Người đẹp Tây Đô, kỳ 1
Hai mươi mốt năm trước tôi đã về Cần Thơ gặp “Người đẹp Tây Đô”. Từ khách sạn “phôn” mấy lần nhưng không có người nhấc máy, cứ tưởng đó là thói quen của những người nổi tiếng hay sợ người khác làm rầy nhất là đám báo chí nên tôi đi thẳng đến nhà.
Bà Lâm Thị Phấn, năm 1935
Ngôi nhà của người đẹp ở bên dòng sông Cái Khế thơ mộng được xây dựng từ những năm ba mươi. Đó là một biệt thự có bồn hoa, cây cảnh. Vợ chồng người hàng xóm cho biết:
- Cô Hai đi thành phố từ tháng trước trị bệnh, nghe nói phải mổ, chú Hai cùng đi với cô.
- Chú Hai? Những năm đó Sài Gòn có hơn 5 triệu người lưu trú tìm một người chỉ nghe tên, chưa gặp mặt quả là khó. Nhưng nhờ sự nổi tiếng của người đẹp mà việc tìm kiếm lại trở nên dễ dàng.
Và tôi đứng trước mặt người đẹp Tây Đô khi bà đang chuẩn bị cho cuộc giải phẫu vào ngày mai. Trong căn phòng trên lầu của bệnh viện Thống Nhất, tôi nhận ra người phụ nữ mà nhiều người biết mặt, biết tên. Giờ đây bà đã ở tuổi 80, cái tuổi mà những người cùng lứa đã lưng còng, chống gậy. Nhưng khi thóang nhìn tôi đã nhận ra bà vẫn còn đẹp, người cao ráo, thon thả, rắn chắc. Ở trường hợp người khác sự có mặt của nhà báo sẽ gây ra khó chịu. Ngày mai bà lên bàn mổ. Bà rất bình tĩnh và bảo tôi: - Ta xuống phòng khách đi. Em vô lâu chưa? Chị có thể giúp em được điều gì?
Chợ nhà lồng Bạc Liêu-ảnh tư liệu
Bà đi những bước nhẹ nhàng, đài các. Gọi bà bằng gì đây? Tôi nghe những người cỡ tuổi tôi chào bà: cô Hai! Và tôi bắt đầu câu chuyện:
- Thưa cô Hai, chuyến này em vào Nam bộ có ý định gặp cô Hai để viết bài. Xin cô Hai nói đôi điều về cuộc đời riêng của mình, chuyện tình yêu thời trẻ?
- Tên khai sinh của tôi là Lâm Thị Elise, tên gọi thân mật ở gia đình là Lâm Thị Phấn (Bạch Cúc là tên của nhân vật trong phim và truyện). Tôi đang học năm cuối College Cần Thơ, bà nội cho nghỉ học để gả chồng. Về làm dâu cho gia đình đại địa chủ ở Bạc Liêu, dân chúng ở đó thường gọi chồng tôi là công tử Bạc Liêu. Đó là một ngày đầu năm 1934 tôi vừa được 16 tuổi. Khi đó cha mẹ đã hứa gả anh Quang học trò nghèo của cha tôi, anh Quang học giỏi, ngoan, lại hiền, cha anh mất sớm, mẹ anh tần tảo chăn nuôi trồng tỉa, chỉ còn chờ anh Quang thi đậu tú tài, còn tôi thi đậu Díplome sẽ làm lễ thành hôn. Tôi cứ đinh ninh mình sẽ là vợ của anh Quang. Anh cũng nghĩ rằng anh ấy sẽ là chồng tôi. Mỗi lần gặp nhau chỉ nhìn nhau chứ không được nói với nhau lời nào, nhìn nhau hiểu thầm với nhau vậy thôi. Mẹ Quang rất thương tôi và hy vọng tôi sẽ làm dâu hiền của bà. Bà nội tôi có quyền quyết định mọi việc trong nhà nhưng không biết cha mẹ tôi đã hứa lời với Quang và bà cũng không biết cháu gái bà cùng Quang đã yêu nhau tha thiết mối tình đầu đôi trẻ. Vì hiếu thảo với bà nội, cha mẹ tôi đàng thất hứa với Quang…
“ Mộng đẹp đầu tiên của cô gái tuổi xuân xanh đành tan vỡ”.
