Người Côn Đảo Đón xuân
“Dập dềnh” theo cái chữ
Điều mà chúng tôi ấn tượng nhất khi đến Côn Đảo là biết được tất cả các trường học ở đây hiện nay đã đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất, trường lớp đã khang trang, hiện đại, xóa đi những gì đổ nát của một thời đau thương. Gặp chúng tôi, cô Cao Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Thơ không giấu được niềm vui vì sự nghiệp giáo dục của huyện nhà đã có những thay đổi tích cực.
Cô Hải chia sẻ, là người dân xứ Nghệ chịu thương, chịu khó nhưng lấy chồng là sĩ quan rồi “bén duyên” với đảo này. “Năm 1984, tôi đi thăm chồng đang công tác ở đây, thế rồi chuyến tàu quyết định ấy đã làm tôi gắn với Côn Đảo từ đó. Thời ấy, dạy học, nhất là trẻ nhỏ cực kỳ khó khăn. Tại Côn Đảo, trẻ nhỏ được đưa về Sở Cò (Sở Cảnh sát cũ) để học tập, nuôi dạy. Khi đó, ngôi nhà này đã xuống cấp, mỗi lần mưa gió là cô trò khốn khổ vô cùng”.
Bên cạnh những người bám trụ ở đảo như cô Hải từ khá lâu thì có người đi rồi cũng không thể “xa” đảo. Cô Vương Mỹ Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Võ Thị Sáu là một điển hình. “Lúc đó, tuổi trẻ lại học sư phạm địa lý thích được đi và được cống hiến và cũng chỉ nghĩ rằng, đi thử thách vài năm rồi về nhưng cũng gắn bó tới bảy, tám năm. Đến năm 2002, tôi quay về lại Cần Thơ tiếp tục công tác giảng dạy. Tuy nhiên, cũng chỉ được hai năm, nỗi nhớ đảo, nhớ đồng nghiệp cùng các trò nơi đây đã khiến tôi quay trở lại đảo”, cô Lan tâm sự.
Trong quá trình trò chuyện, tiếp xúc với những nhà giáo đang công tác trên đảo, chúng tôi cũng gặp những người trẻ cũng đang tích cực góp sức mình cho công tác giáo dục của huyện đảo. Ví như cô Lê Thị Thanh Tuyền, sinh năm 1989, quê Ninh Thuận nắng và gió.
Là người mạnh mẽ, khác với nhiều cô giáo khác, Tuyền nói: ước mơ của em là được đi Trường Sa dạy học. Biết được ý nguyện cháy bỏng này của em, một người bạn đã giới thiệu cho em ra Côn Đảo. May mắn được ngành giáo dục, lãnh đạo nhà trường quan tâm, giúp đỡ nên đến nay em hòa nhập và phát triển tốt.
Không khác gì mấy với Tuyền, Võ Thùy Dương, sinh năm 1988, người sinh ra lớn lên ở đảo lại chọn luôn cho mình nghiệp “gõ đầu trẻ” ở Trường Mầm non Tuổi Thơ quê nhà. Nhiều bạn trẻ khi vào đất liền học thì ở lại luôn trong đó. Bởi sự thuận tiện, tiện nghi và cuộc sống hiện đại. Thế nhưng Dương lại khác, sau khi học xong thì cô quyết định quay về xin vào công tác tại nơi mình đã sinh ra. Dương tâm sự, dạy ở đảo có rất nhiều thuận lợi. Nhất là khi dạy các kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa địa phương cho các cháu.
Những chàng lính “nghiệp dư”
Dù không phải là những người lính chuyên nghiệp nhưng những anh em “chiến sĩ” của Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo cũng có nhiệm vụ quan trọng không kém, đó là giữ gìn tài nguyên biển, rừng, đảo... góp phần cho hòn đảo linh thiêng của Tổ quốc được bình yên. Hiện nay, lực lượng kiểm lâm của VQG Côn Đảo được bố trí rải rác khắp nơi, từ đảo Lớn (đảo Côn Sơn) cho tới các đảo nhỏ, xa nhất là Hòn Cau.
