Người đẹp Tây Đô, kỳ cuối
Cha tôi tham gia hoạt động cách mạng do đồng chí Xứ ủy Nam Kỳ Trần Ngọc Quế giác ngộ và giao nhiệm vụ. Bị tình nghi chúng đuổi cha tôi xuống Cà Mau. Cha tôi bị sốt rét suýt chết năm 1945.
Bà Lâm Thị Phấn và đồng đội- Ảnh tư liệu
9 năm, cha tôi là Chủ tịch Mặt trận Việt Minh tỉnh Cần Thơ. Khi tập kết ra Bắc là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Trung ương ở chung với Bác Tôn Đức Thắng tại Mặt trận. Khi về Nam 1975, cha tôi là cố vấn Mặt trận Tổ quốc Cần Thơ. Năm 1983, cha tôi qua đời tại ngôi nhà đã sinh ra tôi, tôi đang ở giữ nhà thờ gia đình cúng hương khói. Mẹ tôi là Huỳnh Thị Thuần, nội trợ nuôi cơm tháng học trò, chết năm 1995, thọ được 95 tuổi.
- Thưa cô Hai, xin cô nói chút xíu về các người con mà lúc ra đi cô để lại cho công tử Bạc Liêu nuôi.
- Về Sài Gòn tôi gặp lại con trai, nó ở nhà cậu ruột Lâm Văn Phát, được học hành chu đáo làm giáo viên tóan trung học từ năm 1957, bốn mươi năm trong nghề chưa về hưu, nay đã 62 tuổi ở Biên Hòa. Cháu tên là Phan Tấn Kiển. Chúng quý mến tôi. Mai tôi mổ, vợ nó lên chăm nuôi.
Trong phim “Người đẹp Tây Đô” còn nàng Bạch Vân xinh đẹp là em gái Bạch Cúc. Bạch Vân ở ngoài đời là bà Lâm Thị Phết, 75 tuổi hiện ở cùng gia đình tại cư xá Lữ Gia.
Bà Bạch Cúc- Lâm Thị Elise – Lâm Thị Phấn, khi tôi gặp sống chung với người bạn đời mới là ông Lê Văn Thức, 80 tuổi, cựu Giám đốc Sở Lâm nghiệp người cũng cô đơn như bà, đã cùng nhau kết bạn trăm năm. Bà kể:
“Anh Thức cũng cô đơn như tôi, già yếu đau ốm, luôn ở một mình khổ thân, anh em thương lo cho mình mà mình không nghe, làm phật lòng họ. Các đồng chí nói với tôi thế này: Chị Hai à, thương chị Hai chúng em khuyên anh chị nên kết hôn bạn đời với nhau, để khi đau yếu có nhau, cho tụi em nhẹ bớt lo lắng”.
Tôi chấp nhận gá nghĩa bạn đời với anh Thức. Buổi lễ ra mắt nhều bạn bè không mời mà đến dự với tôi rất cảm động…
Nàng Bạch Cúc lên xe hoa năm 78 tuổi và cuộc sống thật hạnh phúc. Bên cạnh bà, ngoài con cháu, trước giờ lên bàn mổ còn có người bạn đời già. Tôi nghe bà gọi anh và gọi em vui vẻ lắm, trẻ lắm.
Tôi chợt nghĩ về hạnh phúc và băn khoăn. Những hy sinh cao cả của người đẹp Tây Đô thật lớn và khó hình dung nổi.
Trước khi trang bản thảo lên khuôn tôi gọi đến bệnh viện Thống Nhất. Đầu dây đằng kia là bác sĩ Trịnh Ngọc Thanh, anh nói: Người đẹp Tây Đô đã bình phục.
Người đẹp Tây Đô Lâm Thị Phấn-Ảnh tư liệu
Tôi viết những dòng này khi chị đã vào tuổi 100 - Một trăm tuổi tròn: Nhập ngũ năm 31 tuổi (khi đã có 3 con); khi về hưu (1984) mang quân hàm Thiếu tá. Năm 1975, giải phóng miền Nam, chị thường phụ trách mạng tình báo Cần Thơ. Người ta thấy chị đi trên đường trong bộ trang phục Thiếu tá lúc đó nhiều người mới nhận ra “Chị là người của cách mạng là Bộ đội Cụ Hồ,” chị được kết nạp vào Đảng ngày 2/8/1950.
Chị qua đời ngày 5/4/2010 ở tuổi 92. Một người em cùng đơn vị với chị còn giữ được bức thư chị gửi năm 1979. Bức thư ấy như sau:
“Thiểu em thân thương!
Được thơ em chị đưa cho Quân và Dân đọc, ai cũng lo cho em cả, vết thương ra sao? Chừng nào em bình phục? Vợ em lo lắng cho em và nuôi con thế nào? Dẫu sao cũng phải qua cơn mổ xẻ nữa và trải qua thời gian đau đớn và nằm viện nữa em à – cố gắng nghe em! Thương em chị không lo gì cho em được. Hôm em đi chỉ có mấy trái chanh bỏ theo cho em đó thôi.
Vân ra viện rồi – chị sẽ ra viện ngày 20/7/1976 ngày mai đây. Chân chị bớt nhiều nhưng chưa đi bình thường vì còn đua – Được tiếp tục nghỉ 1 tuần lễ nữa.
Em đi rồi, chị rất nhớ em, chị buồn chị lo cho em. Thương vợ con, em hãy kiên trì điều trị cho hết về công tác và sống với vợ con nghe em chiến tranh là thế đó, may em còn sống chịu thương tật, còn các đ/c khác đã hy sinh thì sao? Em ra sao nhớ thư cho chị nghe em. Địa chỉ của chị tới mau.
Lâm Thị Phấn – 81 Hoàng Văn Thụ - Cần Thơ
Mấy chục năm chị em xa nhau nay gặp lại còn sống và công tác là quý lắm, chị rất mừng lúc sống chung, chị không quên anh em 414 hết lòng giúp đỡ chị, thương mến chị, trong đó có em. Ngày nay tình cảm vẫn như thế không gì thay đổi cả, quý hóa lắm, dù ở cương vị nào dù ở thời gian nào cũng không quên nhau trong tình chị em, trong tình đ/c đồng đội sống chung nhau 1 đơn vị.
Cuối thư chị chúc em mau lành bệnh, viết thư cho chị báo tin về bịnh tình em vết thương của em cho chị nơi em nằm điều trị. Chị được tin em, chị yên tâm và cho tin về với con em về chị cô vợ của em nữa nhé.
Người chị không bao giờ quên em.
Lâm Thị Phấn
Ngày 18/07/1979”.
Gửi bình luận