Ngày xuân đến với di tích
1. Di sản văn hóa và di tích
Người ta thường chia di sản văn hóa thành hai bộ phận (di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể) để tiện cho việc quản lý, nghiên cứu và bảo tồn. Tuy vậy, trên thực tế, rất khó phân tách thật rạch ròi giữa di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, bởi không một di sản văn hóa vật thể nào lại không hàm chứa tri thức, kinh nghiệm, tinh thần và dấu ấn của chủ nhân sáng tạo,…(những yếu tố “phi vật thể”), đồng thời cũng không một di sản văn hóa phi vật thể nào lại không được chứa đựng và biểu hiện thông qua một cái vỏ vật chất (vật thể) cụ thể - mà cái vỏ vật chất cao cấp nhất, đặc biệt nhất chính là con người.
Nói riêng về di sản văn hóa vật thể. Có người gọi loại hình di sản văn hóa này là di sản văn hóa hữu thể; có người lại gọi đây là di sản văn hóa hữu hình. Song, dù gọi bằng tên gì, thì nhìn chung mọi người đều thống nhất với cách xác định của pháp luật về di sản văn hóa, rằng: “Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”. Theo đó, di sản văn hóa vật thể bao gồm:
- Di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh:
Tại các văn bản pháp luật về di sản văn hóa ở Việt Nam, di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh thường được gọi chung (gọi tắt) là di tích, trong đó:
Di tích lịch sử - văn hóa chính là những địa điểm, công trình xây dựng (như đình, đền, chùa, miếu, thành quách, phố cổ, làng bản cổ…) cùng toàn bộ các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc (có ở) công trình, địa điểm xây dựng đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Dĩ nhiên, những địa điểm, công trình xây dựng và những hiện vật đó phải được xác định là vật chứng gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân, nhân vật lịch sử có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc của địa phương trong các thời kỳ lịch sử; hoặc công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị tiêu biểu cho một hoặc nhiều giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật; hoặc là địa điểm khảo cổ có giá trị tiêu biểu.
Danh lam thắng cảnh có thể chỉ là những cảnh quan thiên nhiên (những vùng núi rừng, sông suối, hang động…) có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Danh lam thắng cảnh cũng có thể là một khu vực thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu.
Căn cứ vào đặc điểm, nội dung, giá trị,… của di tích, pháp luật về di sản văn hóa phân chia di tích thành các loại và các hạng sau đây:
Phân chia theo loại, di tích bao gồm: Di tích lịch sử; Di tích kiến trúc nghệ thuật; Di tích khảo cổ; Danh lam thắng cảnh (lưu ý: chỉ gọi “Danh lam thắng cảnh”, không gọi là “Di tích danh lam thắng cảnh”).
Tuy nhiên, trên thực tế, trong trường hợp một di tích chứa đựng trong nó nhiều giá trị nổi bật khác nhau, thì việc phân loại di tích lại được thực hiện theo cách kết hợp các giá trị nổi bật đó (các giá trị được lấy làm căn cứ để phân loại di tích) - Ví dụ: Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật …, di tích lịch sử và khảo cổ …
Phân chia theo hạng, di tích bao gồm: Di tích cấp tỉnh (do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương quyết định xếp hạng); Di tích quốc gia (do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng); Di tích quốc gia đặc biệt (do Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng).
2. Chung tay giữ gìn di tích
Từ khi ra đời đến nay, trải quá trình tồn tại lâu dài, đa phần các di tích lịch sử - văn hóa đã trải qua nhiều biến đổi. Có những di tích bị phá hủy căn bản, có di tích bị phá hủy một số công trình kiến trúc hoặc một số bộ phận của các công trình kiến trúc. Vì thế, để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của các cộng đồng và để trả lại khuôn diện vốn có của các di tích nhằm phục vụ công tác giáo dục truyền thống, phát triển du lịch, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi những công trình kiến trúc hoặc các bộ phận thuộc công trình kiến trúc của di tích đã bị hủy hoại là cần thiết. Cùng đó, cần hết sức quan tâm bảo vệ an toàn và bảo quản tích cực để giữ gìn tốt nhất toàn bộ các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có ở các di tích. Điều cần lưu ý là, tất cả các hoạt động này đều không được làm thay đổi các yếu tố gốc vốn có, làm nên giá trị, đặc trưng của di tích và danh thắng, đồng thời đều phải hướng tới mục đích kéo dài tuổi thọ của di tích và danh thắng, khiến di tích và danh thắng ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng công chúng.
Qua kiểm kê sơ bộ, chúng ta hiện biết trên toàn quốc hiện còn hơn bốn vạn đối tượng có dấu hiệu là di tích, trong đó có 08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 62 di tích quốc gia đặc biệt, hơn ba nghìn di tích quốc gia và gần tám nghìn di tích cấp tỉnh. Trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, việc bảo vệ và phát huy có chất lượng và hiệu quả toàn bộ “kho tàng” di tích đồ sộ ấy chắc chắn đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của toàn xã hội. Trong những năm qua, chúng ta hết sức vui mừng vì sự nghiệp bảo tồn di tích đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; đồng thời nhận được sự đóng góp hết sức to lớn về trí tuệ, tình cảm, nguồn lực vật chất của đông đảo các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Nhờ đó, nhiều di tích đã được tu bổ, tôn tạo, phục hồi, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách, tín đồ gần xa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không khỏi phiền lòng vì vẫn còn nhiều ứng xử chưa tốt, thậm chí là sai lệch, đối với di tích. Đó là việc vi phạm nguyên tắc tu bổ di tích, nhất là trường hợp tu bổ di tích từ nguồn kinh phí xã hội hóa, khiến di tích bị biến dạng, suy giảm giá trị sau khi được tu bổ. Đó là việc cung tiến (và tiếp nhận) khá tùy tiện các hiện vật và đồ thờ tự tại các di tích liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, biến di tích thành một kho chứa đồ, hết sức lộn xộn, mất đi vẻ thiêng liêng, trang trọng. Và, khá nhức nhối là việc du khách, tín đồ thập phương dâng cúng tùy tiện lễ vật tại các đền, chùa, phủ, miếu, không chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết, mà còn hết sức lãng phí, phản cảm (cài đặt tiền lẻ trên tượng Phật, ban thờ, cúng, đốt quá nhiều vàng mã, …).
Hiểu biết để từ đó có ứng xử đúng đắn với di tích do tiền nhân để lại, vì thế, là rất cần thiết trong hành trang cần có của mỗi chúng ta khi đến thăm di tích trong dịp Xuân về. Đấy cũng là suy nghĩ, hành động thiết thực vì sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc mà mỗi chúng ta cần hướng tới, để có được Phúc - Lộc vẹn toàn sau mỗi chuyến du Xuân, cổ ngoạn!
Nguyễn Hữu Toàn-Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa
Gửi bình luận