Ngành Khách sạn Việt Nam nỗ lực bứt phá *
LTS: Vừa qua, tại TP.HCM, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam đã tổ chức “Hội nghị đầu tư và kinh doanh khách sạn tại Việt Nam”. Bà Đỗ Hồng Xoan (ảnh nhỏ), Chủ tịch HH Khách sạn Việt Nam đã có bài tham luận. Báo Du lịch xin trích đăng bài tham luận này.
Đầu tư cơ sở lưu trú du lịch tiếp tục tăng trưởng ấn tượng
Trước hết, về đầu tư cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) tiếp tục tăng trưởng ấn tượng cả về số lượng và chất lượng. Đến hết năm 2017, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước: 25.600 cơ sở lưu trú du lịch với 508.000 buồng (tăng 21,9% về số lượng cơ sở và tăng 20,9% về lượng buồng so với năm 2016).
Cụ thể, CSLTDL từ 3 sao đến 5 sao: Hạng 5 sao: 120 cơ sở lưu trú du lịch (tăng 15,3%) với 34.554 buồng (tăng 16,2%). Hạng 4 sao: 262 cơ sở lưu trú du lịch (tăng 13,9%) với 34.024 buồng (tăng 14,8%). Hạng 3 sao: 488 cơ sở lưu trú du lịch (tăng 6,6%) với 34.200 buồng (tăng 7,8%).
Số lượng CSLTDL từ 3 sao - 5 sao chỉ chiếm 3,4% tổng số CSLTDL của cả nước nhưng chiếm 20,1% tổng số buồng của cả nước.
Trong năm 2017, nhiều dự án xây dựng CSLTDL hàng chục nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư chiến lược tiếp tục được hình thành như: Tập đoàn Vingroup đầu tư tại Cần Thơ, Khánh Hòa, Phú Quốc, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tập đoàn Sungroup đầu tư tại Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, Vĩnh Phúc. Tập đoàn FLC đầu tư tại Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bình Định. Tập đoàn Mường Thanh đầu tư tại Bắc Ninh, Phú Thọ, Đắk Lắk, Đà Nẵng (hiện đã có 50 khách sạn ở 37 tỉnh, thành trong cả nước). Tập đoàn Empire đầu tư tổ hợp Cocobay tại Đà Nẵng, trong đó có khối dịch vụ lưu trú với quy mô 10.000 phòng.
Hàng loạt các khách sạn mang thương hiệu của các tập đoàn quản lý danh tiếng của nước ngoài tiếp tục phát triển đã góp phần nâng tầm cho du lịch Việt Nam như: Accor, InterContinental, Marriott, Wyndham, Hilton, Starwood, Hyatt, Pan Pacific…
Nhiều CSLTDL tiếp tục duy trì được chất lượng, thương hiệu đẳng cấp quốc gia và quốc tế: JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay được Hội đồng World Travel Awards (WTA) trao danh hiệu “Khu nghỉ dưỡng mới tốt nhất châu Á”; InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đạt 4 danh hiệu do Hội đồng World Travel Awards (WTA) trao tặng; Vinpearl Đà Nẵng Resort & Villas được Hội đồng World Travel Awards (WTA) vinh danh là “Khu nghỉ dưỡng biển hàng đầu Việt Nam năm 2017”…..
Trong số 30 khách sạn được trao tặng danh hiệu khách sạn hàng đầu hằng năm do Tổng cục Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện, có những khách sạn liên tục nhận giải như: Sofitel Legend Metropole Hà Nội, JW Marriott (Hà Nội); Rex, Majestic (TP Hồ Chí Minh), Vinpearl Resort & Spa Nha Trang, Evason Ana Mandara Nha Trang (Khánh Hòa)...
Số lượng CSLTDL có quy mô lớn mới ra đời có chiều hướng tăng, nhưng số CSLTDL có quy mô vừa và nhỏ vẫn chiếm tỷ lệ cao: Quy mô dưới 20 buồng chiếm tỷ trọng khoảng 65%. Quy mô dưới 50 buồng chiếm tỷ trọng khoảng 92%.