Ngày xuân bây giờ ở đảo cũng lắm cái hay. Các anh cho biết, Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ… ở đảo không thiếu.
Bởi thế, bánh chưng, bánh tét và các nhu yếu phẩm trong ngày Tết được người dân và các hãng buôn đem ra, chuẩn bị từ trước Tết khá lâu. Dù vậy, thuận lợi là vẫn dành cho những người ở đảo Lớn, còn anh em ở các đảo khác vẫn còn hết sức khó khăn. Có khi biển động, cả tháng không về đảo Lớn là chuyện thường. Với họ về được đảo Lớn cũng xem như phần nào đã về với đất liền rồi. Nên ngày xuân có chiếc bánh chưng, bánh tét cùng cành mai là vui lắm rồi.
Anh Nguyễn Văn Anh, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh chia sẻ, cuộc sống của những người giừ rừng, giữ các tài nguyên biển cũng khá đơn điệu về trang thiết bị. Dù có điện thoại nhưng hầu như không có sóng, anh em phải lấy các thùng xốp chắn sóng, gió biển để cho sóng điện thoại ngưng lại và đặt máy vào đó, mở loa ngoài mà đàm thoại. Còn lấy ra chỗ khác thì không có sóng, không nghe gọi được. Nhưng không vì thế mà anh em sống đơn điệu.
Tại Trạm Hòn Bảy Cạnh này có khoảng chục anh em “chiến sĩ”, ngày xuân về, anh em cũng bày nhiều cách để vui. Ngoài thời gian lo nhiệm vụ tuần tra, canh gác thì họ cũng ca hát, trồng cây, tăng gia sản xuất. Anh Nguyễn Viết Hoàn, Kiểm lâm viên, quê Nghệ An chỉ tay về phía mấy cây đu đủ đang cho trái trĩu cành nói vui: Xuân về, hoa đơm kết trái. Anh thấy không, đu đủ bọn em cũng cho trái quá trời này.
Tương tự, anh Ngô Trí Thủy, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bãi Ông Đụng chia sẻ, anh em ở đây cũng chung vui với nhau, có thêm là những loài động vật gần gũi như đã được thuần hóa, đó là khỉ, sóc mun, cua xe tăng và nhất là rùa biển... Ngoài một chú rùa đặc biệt: năm chân, một mắt thì Trạm cũng đang ấp hơn 60 quả trứng rùa. Xuân này, nó sẽ nở và thả ngược về biển, lấy may mắn cho một năm mới đầy hứa hẹn.
Anh Hoàn là người có một câu chuyện tình may mắn. Bởi, anh và chị mới có thêm thành viên trong gia đình, đó là một “quý tử” mà chị đã mang nặng đẻ đau cách đây vài ba tháng. Anh Hoàn chia sẻ, quê ở Nghệ An xa xôi, may mắn anh lấy được vợ là người cùng quê. Sau đó, chị cũng theo anh ra đảo và hiện làm việc tại Ban quản lý VQG Côn Đảo. Dù gia đình đang còn khá nhiều vất vả, phải ở nhà tập thể nhưng như thế cũng là hạnh phúc rồi.
Tương tự, Trạm trưởng Thủy cũng có mối tình đẹp không kém. Cả hai anh chị cũng là người miền Trung nhiều gian khó nhưng cần cù, siêng năng. Hiện chị đang công tác ở Bưu điện huyện. Là vợ chồng son, nhưng anh Thủy chia sẻ, đang đi tìm một mầm xanh, góp thêm cho đảo những công dân ưu tú. Anh cho biết, mình vậy là may mắn rồi, còn nhiều anh em đang công tác ở những đảo khác trên mọi miền Tổ quốc còn gian nan, vất vả hơn trăm, ngàn lần.
Bên cạnh những người đã có gia đình thì cũng còn đó rất nhiều “chiến sĩ” trẻ khác còn độc thân. Họ cho biết, sẽ cố gắng kiếm “mối tình vắt vai” và đưa vợ ra đảo sinh sống như những đàn anh đi trước.
Thanh Hoàng
Gửi bình luận