Ngành du lịch nhiều địa phương vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh
Hiện nay, ngành du lịch các địa phương vẫn đang thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý khách du lịch để phòng chống, ngăn chặn dịch viêm phổi cấp do chủng virus mới, nCoV gây ra.
Giám đốc Sở VHTTDL Bình Thuận Ngô Minh Chính phát biểu tại cuộc họp về tình hình hoạt động du lịch trước dịch bệnh do chủng mới của virus nCoV gây ra
Tại Tp.HCM, bà Võ Thị Ngọc Thuý, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, ngành Du lịch Tp. HCM đang yêu cầu các cơ sở lưu trú trên địa bàn phải thực hiện tờ khai “thông tin sức khỏe” đối với khách tại các cơ sở lưu trú và báo cáo hàng ngày cho Sở Du lịch.
Thêm vào đó, các cơ sở lưu trú cũng đang tích cực thực hiện các biện pháp để thực hiện cách ly, xử lý người nghi bị nhiễm và nhiễm virus nCoV theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Liên quan đến tình hình sức khỏe của du khách người Mỹ gốc Việt, T.H.K. (73 tuổi), bị nhiễm virus nCoV được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Tp.HCM cũng đang có tiến triển tốt. Đến sáng ngày 10/2, lãnh đạo bệnh viện này cho biết, bệnh nhân đã tự thở, sức khỏe ổn định. Trong khi đó, tất cả các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị cho bệnh nhân đều khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh hô hấp.
Hành khách tại sân bay Nội Bài
Trong một diễn biến khác, ngày 10/2, Bệnh viện Dã chiến để ứng phó với dịch nCoV đầu tiên của Tp.HCM cũng đã đi vào hoạt động. Đây là bệnh viện dã chiến nằm trong Trường Quân sự Tp.HCM (tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi) với quy mô 300 giường. Bệnh viện này có đầy đủ trang thiết bị cũng như phương tiện, nguồn nhân lực để đáp ứng khi dịch bùng phát. Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM cho biết, bệnh viện đã sẵn sàng để để đáp ứng khi dịch diễn biến phức tạp. Từ ngày hôm nay (10/2), bệnh viện dã chiến có thể hoạt động với quy mô ban đầu là 2 dãy, với 100 giường. Trong tuần tới, có thể đưa vào hoạt động toàn khu, với 300 giường”.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế Tp.HCM, trên địa bàn Thành phố sẽ tiến hành xây dựng lắp ráp 2 bệnh viện dã chiến. Ngoài bệnh viện ở Củ Chi thì còn có một bệnh viện tại huyện Nhà Bè với quy mô 200 giường. Trong khi đó, tại tỉnh Khánh Hoà, tính đến thời điểm này, phần lớn khách du lịch Trung Quốc đã được đưa về nước. Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, “tính đến đầu tháng 2/2020, số khách du lịch Trung Quốc còn ở Khánh Hòa là 5.361 người.
Trong đó, có 520 người là nhà đầu tư, lao động người Trung Quốc làm việc tại tỉnh Khánh Hòa. Số còn lại là khách du lịch theo chương trình tour của các công ty lữ hành hoặc đi tự túc”. Tuy nhiên, do các chuyến bay đi và đến Trung Quốc bị tạm ngưng từ chiều 31/01/2020 nên số khách du lịch này đã khó khăn trong việc trở về nước. “Trước tình huống đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tạo điều kiện cho số khách du lịch Trung Quốc còn ở Khánh Hòa trở về nước”.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà thì khi Thủ tướng có chỉ đạo, các bộ ngành vào cuộc, Khánh Hoà đã phối hợp tổ chức một số chuyến bay chỉ đưa khách Trung Quốc về. Còn chiều ngược lại thì tàu bay rỗng và được khử trùng theo quy định của cơ quan y tế.
Tại Bình Thuận, ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh này cho biết, “đa số các cơ sở lưu trú lớn đều liên kết với các công ty xử lý côn trùng, hàng tuần đều xịt khử trùng tại đơn vị, tăng cường lau sàn nhà, tay nắm cửa, tự trang bị cho mình trước bằng hình thức trang bị máy đo thân nhiệt, dung dịch khử trùng, khẩu trang y tế….”.
Thanh Tùng
Gửi bình luận