Nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý bộ phận Buồng của các khách sạn ở Việt Nam
Sự phát triển và tăng trưởng vượt bậc của hệ thống cơ sở lưu trú tại Việt Nam là mảnh đất “màu mỡ” để đội ngũ nhân lực bộ phận buồng nói riêng, nhân lực ngành khách sạn nói chung thể hiện tài năng. PV Báo Du lịch có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quang – Chủ tịch CLB Quản lý Buồng Việt Nam (VEHA) xung quanh những vấn đề về nhân lực bộ phận Buồng tại các cơ sở lưu trú Việt Nam.
PV: Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật của CLB Quản lý Buồng trong năm vừa qua cùng những mục tiêu của năm 2020?
Ông Nguyễn Quang: Có thể nói năm 2019, VEHA đã gặt hái được nhiều thành công. Ngày 25/5/2019, CLB đã tổ chức thành công Đại hội Nhiệm kỳ II (2019 - 2024). Đại hội đã thống nhất các mục tiêu, phương hướng hoạt động, ra mắt Ban chấp hành nhiệm kỳ II với 36 đại diện từ tất cả các vùng, miền du lịch lớn của cả nước. Năm vừa qua, cũng đã thành lập CLB quản lý Buồng Bình Định. Năm 2019, CLB được nhận Bằng khen của Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) do có nhiều đóng góp tích cực vì cộng đồng. Năm nay cũng là lần đầu tiên, những quản lý Buồng và nhân viên Buồng xuất sắc của Việt Nam được VITA vinh danh trong Lễ vinh danh những cá nhân và doanh nghiệp du lịch tiêu biểu 2019. Đây là lần đầu tiên những quản lý Buồng và nhân viên Buồng được tôn vinh. Tiếp nữa đó là trong tháng 12/2019, đại diện CLB, các chuyên gia trong nước cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã hoàn thiện bộ công cụ đánh giá kỹ năng Nghề quốc gia, giám sát bộ phận buồng, giặt là. Dự kiến bộ tiêu chuẩn này sẽ được triển khai từ năm 2020.
Trong năm 2019, những hoạt động thường niên cũng được CLB duy trì: ra quân triển khai chương trình “VEHA cùng chung tay làm sạch môi trường” nhân tuần lễ Housekeeping quốc tế; “Tặng quà và trao học bổng” nhân dịp năm học mới cho các em học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn tại điểm trường Kẹ thuộc trường tiểu học Liên Minh (xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên); tổ chức chương trình đào tạo “Kỹ năng thuyết trình hiện đại”; tổ chức hội thảo quốc tế “Tạo những trải nghiệm đáng nhớ cho khách hàng” với hơn 300 hội viên và khách mời trong nước và quốc tế đến từ Singapore, Indonesia, Ấn Độ, UAE, Qatar,... tham dự.
Năm 2020, CLB sẽ tiếp tục duy trì tổ chức các hoạt động nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho hội viên, các khóa học kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý; tổ chức cập nhật những sản phẩm mới, công nghệ mới của các thương hiệu quốc tế và trong nước nhằm góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ housekeeping tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Đặc biệt, sẽ mở rộng các chương trình giao lưu hợp tác quốc tế; phát động cuộc thi chia sẻ best practice của các khách sạn về chương trình Du lịch xanh - khách sạn xanh, giảm thiểu rác thải nhựa, hành động thân thiện với môi trường… Ngoài ra, các chương trình thiện nguyện chia sẻ với cộng đồng và các hoạt động vì môi trường xanh-sạch-đẹp cũng sẽ tiếp tục được triển khai.
PV: Năm 2019 là một năm Du lịch Việt Nam bội thu giải thưởng. Theo ông, vai trò nhân lực bộ phận buồng được thể hiện như thế nào trong việc góp phần tạo dựng thương hiệu Du lịch Việt Nam?