Về địa bàn, loại hình CSLTDL đầu tư:Xu hướng đầu tư vào các khu vực trọng điểm như Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Hạ Long (Quảng Ninh)…và các khu vực gần trung tâm du lịch đã và tiếp tục được hình thành, phát triển. Xu hướng đầu tư khách sạn thành phố, khách sạn nghỉ dưỡng biển vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Một số loại hình CSLTDL đang có chiều hướng gia tăng như căn hộ du lịch (tourist apartemet/condotel) ở các thành phố ven biển, đặc biệt là ở Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…, nhà dân có phòng ở cho khách du lịch thuê (homstay) ở nhiều làng, bản…
Bên cạnh đó, đã xuất hiện loại hình CSLTDL mới như container (ví dụ: Packo Hostel ở Đà Nẵng), hostel (như các nhà nghỉ du lịch có giường tầng ở phố cổ Hà Nội), tàu biển có buồng ngủ di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác ở trong nước và sang nước lân cận (khác với tàu thủy lưu trú chạy ở vùng vịnh). Ngoài ra, đã phát triển các bất động sản phức hợp với các loại hình như: khách sạn kết hợp trung tâm thương mại; khách sạn kết hợp với căn hộ khách sạn và trung tâm thương mại; khách sạn kết hợp với khu vui chơi giải trí… (như Lotte Hà Nội, Cocobay Đà Nẵng).
FLC Sầm Sơn
Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao
Số lượng lao động trong hệ thống CSLTDL tăng trưởng mạnh, chiếm khoảng 50% tổng số lao động trong toàn ngành (hiện có khoảng 400.000 người). Tuy nhiên, số lao động bình quân trên 1 buồng trong hệ thống CSLTDL ở Việt Nam hiện nay còn thấp, khoảng 0,8 lao động/buồng. Trong đó: Hạng 3 sao: bình quân đạt 1,1 lao động/1 buồng; hạng 4 sao: bình quân đạt 1,2 lao động/1 buồng. hạng 5 sao: bình quân đạt 1,40 lao động/1 buồng.
Chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống CSLTDL từng bước được nâng cao do: Mạng lưới cơ sở đào tạo du lịch ở Việt Nam ngày càng phát triển. Các cơ quan quản lý nhà nước và hiệp hội du lịch quan tâm, tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ. Tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia (tương đồng với tiêu chuẩn ASEAN) đã và đang được xây dựng (hiện đã ban hành tiêu chuẩn nghề quốc gia về lễ tân và buồng). Chúng ta đã học tập kinh nghiệm của các tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng trên thế giới có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm nay.
Chính phủ đã có chủ trương đào tạo văn bằng 2 về du lịch, khách sạn cho các cử nhân đã tốt nghiệp chuyên ngành khác nhằm thu hút lao động có chất lượng cho ngành Du lịch.
Tuy nhiên, hiện tỷ lệ nhân lực được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và vẫn còn thiếu nhân lực ở các vị trí giám sát, quản lý cấp trung và cấp cao.
Bộ LĐTBXH vừa có văn bản giao cho Hiệp hội Du lịch Việt Nam được cấp chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng cho tất cả các nghề trong ngành Du lịch từ ba tháng trở xuống. Đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ quản lý Bàn, Buồng, Bếp, Bar, Lễ tân của hệ thống khách sạn theo tiêu chuẩn VTOS.
Tình hình và kết quả kinh doanh
Đa số CSLTDL đều đón tất cả các loại khách du lịch nội địa và quốc tế (không phân biệt thị trường). Một số CSLTDL đã lưu giữ, đón tiếp được nhiều khách từ các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Tây Âu, Mỹ, Úc…với tỷ trọng khách từ 20% trở lên trong tổng số khách lưu trú tại cơ sở.
Dịch vụ bổ sung: Nhiều CSLTDL đã đầu tư vào các dịch vụ bổ sung, đặc biệt là dịch vụ ăn uống (nhà hàng ăn Âu, Á, đặc sản…với số lượng món ăn phong phú, hấp dẫn) để tăng doanh thu và có những khách sạn đạt doanh thu từ dịch vụ ăn uống chiếm tỷ lệ 40%-50% trong tổng số doanh thu của cơ sở.
