Nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ: chìa khóa để hội nhập
Theo đánh giá của tổ chức giáo dục EF Education First (EF EPI), việc nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh cho đội ngũ nhân sự hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các ngành dịch vụ phụ trợ đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần phải thực hiện nghiêm túc và bài bản hơn nữa nhằm đảm bảo khả năng làm chủ ngôn ngữ.
Nhân viên khách sạn biết tiếng Anh là điều kiện bắt buộc
Việt Nam nằm trong nhóm trung bình về trình độ tiếng Anh
Theo bảng đánh giá kỹ năng tiếng Anh của người trưởng thành trên toàn cầu do tổ chức giáo dục EF Education First (EF EPI) công bố mới đây cho thấy, Việt Nam thuộc nhóm trung bình về trình độ tiếng Anh, đạt 53,12 điểm và xếp thứ 41 trong 88 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bảng xếp hạng của EF dựa trên cơ sở dữ liệu 1,3 triệu người sử dụng tiếng Anh là ngoại ngữ trên 88 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 8 quốc gia so với năm 2017). Việt Nam xếp thứ 41/88 với chỉ số thông thạo Anh ngữ toàn cầu, xếp thứ 7/21 quốc gia châu Á tham gia khảo sát. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có trình độ ngoại ngữ ở mức trung bình.
Tiến sĩ Trần N. Minh (Đại học Yale - Singapore), Giám đốc Nghiên cứu cấp cao của EF cho biết, chỉ số EF EPI chỉ ra rằng các quốc gia và các cá nhân tiếp tục đầu tư vào việc đào tạo tiếng Anh do nhận thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh. Thứ hạng của Việt Nam năm 2018 giảm 7 bậc nhưng xét trên tổng số quốc gia tham dự lớn hơn, vì vậy có thể đánh giá mức độ thành thạo tiếng Anh của Việt Nam giữ vững trong năm qua.
Hướng đến mục tiêu làm chủ ngôn ngữ
Hiện nay ở các trung tâm du lịch như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh..., các nhà hàng, khách sạn lớn đa số đều được vận hành, quản lý bởi các chuyên gia nước ngoài. Do đó, các cơ sở dịch vụ này đã và đang ưu tiên sử dụng nhân sự đến từ các quốc gia có chỉ số thông thạo ngoại ngữ tốt như Thụy Điển, Singapore,... Các đầu bếp tại các khách sạn lớn cũng đa số là người nước ngoài như InterContinental, Marriot, Sofitel Metropole, Deawoo, Lanmark...
Vấn đề thông thạo ngoại ngữ được thể hiện rất rõ trong những thông tin tuyển dụng, phân cấp chế độ lương thưởng... Theo chuyên gia đào tạo ngành buồng, phòng Phương Nguyễn, đối với nhân sự có chuyên môn tốt, chỉ số thông thạo ngoại ngữ cao thì khả năng được hưởng mức lương sẽ gấp 2, thậm chí 3 lần lương của những người có chuyên môn tốt nhưng ngoại ngữ yếu. Ông dẫn chứng, cùng một vị trí cán bộ quản lý bộ phận của khách sạn 4 – 5 sao, nếu là người Việt sẽ có mức lương khoảng 60 – 80 triệu đồng/tháng, người nước ngoài, cụ thể là Úc hay Singapore sẽ có mức 120-160 triệu/tháng. Sở dĩ có sự chênh lệch đó là do chỉ số thông thạo tiếng Anh của nhân sự người nước ngoài đó tốt hơn của người Việt. Hay đối với lao động phổ thông trong các khách sạn nếu là người Việt có mức thu nhập 5-7 triệu/ tháng nhưng với người nước ngoài sẽ có mức thu nhập gấp đôi.
Thời gian gần đây, nhờ hợp tác thỏa thuận thừa nhận nhân sự lao động giữa các nước trong khối ASEAN đã tạo cho thị trường nhân sự ngành Du lịch Việt Nam thêm nhiều sôi động. Trong các thông tin tuyển dụng đã có những yêu cầu khắt khe hơn về ngoại ngữ. Việc thông thạo ngoại ngữ, làm chủ ngôn ngữ trong quan hệ giao tiếp, làm việc tiến tới sẽ là yêu cầu bắt buộc. Do vậy chúng ta cần phải thay đổi cách dạy và học ngoại ngữ. Việc đào tạo ngoại ngữ cần hướng đến mục tiêu cao nhất là người học có thể làm chủ ngôn ngữ chứ không phải là điểm số hay thành tích đơn thuần, Giám đốc điều hành EF Việt Nam Cao Phương Hà chia sẻ.
“Trong thời đại 4.0 với những bước nhảy vọt về công nghệ, ngôn ngữ là điều kiện tiên quyết để tiếp cận với văn minh. Vì vậy giáo dục không nên coi tiếng Anh như một môn học nữa mà là ngôn ngữ bắt buộc cần thiết cho việc phát triển và hội nhập” – bà Hà khẳng định.
Đoàn Hoa
Gửi bình luận