Ngày Xuân vui Hội Bài Chòi
Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân sang, Bài Chòi đã trở thành một thú chơi tao nhã không thể thiếu của người dân Trung bộ nói chung và Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An Quảng Nam... nói riêng, góp phần tạo thêm không khí nhộn nhịp, vui vẻ vào những ngày đầu năm mới
“Bài Chòi mở hội đầu Xuân
Hội vui đón Tết hội mừng non sông
Vui chơi cho phỉ tấm lòng
Chờ mười hai tháng nữa mới mong tựu tề”
Bài Chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở miền Trung Việt Nam, được sản sinh ra trong quá trình lao động sản xuất và phát triển thông qua các loại hình âm nhạc trong dân gian của người dân. Bài Chòi phong phú, đa dạng nhưng cũng rất phức tạp. Bởi vậy, có đi sâu tìm hiểu mới thấy được cái hay, cái đặc biệt của nghệ thuật này. Bài Chòi được hát trên thể thơ lục bát biến thể và lục bát thuần. Sự phong phú đó thể hiện qua sự tích hợp của nhiều làn điệu dân ca.
Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ được UESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại phiên họp ngày 7/12/2017
Thông thường,Bài Chòi thường được khai mạc vào ngày đầu tiên của năm mới tại những không gian rộng rãi, thoáng mát như ở ngã ba đầu làng, chợ, sân đình,…Tại đây, chín chiếc chòi tre sẽ được dựng lên với lối trang trí độc đáo, mái gãy, mái sau dài, mái trước ngắn, được bố trí vây quanh ba mặt, còn ở chính giữa là bãi đất trống - nơi sẽ diễn ra cảnh múa hát của anh hiệu - người cầm chịch cuộc chơi.
Bài Chòi sử dụng các tấm thẻ bài được vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre và chia đều cho mỗi người chơi. Người cầm chịch cuộc chơi cũng có một bộ thẻ bài như vậy đựng trong một ống tre trên một cây nọc cao vừa đủ để anh hiệu không nhìn thấy các quân bài nhưng đủ để anh rút được nó. Để bắt đầu cuộc chơi, anh hiệu sẽ hò một bài lục bát hoặc song thất lục bát sau đó xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “Tới”. Khi đó, một lá cờ đuôi nheo bằng giấy sẽ được cắm lên chòi để đánh dấu một lần thắng. Ván chơi kết thúc khi một trong số 10 người chơi có có một đội lấy đủ 3 lá cờ liên tục, gọi là Tới (thắng cuộc).
Hát Bài Chòi tại Đà Nẵng
Thời gian cho một ván bài là không xác định. Nhanh nhất, có thể bốc vài ba lần đã thấy bài tới. Còn chậm nhất phải bốc đến hơn chục lần. Trong mỗi ván Bài Chòi, người đóng vai trò quan trọng nhất chính là anh hiệu. Đảm nhận vai trò này phải là người vô cùng nhanh nhạy, có tài ứng đối “xuất khẩu thành thơ”, chất giọng tốt, biết diễn xuất, biết đặt câu thai sao cho phù hợp với lá bài thật nhanh nhưng phải mang ý nghĩa ẩn dụ kín đáo, dí dỏm. Cuộc chơi có hấp dẫn, thu hút hay không là hoàn toàn phục thuộc vào người đóng vai này.
Du khách và người dân Hội An yêu thích hát hô Bài Chòi
Nét độc đáo của trò chơi Bài Chòi là ở việc xướng những câu ca dao, tục ngữ, hò, vè… có nội dung ý nghĩa tương ứng với tên gọi của mỗi con bài được rút ra. Những câu hát Bài Chòi thường nói về tình yêu quê hương, đất nước, tình làng nghĩa xóm, về những sinh hoạt hằng ngày của người dân lao động…. Không chỉ mang đậm tính nhân văn, mà nội dung các câu hát trong nghệ thuật Bài Chòi còn mang đậm tính giáo dục về đạo đức, về nhân cách, lối sống cao đẹp, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp hơn.
Ngày Xuân, người chơi và người xem đến với Hội Bài Chòi để tìm thấy sự thanh thản, yên bình khi được đắm mình trong những lời ca, tiếng hát, vừa được cùng gia đình, làng xóm vui chơi, giải trí vừa để cầu may, cầu lộc đầu năm. Trải qua nhiều thế kỷ, nghệ thuật dân gian này đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, góp phần phát huy những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc vào mỗi dịp Xuân mới.
Diệu Vũ - Nguyễn Đức Hoàng Minh
Gửi bình luận