Người chơi thuyền buồm số 1 Việt Nam
Có thể nói ở Việt Nam vào thời điểm này chưa ai chơi thuyền buồm qua mặt được ông Trần Trung Nghĩa. Từ nửa thế kỷ trước, ông đã chuẩn bị cho mình “nghề chơi” khi trở thành người Việt Nam đầu tiên học thiết kế thuyền buồm ở Mỹ. Về sau, ông còn mở xưởng sản xuất thuyền buồm để chơi cho thoả thích…
Khởi đầu từ một ước mơ
Nếu tính cả tuổi mụ, Tết Canh Tý này ông Nghĩa tròn 80 tuổi. Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trông vẫn trẻ trung, hoạt bát hơn nhiều người cùng tuổi trong CLB thuyền buồm Sài Gòn do ông làm Chủ nhiệm. Ngoại trừ thời gian sinh hoạt CLB, còn lại hàng ngày từ nhà riêng ở chung cư ngoài Q. 9, Tp.HCM đến xưởng sản xuất thuyền buồm độ 4km, ông vẫn chạy xe máy đi về hai lượt.
Mở đầu câu chuyện chơi thuyền buồm, ông chia sẻ, khi đang học Đại học Luật khoa Sài Gòn ông đã ôm mộng thiết kế thuyền buồm để đi du lịch. Vì qua sách báo ông biết ở nước ngoài có nhiều người dùng thuyền buồm dài 7-8m đi du lịch khắp thế giới. Từ đó ông để tâm tìm đọc những cuốn tạp chí chuyên về thuyền buồm. Năm 1968, học xong Luật khoa, ông tham gia CLB thể thao dưới nước. Ở CLB, mỗi hội viên có một chiếc thuyền máy trượt nước trên sông Sài Gòn, có vài hội viên còn sắm thêm thuyền buồm. Hội viên khi đó đa số là người nước ngoài, nhiều nhất là người Mỹ. Từ đây ông học hỏi nghệ thuật chơi thuyền buồm từ những người bạn ngoại quốc. Càng chơi, càng tìm hiểu sâu, càng thấy thích thú.
Ông nói, những ai muốn trở thành “tín đồ” chơi thuyền buồm, điều đầu tiên các tay chơi (Yachtmen) cần phải có chính là tâm hồn nghệ sĩ, đầy chất lãng du, dễ rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, nhưng cũng không ngại đương đầu với thử thách sóng gió. Sóng gió càng to, thú đam mê càng nhiều, và càng muốn được thử thách khả năng chế ngự thiên nhiên. Một khi chế ngự được phong ba, lèo lái con thuyền đến bến bờ an toàn cũng là lúc niềm hãnh diện chợt dâng trào khi chính tài năng đã vượt qua cơn sóng dữ. Đó là một trải nghiệm mà chỉ có người chơi mới tận hưởng được mọi cảm xúc trải qua.
Ông tâm sự, chính cái cảm xúc đó đã thôi thúc ông thực hiện sở thích của mình. Đầu năm 1973, ông ghi danh học một khoá học thiết kế thuyền buồm ở trường Đại học Westlawn School of Yacht Design, bang Connecticut – một trong những trường Đại học danh giá của Mỹ. Trường này hiện học phí vào khoảng 10.000 USD/ một khóa học, bao gồm tài liệu, trả lời những bài thực hành mà chủ yếu là những bản thiết kế thuyền buồm là chính, nếu đạt kết quả 60% trở lên thì trường mới gửi tiếp các tài liệu học tập, còn nếu như không đạt thì phải học và làm bài lại từ đầu. Năm 1975, đang lúc miệt mài làm những bài thực hành cuối cùng để kết thúc khoá học thì đất nước thống nhất, việc học đành dở dang. Tuy vậy, bằng kiến thức của mình, mấy năm sau ông thành lập CLB thuyền buồm Sài Gòn và mở xưởng sản xuất thuyền buồm. Từ đây, ông đào tạo khá nhiều VĐV chơi thuyền buồm tham dự các giải thi đấu quốc tế.