Chất lượng phục vụ của hệ thống CSLTDL được nâng cao sau đợt kiểm tra, chấn chỉnh của các cơ quan chức năng. Đến nay, Tổng cục Du lịch đã thu hồi hạng sao của 52 khách sạn từ 3 sao đến 4 sao trong cả nước.
Nhiều CSLTDL ở các tỉnh, thành phố trung tâm du lịch của Việt Nam đã tham gia phục vụ thành công các sự kiện lớn của quốc gia và quốc tế, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Công suất phòng bình quân của toàn hệ thống CSLTDL năm 2017 ước đạt 57%, tăng so với năm 2016. Trong đó: Hạng 5 sao: công suất bình quân 85%. + Hạng 4 sao, 3 sao: công suất bình quân 75%. Hạng 2 sao, 1 sao: công suất bình quân 55%. Giá phòng năm 2017 của CSLTDL hạng 3 sao, 4 sao, 5 sao ở nhiều tỉnh, thành phố tăng từ 7-9% so với năm 2016. Giá phòng năm 2017 của CSLTDL hạng 1 sao, 2 sao tăng từ 2-3% so với năm 2016.
Tổng thu năm 2017 của CSLTDL toàn ngành ước đạt 150 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 30% tổng thu từ khách du lịch).
Ứng dụng các giải pháp tiên tiến trong hoạt động kinh doanh:
Nhiều CSLTDL đã tích cực nghiên cứu, áp dụng công nghệ trong quản lý, hoạt động kinh doanh: Đẩy mạnh việc bán phòng trực tuyến; áp dụng các phần mềm quản lý, vận hành khách sạn, các biện pháp về quản lý và kỹ thuật để tiết kiệm điện, nước, nguyên liệu đầu vào; thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải, ô nhiễm nước, không khí, tiếng ồn…
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
1. Đối với Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan:
Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch; mở rộng sân bay ở các địa bàn trọng điểm (như Phan Thiết- Bình Thuận), mở các đường bay mới kết nối Việt Nam với thị trường nguồn.
Ban hành sớm chính sách về cơ chế thu hút các nhà đầu tư chiến lược hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch có quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí tại các địa bàn trọng điểm.
Công khai, minh bạch về chiến lược, quy hoạch phát triển CSLTDL trên từng địa bàn trong từng thời kỳ, cập nhật dự báo phát triển để các nhà đầu tư xây dựng đúng hướng, tránh tình trạng phát triển tự phát, manh mún.
Tiếp tục mở rộng diện được miễn visa, đặc biệt là những nước nằm trong top 30 nước có nhiều khách du lịch đến Việt Nam trong thời gian qua như: Thái Lan, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Úc, New Zealand, Mỹ, Canada…
2. Đối với nhà đầu tư CSLTDL:
Để việc đầu tư xây dựng CSLTDL đảm bảo hiệu quả cao, đề nghị các nhà đầu tư nghiên cứu kỹ một số vấn đề trước khi triển khai xây dựng, gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; Quy hoạch phát triển du lịch trên từng địa bàn; Tiêu chuẩn xếp hạng các loại hình CSLTDL do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố; Lựa chọn loại hình, quy mô, chất lượng CSLTDL phù hợp với địa điểm đầu tư; Lựa chọn kiến trúc sư có kinh nghiệm trong thiết kế đối với loại hình CSLTDL mà chủ đầu tư dự kiến xây dựng; Lựa chọn các đơn vị cung ứng trang thiết bị khách sạn có chất lượng.
3. Đối với người điều hành CSLTDL:
- Không ngừng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, dịch vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tạo uy tín, thương hiệu.
- Thường xuyên cập nhật, áp dụng công nghệ mới trong quản lý và phục vụ khách.
- Tăng cường công tác bảo vệ môi trường góp phần phát triển du lịch bền vững.
- Xây dựng chính sách giá hợp lý.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá CSLTDL.
(*) Đầu đề là của tòa soạn
Gửi bình luận