúc nhớ lúc quên, ấy thế nhưng với “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu thì tôi không thể quên được. Dù đây không phải thể thơ lục bát hay thể loại song thất lục bát và thể thơ dễ thuộc. Thế mà ngôn ngữ nhạc điệu của bài thơ đã khắc quá sâu.
Do thích và sùng bái ông, tôi thường lên thư viện và những bầu bạn có sách, văn kiện, tư liệu nói về Tố Hữu để tìm đọc.
Năm nhà thơ Tố Hữu đã 79 tuổi cũng là năm kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trước một số nhà văn, nhà báo cũng diện “Lão” đến chơi với ông và cũng đúng thời điểm đó cũng có nhiều giai thoại nhạy cảm nóng hổi ngoài chính sử. Tố Hữu nói: Đối với tôi, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã để lại nhiều kỷ niệm thắm thiết và ấm áp, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể phai nhạt vừa tình đồng chí, vừa tình một khúc ruột miền Trung cả.
...Rồi ông nói lại không khí của cả nước sau 30 tháng 4 năm 1975 giá như tiên đoán được thì chiến tranh Biên giới ở Tây Nam và phía Bắc của nước ta trong 10 năm đó (1979-1989) sẽ đỡ được xương máu của bao đồng bào chiến sĩ.
Ngừng một lát ông tiếp: Sau các hình ảnh nhân dân, Đảng và Bác Hồ thì hình ảnh đồng chí Võ Nguyên Giáp là một nguồn cảm hứng thơ dào dạt trong tôi. Có thể nói thật với các nhà văn, nhà báo có mặt hôm nay ở nhà tôi 76- Phan Đình Phùng rằng: Khi viết bất cứ câu thơ nào về Bác và về Quân đội nhân dân của chúng ta, tôi đều nghĩ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà tôi mỗi lần gặp anh đều thân mật gọi anh là anh Văn mà Bác Hồ đặt bí danh cho anh. Đến nay đã 55 năm hơn một nửa thế kỷ tôi vẫn cứ trào dâng xúc động mỗi khi đọc lại mấy câu: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp...
Tôi đã “Hoan hô” đồng chí Võ Nguyên Giáp suốt kháng chiến chống Pháp. Cả nước sang kháng chiến chống Mỹ, tôi càng “hoan hô”. Đến nay tôi lại “hoan hô” nhiều hơn nữa “hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp”, học trò tuyệt đối trung thành của Bác Hồ, nào có gì là sai trái đây?”.
Nhà thơ Tố Hữu nhớ lại: Năm 1972, tôi sang Ý dự đại hội Đảng Cộng sản Ý. Hàng vạn người Ý, nhất là thanh niên hô vang khắp nơi: Việt Nam libêrô (Việt Nam tự do), Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ, Giáp, Giáp!
Tự nhiên nhà thơ lặng hẳn đi, hơi cúi xuống đánh mắt nhìn có vẻ buồn bã gì đó, ông nói nhỏ thong thả, mọi người đều nén cảm xúc!
Các anh, các chị ạ! Đất nước thống nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bước sang tuổi 65, anh đã được Đảng và Nhà nước cho thôi giữ chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân, Ủy viên Bộ Chính trị... sang đảm nhận một số nhiệm vụ khác...
Lợi dụng vào những chức tước “nhạy cảm mới” mà anh Văn đảm nhận ở cương vị mới của mình. Thế là vô tội vạ các thơ, vè, đối tự phát kích động anh và kích động cả lòng người. Vì thế có tin đồn rằng: Ông Tố Hữu, vào dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1984) đã xóa câu thơ “Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp” xin mọi người cứ yên tâm cho (ông nói to lên như một lời tuyên thề) Tố Hữu, Nguyễn Kim Thành chưa một phút nào phai nhạt tình yêu đối với đồng chí Võ Nguyên Giáp! Ngừng lại một lúc vì hơi mệt quá sức, nhà thơ hoan hô chiến sĩ Điện Biên tiếp:
Sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, vào những thời điểm khác nhau, các anh như Xuân Thủy, Trần Đại Nghĩa, Đinh Đức Thiện, Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trà, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ... đều gợi ý tôi nên viết một Trường ca, trong đó có hình ảnh Bác Hồ và các anh Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... Nhưng do công việc bộn bề, đến nay vẫn chưa làm được. Nếu viết trường ca ấy, tôi sẽ bổ sung vào ba câu “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp” bằng cách thêm một câu: Hoan hô chiến sĩ Việt Nam, bỏ chữ “giặc” và thay bằng chữ “Mỹ”:
“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Hoan hô chiến sĩ Việt Nam
Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp Sét đánh ngày đêm xuống đầu Mỹ - Pháp”
Tôi nghĩ ở anh Văn, trên cả hai lĩnh vực quân sự, chính trị, anh luôn biết lấy nhu trị cương, lấy nhược trị cường, biết lúc nào cần đi tới, biết lúc nào cần dừng lại, biết im lặng, biết đợi chờ, biết nghiền ngẫm một thế cờ để rồi đi một nước cờ quyết định, biết chiến trường cần gì và phải đem những gì đến chiến trường, biết lùi một bước rồi bất chợt lao vút lên phía trước như một mãnh hổ làm cho đối phương trở tay không kịp.
Nhà thơ Tố Hữu say sưa: Tôi khẳng định là anh Văn chưa bao giờ thua trận, chỉ có khoảng 20% là những trận hòa, còn khoảng 80% là những trận thắng. Đó thật sự là một ông Tổng Tư lệnh trăm trận trăm thắng Un généralissime invincible trên phạm vi toàn cầu trong thế kỷ XX, đó là trường hợp duy nhất.
Buổi tiếp chuyện hôm đó với các nhà văn, nhà báo... cùng xấp xỉ ngang tuổi như Tố Hữu. Nhà thơ Tố Hữu nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất nhiều. Ông đã lý giải để mọi người hiểu rằng: Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp ngày xưa thế nào thì cho đến thời điểm đó (năm 1999) vẫn không có gì đổi thay như nhiều dư luận đã tung ra vô tội vạ để chứng minh lòng trân trọng đối với Võ Đại tướng của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu nói lại: Tôi nhớ lại sau 30 tháng 4 năm 1975, trong một cuộc họp Bộ Chính trị, chính đồng chí Lê Duẩn đứng lên trịnh trọng nói: “Miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng. Nếu còn sống, Bác Hồ sẽ thay mặt Đảng, Chính phủ vào Miền Nam chúc mừng ngày toàn thắng...
Nguyễn Thiện Phùng (Hội viên Hội VHNT Thanh Hóa
Gửi bình luận