Năm ngày với xứ Quảng - Kỳ 4: Những trải nghiệm thú vị ở Lý Sơn
Có đến Lý Sơn mới hiểu được giá trị một kg tỏi đắt cỡ nào. Mặc dù khi bước khỏi tàu cao tốc cập cảng, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là “tỏi cô đơn” được bày bán khá nhiều với giá trên 1 triệu đồng/kg, cùng lời cam đoan của người bán “tỏi Lý Sơn chính hiệu”… Song những ngày ở Lý Sơn tôi đã biết đâu là sự thật những củ tỏi được mang danh “ tỏi Lý Sơn” kia là gì!
Tỏi cũng là một thương hiệu mạnh của Lý Sơn
Tôi và anh bạn ở một công ty du lịch thuê chiếc xe máy giá 120 ngàn đồng cho một lần, để đi thám hiểm Lý Sơn, hòn đảo chỉ vỏn vẹn có gần chục km2, ấy vậy mà có biết bao nhiêu chuyện. Từ chuyện những người lính xưa ở những ngôi “mộ gió”, đến Miếu âm hồn, hang Câu, chùa Hang... và ngay cả chuyện cây tỏi đặc sản, mà nghe đồn dược lý của nó không có loại thực phẩm chức năng nào sánh bằng, trong điều trị một số bệnh nan y. Có lẽ một đồn mười, mười đồn trăm nên chẳng mấy lúc tỏi Lý Sơn trở thành một loại đặc sản quí hiếm, một món quà biếu tặng có ý nghĩa không chỉ của người nhận mà còn của cả người cho. Do vậy, giá tỏi ở Lý Sơn cứ lên vùn vụt, nhất là loại tỏi cô đơn (tỏi chỉ có một tép). Có cầu, ắt sẽ có cung, nên nhiều người lợi dụng để kiếm chác. Vậy là hàng ngày có biết bao tấn tỏi mang danh tỏi Lý Sơn khắp nơi ùn ùn đổ về, núp danh “tỏi Lý Sơn” để phục vụ “thượng đế” đến đảo chơi, mua về làm quà... Có nhiều người mua về mới phát hiện ra bị lừa, do người đã mắc truyền lại. Cũng có người một hai chắc chắn là tỏi mình mua ở Lý Sơn và có giá tới cả triệu bạc một ký thì không thể “rởm” được. Bản thân tôi cũng suýt dính chiêu này khi có ý định mua một ít tỏi về tặng bạn bè, để chứng tỏ mình được đến Lý Sơn. Tuy nhiên khi gặp một hướng dẫn viên có tâm đã nói: “Nếu anh cần mua tỏi thì để về chợ đất liền mua cho đỡ xách vì nó như nhau”. Nghe lời nói chân thành đó, tôi hơi hoang mang và quyết tìm cho ra nhẽ. Vậy là chiều đó, tôi cùng anh bạn lên đường đến vùng trồng tỏi của Lý Sơn...
Có đến nơi trồng hành tỏi của Lý Sơn mới thấy cái cực nhọc vất vả của người làm nghề này và tôi khