Ngành Du lịch Huế khảo sát đánh giá tác động và đề xuất giải pháp phục hồi thời hậu dịch COVID-19
Vừa qua, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành khảo sát đánh giá tác động của dịch COVID-19 và tiếp thu nguyên vọng của doanh nghiệp du lịch để đánh giá tác động và đề xuất giải pháp pháp phục hồi thời hậu dịch.
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế gặp gỡ từng doanh nghiệp để nắm tình hình và tâm tư nguyện vọng để đánh giá tác động và kịp thời đưa ra đề xuất giải pháp phục hồi thời hậu dịch COVID-19 - (ảnh: Sở Du lịch Huế)
Theo đó, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã khảo sát, thu thập thông tin và đánh giá sự ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 gây ra đối với các doanh nghiệp du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh với mục tiêu rà soát, thống kê, tổng hợp những khó khăn, thiệt hại của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đồng thời nắm bắt các nguyện vọng, đề xuất về chính sách hỗ trợ và kế hoạch kích cầu phục hồi hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu điều tra Sở Du lịch sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có những định hướng, chính sách hỗ trợ phù hợp hỗ trợ cho Doanh nghiệp du lịch, đề xuất giải pháp phục hồi, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. Từ đó triển khai thực hiện đồng các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển du lịch Thừa Thiên Huế ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế.
Hầu hết các doanh nghiệp cho biết khi dịch bệnh bùng phát, dù gặp nhiều khó khăn nhưng cố gắng ổn định nhân viên, đồng thời tranh thủ thời gian cho nhân sự luân phiên tham gia các khóa tập huấn nội bộ về các kỹ năng mềm.
Ông Lê Xuân Phương - Giám đốc Công ty cổ phần du lịch DMZ chia sẻ, từ khi dịch bệnh bùng phát, phải thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng khá nhiều, doanh thu giảm trên 80 %, tận dụng thời gian này, doanh nghiệp đã triển khai nhiều công tác để chờ đón đầu sau khi hết dịch, như nâng cấp cơ sở vật chất của quán bar DMZ, nhà hàng Little Italy và khách sạn DMZ, thực hiện các thực đơn, gói sản phẩm mới để thu hút khách du lịch, thu gọn các bộ phận, phòng ốc để giảm chi phí. Nhân viên của công ty đã được hỗ trợ ứng trước lương để đảm bảo cuộc sống.
Bên canh đó, bà Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc điều hành Khách sạn Alba Spa và Alba Hotel – thuộc Công ty CP Thanh Tân Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi đóng cửa các cơ sở lưu trú, khách sạn đã chuyển qua loại hình kinh doanh trực tuyến với nhiều menu hấp dẫn. Khách sạn tranh thủ dịp này đã tái cơ cấu cơ sở hạ tầng, không có bất kỳ nhân viên nào công ty phải nghỉ việc mà vẫn luân phiên đi tham gia các khóa tập huấn nội bộ về các kỹ năng mềm do Khách sạn tổ chức. Đây là cơ hội không phải để thanh lọc nhân sự, mà là thanh lọc điều chỉnh những “hạt sạn” yếu điểm chưa tốt của các nhân viên bằng các buổi tập huấn kỹ năng, từ đó sẽ nâng cao hơn chuyên môn cho công việc sắp tới khi hết dịch bệnh.
Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, hầu hết các đơn vị du lịch dịch vụ trên địa bàn đều mong muốn chính quyền địa phương xem xét nới lỏng dần việc đóng cửa hay hạn chế hoạt động tùy vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của địa phương để các doanh nghiệp có cơ hội duy trì hoạt động, giữ chân những nhân sự có chuyên môn cao. Đồng thời mong muốn chính quyền các cấp, nhất là tại tỉnh Thừa Thiên Huế có những chính sách thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp như có các gói tín dụng cho vay với lãi suất 0% để trả lương nhân viên, giảm lãi suất ngân hàng, miễn giảm thuế, điện nước…
Các doanh nghiệp cũng mong muốn Tổng cục du lịch và chính quyền tỉnh sẽ sớm ban hành kế hoạch phục hồi phát triển du lịch hậu dịch bệnh COVID-19, quan tâm hỗ trợ với các doanh nghiệp du lịch thông qua chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các gói kích cầu, làm mới nội dung quảng bá điểm đến quốc gia và địa phương theo những xu hướng du lịch dự kiến sẽ có nhiều thay đổi do tác động của dịch bệnh, đồng thời sẽ có nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến du lịch tại những hội chợ, sự kiện du lịch ở trong và ngoài nước.
Phước Quang
Gửi bình luận