Ông Nguyễn Quang: Để có thành công và tạo nên thương hiệu cho Du lịch Việt Nam như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu không chỉ của riêng ngành Du lịch mà còn của toàn xã hội. Quá trình tạo dựng thương hiệu cho du lịch Việt Nam đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó đội ngũ nhân sự ngành Buồng là một yếu tố không thể tách rời. Sở dĩ tôi khẳng định như vậy là bởi cơ sở hạ tầng, hệ thống lưu trú, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn... phát triển, đòi hỏi nhân sự làm việc và phục vụ tại những nơi này cũng phải đảm bảo được “sự đẳng cấp” của điểm đến.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, VEHA đã đề ra mục tiêu “Tạo dựng thương hiệu cho du lịch Việt Nam từ chất lượng dịch vụ, đến hình ảnh và cả sự chân thành cởi mở nhưng đậm bản sắc văn hóa”. Năm vừa qua, CLB đã phát động nhiều chương trình hành động hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ buồng trên toàn hệ thống các khách sạn ở Việt Nam. Đó là thu gom, phân loại rác thải, chung tay bảo vệ môi trường, thi tay nghề Housekeeping, tạo dựng những hình ảnh thân thiện, ấn tượng phục vụ du khách...
Nhân sự bộ phận buồng chính là “đại sứ” thầm lặng của ngành Du lịch, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo hình đẹp thân thiện. Điều này đã được thể hiện bằng việc phục vụ thành công các sự kiện lớn APEC, SEA Games, ATF… và thông qua những giải thưởng mà các khách sạn đạt được trong năm 2019.
PV: Ông đánh giá như thế nào về nhân sự bộ phận buồng Việt Nam hiện nay?
Ông Nguyễn Quang: Bộ phận buồng tập trung số lượng nhân viên đông nhất nên có những đóng góp không nhỏ cho sự thành công của các khách sạn. Số lượng khách sạn mới đi vào hoạt động tăng nhanh nên nguồn nhân lực cho ngành khách sạn luôn “hot”, đặc biệt là bộ phận buồng. Tuy nhiên, chế độ lương và phúc lợi cho nhân viên buồng còn nhiều hạn chế, thậm chí có khách sạn kém hơn cả với công nhân các khu công nghiệp, trong khi lại đòi hỏi nhiều hơn như hình thức đẹp, có ngoại ngữ, có bằng cấp chứng chỉ nghề, phải làm việc theo ca hay cả ngày lễ Tết,.. dẫn đến ít người muốn làm nghề buồng. Thực trạng này kéo theo tình trạng thiếu nhân lực và phải tuyển dụng những người không có kinh nghiệm, hay chưa được đào tạo,... Từ đó dẫn đến chất lượng dịch vụ không ổn định. Đây chính là một thách thức lớn trong thời gian tới cho ngành khách sạn ở Việt Nam. Hệ thống khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam tăng nhanh dẫn đến thiếu hụt nhiều nhân lực trong lĩnh vực này. Các khách sạn tại Việt Nam muốn cử nhân viên để đào tạo Quản lý buồng nhưng không tìm được nơi đào tạo chuyên nghiệp. Nhân sự quản lý buồng thường được phát triển dựa vào kinh nghiệm đã từng kinh qua nhiều vị trí tại chuỗi các khách sạn liên doanh quốc tế như Mariot, Hilton, Accor, Intercontinental… Ở đó, họ có những chương trình đào tạo nâng cao cho từng vị trí, trong đó có Quản lý bộ phận buồng.
Về năng lực những người quản lý bộ phận buồng của Việt Nam hiện nay không thua kém gì những đồng nghiệp khác trong khu vực và trên thế giới nhưng số lượng người quản lý vẫn còn rất ít. Vì vậy, các nhà quản lý buồng của khách sạn tại Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để khẳng định năng lực của mình.
Trong thời gian tới, hy vọng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp tiếp tục hoàn thiện bộ công cụ đánh giá năng lực của người quản lý bộ phận Buồng nói riêng và các vị trí quản lý khác trong khách sạn. Từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý bộ phận của các khách sạn ở Việt Nam, góp phần nâng chất lượng dịch vụ của du lịch Việt Nam nói chung. Đồng thời, cần phải có những giải pháp chiến lược cho nguồn nhân lực bộ phận buồng nói riêng và nhân lực ngành Du lịch nói chung. PV: Xin cảm ơn ông!
Khải Bình (thực hiện)
Gửi bình luận