Ngành VHTTDL đạt nhiều kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm
Sáng ngày 8/10, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2019 để thông tin về những kết quả nổi bật của Ngành trong 9 tháng vừa qua và một số nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm. Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Thái Bình chủ trì họp báo.
Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Thái Bình phát biểu tại buổi họp
Nhiều kết quả tích cực
Theo Chánh Văn phòng Nguyễn Thái Bình, trong 9 tháng đầu năm 2019, các hoạt động xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, quản lý văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình do Bộ VHTTDL được Chính phủ giao thực hiện đã có những kết quả đáng ghi nhận. Bộ VHTTDL đã tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự án Luật Thư viện; hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); tham mưu trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định; đang soạn thảo 01 Nghị định, 06 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng 14 Thông tư, đã ban hành theo thẩm quyền 9 Thông tư…
Đối với lĩnh vực văn hóa, Bộ VHTTDL đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững; Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030; Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể di sản thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn 2035… Trong 9 tháng đầu năm, Bộ đã tổ chức các Hội đồng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 nhiệm vụ quy hoạch: Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Quy hoạch Tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Đồng thời hoàn thiện các hồ sơ “Nghệ thuật xòe Thái”, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đệ trình UNESCO ghi danh. Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức hiệu quả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm tuyên truyền; tổ chức các chương trình nghệ thuật trong các ngày lễ lớn của đất nước… Cùng với các địa phương, Bộ VHTTDL đã tổ chức thành công Ngày hội VHTTDL các dân tộc thiểu số các tỉnh vùng biên giới Việt Nam – Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên; Ngày hội VHTTDL dân tộc Chăm tại Phú Yên năm 2019, Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV… Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hóa đọc tiếp tục được đẩy mạnh tới cơ sở. Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện 02 tiêu chí văn hóa thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới… tại Hà Nam vào cuối tháng 9 vừa qua.
Trong lĩnh vực thể dục, thể thao, trong 9 tháng đầu năm 2019, Thể thao Việt Nam đã giành được tổng số 360 HCV, 269 HCB, 305 HCĐ ở các giải thể thao khu vực và quốc tế với những thành tích nổi bật: Đội tuyển bóng đá nữ xuất sắc giành chức vô địch giải Vô địch Đông Nam Á năm 2019; Đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu xuất sắc xếp vị trí nhất bảng K và giành quyền thi đấu vòng chung kết tại giải vô địch U23 châu Á năm 2020, Đội tuyển U23 Việt Nam giành huy chương bạc giải Bóng đá King Cup 2019 tại Thái Lan, xếp trong top 16 đội mạnh nhất châu Á. Các môn thể thao như Teakwondo, Aerobic, cử tạ, điền kinh, bơi lội, cờ tướng… tiếp tục gặt hái được nhiều thành tích trên các đấu trường khu vực và quốc tế.
Duy trì tốc độ tăng trưởng ngành Du lịch
“Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp duy trì tốc độ tăng trưởng khách quốc tế, khác nội địa, tổng thu từ khách du lịch” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch được Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh tại họp báo. Trong tháng 9, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm 2018; nâng tổng lượt khách quốc tế trong 9 tháng lên 12,9 triệu lượt, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018. Khách du lịch nội địa đạt 66 triệu lượt, trong đó có 33,7 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt 504.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 9 tháng đầu năm đã có 29 cơ sở lưu trú hạng 4-5 sao được công nhận mới. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch trên cả nước đạt 29.000 cơ sở với trên 590.000 buồng. “Công tác quản lý hoạt động kinh doanh lữ hành, công tác quản lý, hướng dẫn và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch được thực hiện nghiêm túc. Tính đến hết tháng 9, cả nước có 2.477 doanh nghiệp lữ hành quốc tế”, ông Nguyễn Thái Bình cho biết.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2019, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL cho biết, Bộ sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ thực hiện Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Kế hoạch của Bộ VHTTDL thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Bộ VHTTDL phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ các văn bản, đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2019; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời Bộ VHTTDL tiếp tục mở rộng quan hệ quốc tế, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá văn hóa, thể thao và du lịch ở trong và ngoài nước, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa đối ngoại năm 2019…
Trao đổi với báo chí xung quanh công trình xây dựng trên đỉnh Mã Pì Lèng, Chánh Văn phòng Bộ VHTTDL Nguyễn Thái Bình cho biết: “Đến thời điểm hiện tại (sáng ngày 8/10/2019 - PV), Bộ VHTTDL chưa nhận được văn bản xin ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng trên đỉnh Mã Pì Lèng. Trong thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ VHTTDL, hôm nay, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) đã cử đoàn công tác lên kiểm tra thực tế tại công trình để có hướng xử lý. Trước đó, ngày 6/10, Cục Di sản Văn hóa đã có thông tin báo chí bước đầu về công trình”. Ông Nguyễn Thái Bình cũng nhấn mạnh, việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh; đối với Di tích Quốc gia và Di tích Quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Theo quan điểm của Bộ, phải có biện pháp và hình thức để bảo vệ tốt danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng trong thời gian tới. Mọi hoạt động đều phải thực hiện và chấp hành nghiêm theo quy định của luật pháp.
Liên quan đến công trình trên đỉnh Mã Pì Lèng, Phó Tổng cục trưởng TCDL Hà Văn Siêu cho rằng, đối với các công trình phục vụ khách du lịch ở trên các chặng đường, nếu đáp ứng được nhu cầu của khách về tham quan, dừng chân và dịch vụ khác được coi là những công trình phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên công trình xây dựng bất kể ở đâu phải tuân thủ nghiêm về trình tự và các quy định của pháp luật. “Đối với những doanh nghiệp có sự đầu tư và sáng tạo tạo ra những điểm du lịch mới và có yếu tố hấp dẫn, chúng tôi đều khuyến khích. Nhưng các điểm đó phải dựa trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Với những điểm du lịch mới, tự phát, các doanh nghiệp phải có đánh giá rất kỹ và làm việc với chính quyền địa phương”, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh. |
Thảo Minh
Gửi bình luận