Quang không hề hay biết, đến khi đỗ tú tài vội chạy về cho tôi hay, đến nơi thì nhà tôi chỉ còn bảng vu quy với mớ xác pháo theo chiều gió bay vào người Quang. Quang chết đứng trong lòng, thất tình ôm mối tình tuyệt vọng và rồi anh đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, của cách mạng.
Còn tôi, tin sét đánh phải đi lấy chồng ở Bạc Liêu. Trời ơi!... Tâm hồn tôi, trái tim tôi tan vỡ, chỉ còn cái xác không hồn đi theo số mệnh. Dưới mệnh lệnh của gia đình cha mẹ tôi không dám cãi, tôi chỉ có vâng theo mà thôi, làm sao dám chống lại để bảo vệ giấc mộng vàng ban sơ của tuổi thơ ngây. Cảnh tôi với Quang như chuyện tình Lan và Điệp, chỉ có lời hứa của cha mẹ thôi mà Lan và Điệp giữ trọn lời thề đến chết.
- Xin cô Hai nói về những ngày làm dâu, chàng công tử có phải là công tử Bạc Liêu ăn chơi nức tiếng Nam Kỳ Lục tỉnh không ạ? Tôi hỏi cắt ngang lời cô Hai
- Tôi về làm dâu họ Phan ở Bạc Liêu, một gia đình giàu có nhất nhì Nam bộ. Lúc đó tôi mới biết mặt chồng, Phan Tấn Dĩnh, Ba Dĩnh cũng ăn chơi trác táng. Đậu Díplome, tuy nhà giàu, có học, đẹp trai, nhưng là mẫu người xa lạ với gia đình tôi, một gia đình giáo học có những cốt cách riêng.
Bến xe đò Bạc Liêu xưa -ảnh tư liệu
Tôi không yêu Dĩnh và rất sợ Dĩnh khi y gần tôi. Tôi tránh né kêu mệt, kêu đau, kêu nhức đầu đau bụng. Y tức, y cưỡng bức tôi. Tôi sinh cho y được 3 con, tôi lạy y, xin buông tha cho tôi được yên thân, y muốn lấy ai tự do, cưới 10 vợ bé cũng được. Cây kiềng mẹ cho tôi đem về trả lại cho mẹ tôi, đeo ở cổ tôi có ngày nó bẻ cổ tôi chết, sung sướng gì mà đeo. Mẹ chồng cũng đòi cởi lấy, bản thân Ba Dĩnh cũng cởi lấy, giành nhau tôi chết. Đời tôi khổ hơn con sen ở trong nhà. Sen không bị ai đánh đập còn tôi, trời ơi! Ai muốn đánh kéo ra đập vô tội vạ, không được ai bênh vực, thân tàn ma dại, còn thua con chó bec-giê nuôi trong nhà. Thể xác tôi lúc nào cũng đầy những lằn roi bằm tím, rướm máu từ trên đầu đến tận chân – vừa bớt thì lại trận đánh khác tới nữa.
Tâm hồn tôi không còn gì nữa, tôi tìm đủ cách để trốn thóat gia đình đó. Ba lần trốn về với gia đình tôi, thì nó lo tiền cho Tòa án Đỏ về Cần Thơ bắt tôi. Nếu tôi không về thì cha tôi phải đi ngồi tù vì con gái lộn chồng, lương thầy giáo đủ nuôi mẹ già, vợ và bầy con chạy tiền đâu mà bồi dưỡng. Thôi đành trở lại, trầu rượu lạy lục xin lỗi năn nỉ hết lời mới được vô nhà. Bộ phim mới đây tới tập 6 tập chỉ nói lên 1/3 thực tế ngoài đời tôi cam chịu xả thân, không dám nói cho cha mẹ biết nỗi khổ cực nhục nhã hành hình thân xác tôi ở nhà chồng. Vì sợ mẹ cha tôi đau khổ, tôi giấu kín. Tôi thấy đời sống trong gia đình đó chỉ làm cái máy để cho bọn nó, gia đình nó, hay làm cái mền ấp lạnh khi Ba Dĩnh cần, hay làm món đồ chơi khi nó cần thỏa mãn tình dục của nó lúc nó không đi đến các bà vợ kế, bồ bịch của nó. Đúng hơn là tôi làm đầy tớ không công cho gia đình nó, hầu hạ gia đình từ cái ăn cái ngủ, cái tắm rửa, giữ nhà cho nó không bị mất của… (Còn nữa)
Lê Xuân Kỳ
Gửi bình luận