Người sưu tập 200 loài hoa lan quý
Đưa tôi đi một vòng chiêm ngưỡng từng cụm hoa, nhành hoa e ấp nấp dưới từng tán lá, gốc cây khô và được treo lơ lửng từng chùm dưới mái lưới che nắng, chủ nhân giới thiệu từng tên, từng loài hoa và xuất xứ của nó như một học trò thuộc làu một bài văn hay. Nào là huyết nhung, tuyết ngọc, tóc tiên, thủy tiên, tai trâu, gấm Thượng Hải, quế hương, long châu, xích lan, hồ điệp rừng, hương duyên, lọng… Riêng họ “lọng” có đến hàng chục loài khác nhau (chưa kể đột biến gien).
Đặc biệt, trong số 500 cá thể (đơn vị tính) của trên 200 loài phong lan trong khu vườn có nhiều giống lan quý hiếm của lan rừng Việt Nam có nguy cơ mất giống như: mỹ dung, thanh hạt, tuyết ngọc trắng tuyền, cẩm báo (với các màu nâu, xanh, vằn) cẩm báo tím… rất đẹp và đắt giá. Quan sát kỹ, mỗi loài hoa có hình thù và nét đẹp rất riêng, quý phái, dịu dàng, thanh nhã của lan rừng; có những giò lan hình thù rất lạ, hoa nhỏ li ti đủ màu sắc quấn quít như dây leo trên những gốc cây khô và có hương thơm vừa hoang dại, dịu dàng vừa quý phái.
Để có được bộ sưu tập phong lan giá trị nhất hiện nay ở Đà Lạt (có lẽ trong nước hiện chưa có ai sánh được), chủ nhân của nó đã mất trên 20 năm ngược xuôi vào Nam ra Bắc, len lỏi đến những buôn làng hẻo lánh của người dân tộc hay vào sâu trong rừng tìm kiếm, mua, trao đổi, sưu tầm… mang về chăm sóc bằng cả tình yêu và niềm đam mê tuyệt vời. Thầy Thành đã tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức kể cả những thất bại trước đó.
Ông tâm sự: “Khi mới về hưu kinh tế gia đình còn khó khăn lắm, tôi tích cóp một tháng tiền lương hưu đầu tư trồng một vườn địa lan, sau vài năm trầy trật bởi địa lan vốn nhiều sâu bệnh, rất khó chăm sóc nên thất bại thua lỗ; tôi chuyển sang sưu tầm và trồng phong lan”. Theo thầy Thành, trồng phong lan chủ yếu mất nhiều công sức ít tốn kinh phí; phong lan lại ít sâu bệnh có sức sống mãnh liệt.
Vốn am hiểu từng giống loài và đặc tính sinh trưởng của phong lan, ngày tháng thầy Thành bỏ công sưu tầm, tìm mua, trao đổi với bạn bè, với người đồng bào dân tộc… mang về, chọn các gốc, hay cành cây khô (có dáng đẹp) nẹp chúng vào với ít dớn rồi tưới nước, bón phân , tạo dáng… Vài tháng sau, rễ phong lan bám vào các nhánh cây khô phát triển xanh tốt là có được một cá thể hoa ưng ý.
Thầy Thành cho biết, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 500 - 700 loài lan rừng; bộ sưu tập của ông đã có trên 200 loài; sắp tới ông sẽ tiếp tục sưu tầm để gia tăng số loài phong lan cho bộ sưu tập của mình.
Sở hữu một bộ sưu tập lan rừng quý, nhiều năm qua thầy Thành đã tham gia và đạt nhiều giải thưởng, huy chương các loại qua các dịp trưng bày hoa, bonsai tại các lễ hội Festival Hoa Đà Lạt, Hội chợ Hoa xuân do Hiệp hội hoa Đà Lạt tổ chức. Ông đang là thành viên “Câu lạc bộ bảo tồn giống lan quý” của Hiệp hội hoa Đà Lạt. Hiện nay, sản phẩm phong lan của ông được trưng bày, giới thiệu tại Công ty Rừng hoa Đà Lạt. Nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Đà Lạt đều thích thú với các tác phẩm hoa phong lan của nghệ nhân Lê Văn Thành và đã có các nhà nghiên cứu, nhiều du khách yêu thích loài hoa rừng xinh đẹp, quý phái này tìm đến không gian hoa của gia đình nhà giáo Thành để nghiên cứu, học hỏi, tham quan, thưởng thức…
Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng
Gửi bình luận