ông Nghĩa cùng với phu nhân của mình giống như mùa Xuân với mai vàng ở phương Nam, luôn đồng hành bên nhau
Từng bán nhà để chơi thuyền buồm
Để thực hiện ước mơ đương đầu với những con sóng dữ bằng chính những chiếc thuyền buồm do mình thiết kế, sản xuất, ông mở xưởng sản xuất thuyền buồm và hợp tác với công ty du lịch ở Vũng Tàu để làm đội thuyền buồm phục vụ du khách vào năm 1984. Đội thuyền buồm có 5 chiếc, trong đó 3 chiếc bằng composit, 2 chiếc bằng gỗ. Lúc này bãi biển Vũng Tàu còn khá hoang sơ nhưng rất xinh đẹp. Ngày thường bãi biển Vũng Tàu vắng khách, mỗi tuần đội thuyền buồm chỉ hoạt động hai ngày thứ 7 và Chủ nhật. Thời gian hoạt động quá ít, thu không đủ chi nên hợp tác chưa tròn một năm thì dang dở, đành phải dừng lại, mỗi bên mất 3 cây vàng. Đây là số tài sản góp vốn để đóng 5 chiếc thuyền buồm. Vào thời điểm đó 3 cây vàng mua được một căn nhà tương đương với 4 - 5 tỷ đồng bây giờ. Vì đam mê thuyền buồm, ông đã bán đi căn nhà đang ở nằm trong khu Tái Thiết (Thủ Đức) với giá 3 cây vàng để hùn vốn đầu tư chơi thuyền buồm. Được biết căn nhà này hiện vẫn còn và được chủ căn nhà rao bán với giá 5 tỷ đồng. Ông đang có ý định mua lại. Mặc dù đã rời căn nhà cũ mấy mươi năm nhưng cho đến giờ ông biết một số vật lưu niệm của ông ngày trước vẫn còn nguyên vẹn.
80 tuổi vẫn đam mê với “cái nghề chơi”
Sau ước mơ dang dở ở Vũng Tàu, ông trở về với công việc liên quan đến ngành được đào tạo để kiếm tiền chơi tiếp thuyền buồm. Mấy năm sau tiết kiệm được chút tiền, ông lại dồn hết vào sở thích và đầu tư lại xưởng sản xuất thuyền buồm. Ông sản xuất thuyền chèo và thuyền buồm bằng composite. Khách hàng đa số là người nước ngoài, đặt hàng chơi trong nước cũng có, đem ra nước ngoài cũng có. Tổng cộng cho đến giờ ông sản xuất được khoảng 50 chiếc, có nhiều chiếc thuyền lớn dài đến 25 feet.
Ông đang tất bật chuẩn bị đưa 10 chiếc thuyền buồm xuống hồ Trị An (Đồng Nai) để kịp chơi vào mùa Xuân năm nay. Ông chơi với mong muốn giới thiệu sản phẩm và cũng để thoả đam mê. Trong số những chiếc thuyền buồm này, hầu hết được thiết kế đầy đủ tiện nghi với tên gọi Honeymoon. 4 năm trước ông từng đem xuống hồ Trị An 7 chiếc thuyền buồm để kinh doanh du lịch. Khi đó hồ chưa được cải tạo, hoạt động mấy tháng không hiệu quả đành thu về. Hiện thời, hồ mới cải tạo lại rất đẹp, mặt hồ có diện tích rộng, điều kiện gió cũng rất thích hợp. Một vùng hồ mênh mông bao quanh là rừng cây, đồi núi nhấp nhô, sóng nước nhẹ nhàng lãng mạn, ít tính thử thách hơn ngoài biển khơi nên thích hợp cho người mới bước vào thú chơi thuyền buồm.
Những chiếc thuyền chèo do ông Nghĩa thiết kế, sản xuất đang biểu diễn ở CLB của ông
Ông nói kế hoạch phát triển thuyền buồm lần này sau khởi điểm hồ Trị An sẽ là Đà Nẵng, Hội An, Lý Sơn và một vài địa phương khác. Dưới con mắt nhà nghề của người chơi và thiết kế buồm lâu năm, ông Nghĩa cho rằng, Việt Nam với đường bờ biển trải dài và đẹp, có những vịnh biển đẹp nhất nhì thế giới như Hạ Long, Xuân Đài, Nha Trang, Cam Ranh hay ở Côn Đảo hay Phú Quốc là những điểm đến bất ngờ thú vị với bất cứ tay chơi thuyền buồm nào. Đó là những con sóng nhấp nhô với chiều dài bờ biển hấp dẫn, lý tưởng để thi thố tài năng.
Cao Phương
Gửi bình luận