Người đẹp Tây Đô, kỳ 3
Tôi nói đây là lệnh tôi chấp nhận, tôi không yêu ông và tôi chưa làm vợ ông ngay bây giờ. Tôi hứa, sau khi tôi thu xếp lại lưới điệp báo của tôi xong, ổn định rồi tôi mới lấy Thái.
Khu chợ Cần Thơ năm 1969-ảnh tư liệu
Thái nói: Miễn tôi được yêu cô ấy mà thôi, tôi không cần cô ấy yêu lại. Tôi nói: Ông nói ông hãy nhớ lấy đó. Sau này ông không trách tôi được. Mười ba năm trời ai có biết tôi gian khổ đến chừng nào không, còn khổ hơn ở với Ba Dĩnh, chứ trí não, thể xác tôi khổ biết bao. Tôi cắn răng mà chịu không than, không trách, chấp nhận hy sinh, khổ cực. Tâm hồn tôi không còn nữa vì mất Quang rồi, còn thể xác này tha hồ cho người ta dày xéo, nó phải chịu cung ứng cho cái nhục dục của họ. Trời cay đắng biết mấy, nói sao cho hết hỡi trời. Hắn đi làm về cởi giày, quỳ gối, dưới dàn phải có thau nước nóng, dầu thơm khăn bông.
Lau mình cho hắn xong mặc áo pirama vào, ra ngồi bàn ăn đọc báo. Tôi xuống bếp làm cơm nóng lại dọn lên cho hắn ăn.
Lưới điệp báo có nhiều người nam có, nữ có, tôi tổ chức được 9 chị em chia làm 3 tổ ngăn cách nhau, để bảo vệ bí mật. Tôi mải tổ chức thêm cơ sở nên chậm báo cáo bị chi bộ C50 khiển trách tại sao không gửi tài liệu về. Tôi phải chạy về lo o bế hắn mọi thứ để có tài liệu gửi về cho ta. Mỗi tài liệu, mỗi đóng góp của Hoàng Thái là tôi phải đổi bằng máu và nước mắt của mình. Hoàng Thái vì tôi chứ không phải vì cách mạng. Tôi đi công tác là y ghen, đụng đâu ghen đó, có khi hắn lấy dao ra hăm dọa tôi trước mặt cha tôi. Hắn ghen uống rượu vô đập đầu mình lăn dưới gạch, từ nhà trước lăn ra nhà sau, từ nhà sau lăn tới nhà trước. Cả thủ trưởng và anh em lại thăm, hắn cũng ghen. Đảng cho tôi đi học kinh tế, hắn không cho “Đàn bà mà đi học cái gì, làm vua làm tướng gì mà đi học, để hắn đi một mình”.
- Sau này cô Hai có gặp lại người từng làm chồng, người yêu không?
- Sau này tôi gặp lại Quang. Quang đã có hai con gái, vợ bị chết. Quang có đặt vấn đề xây dựng lại mối tình cũ. Nhưng con gái của Quang quá đáng lắm, nó đi tìm kiếm coi mặt tôi ra sao, nó nói với các bạn tôi rằng: “Tôi tìm bà Phấn xem bà ra sao mà cha tôi si mê bà đến chết mê chết mệt, làm cho mẹ tôi hồi còn sống phải khổ sở vì ghen tuông”. Thôi Quang ơi! Quang đã có vợ, có con rồi, Quang hãy về sống với con đi, tình ta coi như đã chết hẳn rồi, không còn gì nữa mà chắp nối. Con Quang nó không chịu rồi nó gây gổ chửi bới mất danh giá nhà tôi. Quang ơi! Cắt đứt nhau cho rồi, họa may có kiếp sau sẽ tái hợp. Anh Quang mất cách đây mấy năm, ốm yếu luôn và chúng tôi giữ trọn tình với nhau.
- Còn đại úy phòng nhì Hoàng Thái? Chúng tôi ly dị nhau năm 1959, có với nhau 1 con gái, nay cháu là giáo viên trung học thành phố. Ông Thái cũng mất mấy năm rồi. Chúng tôi chỉ còn là người quen thời 9 năm mà thôi. Sau khi học xong đại học, cô Hai làm công tác gì?
- Tôi gửi con gái 2 tuổi lại Hà Nội cho cha để trở lại miền Nam. Xót xa lòng nhưng phải trở lại miền Nam tiếp tục công việc cũ.
Sài Gòn những năm 60-70 của thế kỷ trước-ảnh tư liệu
Khi về đến Sài Gòn có tên chiêu hồi trong chi bộ tôi phản bội chỉ điểm, tôi bị bắt, bị giam để khai thác. Chúng tra tấn tôi khốc liệt. Tôi cắn răng chịu không khai báo, ơn Đảng đã nặng oằn vai, thà chết, thân này không thương tiếc, thà chết vinh còn hơn sống nhục. Tôi được em tôi lo lãnh khỏi tù, cậu em ruột Lâm Văn Phát là Thiếu tướng trong quân đội Sài Gòn rất thương chị. Ra tù tôi ở trong nhà Phát tiếp tục hoạt động.
- Trong phim “Người đẹp Tây Đô” có nhân vật thầy giáo, bố Bạch Cúc, ở ngoài đời cụ thân sinh của cô Hai là ai?
- Cha tôi là nhà giáo Lâm Văn Phận, ông nội mất năm cha tôi 3 tuổi, bà nội ở vậy nuôi con ăn học đến khi đỗ bằng Caertificat (hết lớp tiểu học) trường Cái Răng. Vùng này lúc đó còn u ám lắm, đi dạy cha tôi đem lon cơm theo trưa dạy xong ăn cơm tại trường, cơm với chút nước tương hoặc chút đường thẻ, vì nghèo không có thịt cá mà ăn, ăn xong hớt tóc cho học trò, cha tôi để thùng đựng tiền, nói với học trò rằng thầy hớt tóc cho các trò, trò nào có tiền bỏ vào thùng cho thầy, bỏ bao nhiêu cũng được, trò nào không có tiền thì thôi không bỏ.
Sau đó cha tôi tự học, dạy liên tiếp mấy năm liền. Cha tôi lên Sài Gòn dự thi Diplome đậu được điểm cao nhất. Bà nội tôi và mẹ tôi òa lên khóc vì mừng quá mà bật khóc, tôi vẫn còn nhớ mãi ngày giờ đó mặc dù tôi còn nhỏ, nhưng đó là kỷ niệm lớn nhất của gia đình tôi. Từ đó đến sau gia đình tôi được sống với đồng lương cao và đỡ vất vả. Tôi rất khâm phục sự quyết tâm tự học của cha tôi. (Còn nữa)
Lê Xuân Kỳ
Gửi bình luận