Nâng cao chất lượng dịch vụ trong dịp giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng

Trong 10 ngày, từ mùng 1 đến mùng 10/3 (âm lịch), Ban Tổ chức lễ hội sẽ miễn phí vào cửa cho du khách (ngày thường du khách đến tham quan Khu di tích Đền Hùng mua vé vào cửa 10.000 đồng/người; trẻ em, người già được giảm 50%).
Để phục vụ tốt lượng khách dự kiến sẽ tăng cao so với các năm trước, các ngành chức năng của tỉnh Phú Thọ đã kiểm tra, duy tu, sửa chữa kịp thời các tuyến đường nội bộ, bổ sung biển chỉ dẫn, tổ chức các phương án phân luồng giao thông; tăng cường quản lý thị trường, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, việc trông giữ phương tiện, ứng phó kịp thời trong mọi tình huống xảy ra nhằm đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dân và du khách về dự giỗ Tổ.
Là đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, năm nay, Trung tâm Dịch vụ du lịch Đền Hùng tiếp tục đầu tư, chỉnh trang cơ sở vật chất, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách. Đặc biệt, Trung tâm đã hoàn thành việc xây dựng thêm dãy ki-ốt khang trang để bán hàng lưu niệm và phục vụ đồ ăn nhanh, giải khát với mức đầu tư xấp xỉ một tỷ đồng.
Sản phẩm và dịch vụ của Trung tâm hết sức đa dạng, bao gồm: Dịch vụ sắm lễ, trong đó bánh chưng, bánh dày được đặt tại xã Hùng Lô với chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý; đồ lưu niệm với trống đồng, đĩa đồng…; nông, lâm sản các loại (bánh củ mài, chè lam, bánh rau sắng, cốm nếp nương…); dịch vụ xe điện, chụp ảnh, nhà nghỉ, nhà hàng, thuyết minh và hướng dẫn tham quan, tổ chức hội nghị và các tour du lịch… So với các năm trước, sản phẩm, dịch vụ của Trung tâm có phần phong phú hơn, hình thức bắt mắt hơn và quan trọng là chất lượng luôn được bảo đảm, giá cả hợp lý, niêm yết rõ ràng, du khách hoàn toàn yên tâm sử dụng hoặc mua về làm quà cho gia đình. Bên cạnh đó, vừa qua, Trung tâm Dịch vụ du lịch Đền Hùng đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, bổ sung, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hướng dẫn viên để giới thiệu một cách hấp dẫn, sâu sắc cho du khách về tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cũng như văn hóa vùng đất Tổ.
Bà Bùi Thị Toàn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch Đền Hùng phấn khởi cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức đón tiếp, phục vụ hàng vạn lượt khách trong và nước ngoài về với Đền Hùng. Các loại hàng hóa, dịch vụ của Trung tâm đã góp phần bình ổn giá cả dịch vụ tại Khu Di tích, đảm bảo quyền lợi cho du khách”.
Tin rằng, với nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội và cách làm dịch vụ bài bản, tâm huyết của các đơn vị như Trung tâm Dịch vụ du lịch Đền Hùng, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay sẽ diễn ra vui tươi, an toàn, tiết kiệm, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.n
VŨ HỒNG
Tỏa sáng di sản đất Tổ!
Những ngày này, triệu người dân đất Việt lại hướng về Đền Hùng, cùng thắp nén hương tưởng nhớ các vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Tự ngàn đời nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương -Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại- trên vùng đất Tổ Phú Thọ đã được sáng tạo, vun đắp và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Theo thống kê, cả nước hiện có 1.417 di tích có thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng. Trong đó, trọng tâm là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Vào dịp này, nhân dân trong các làng xã có thờ cúng Hùng Vương ở khu vực Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, tổ chức thi kiệu, thi làm lễ vật, để chọn ra chiếc kiệu đẹp nhất và lễ vật ngon nhất, cùng chiêng, trống đồng, nghi trượng... rước lên đền Hùng dâng cúng, cầu cho quốc thái dân an, vạn vật sinh sôi. Hằng năm, nhằm chuẩn bị cho mỗi kỳ lễ hội và gìn giữ truyền thống lâu dài, Ban khánh tiết và đội tế giảng dạy, tập luyện các nghi thức thờ cúng cho những người kế tục. Cách đọc văn tế được chủ tế năm trước dạy cho chủ tế năm sau; việc giảng dạy kỹ thuật chế biến các loại lễ vật cho thấy việc bảo tồn các truyền thống được thực hiện một cách cẩn thận; người dân được hướng dẫn chu đáo cách dâng lễ vật và cách phải làm như thế nào, nói gì trong lễ cúng. Giỗ Tổ Hùng Vương – lễ hội Đền Hùng hằng năm cũng là dịp tôn vinh di sản hát Xoan - di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.Hát Xoan còn có tên gọi khác là hát Đúm, hát Cửa đình… bắt nguồn từ hình thức hát thờ các Vua Hùng ở nước ta. Nghệ thuật hát Xoan khi được trình diễn đầy đủ sẽ diễn ra theo các chặng sau: 1- Hát Thờ - tưởng nhớ các Vua Hùng, các vị thần, những người có công với dân, với nước và tổ tiên của các dòng họ; 2- Hát Nghi lễ - ca ngợi thiên nhiên, con người, đời sống sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng, qua 14 làn điệu khác nhau, gọi là 14 Quả cách; 3- Hát Hội (trong đó có hát giao duyên) - thể hiện khát vọng cuộc sống, tình cảm, tình yêu nam nữ và phục vụ nhu cầu văn hóa của cộng đồng, với những làn điệu đậm chất trữ tình, vui nhộn… Giỗ Tổ Hùng Vương – lễ hội Đền Hùng năm Ất Mùi 2015 có nhiều hoạt động phong phú: trình diễn hát Xoan cộng đồng và hát Xoan của các nghệ nhân kế cận thuộc các làng Xoan gốc tại miếu Lãi Lèn, xã Kim Đức; chương trình “Hát Xoan làng cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hóa tại miếu Lãi Lèn, đình Thét- xã Kim Đức, đình Hùng Lô- xã Hùng Lô; Liên hoan hát Xoan cho thanh thiếu niên tại Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh. PV tổng hợp |
TRUNG TÂM DỊCH VỤ DU LỊCH ĐỀN HÙNG
- Dịch vụ ăn, nghỉ (hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ tiện nghi), - Dịch vụ sắm lễ, bán hàng lưu niệm, - Dịch vụ xe điện, chụp ảnh, - Thuyết minh và hướng dẫn tham quan, - Tổ chức hội nghị, hội trại, tour du lịch…
Địa chỉ: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Xã Hy Cương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Điện thoại: 0210.3860133 |
Gửi bình luận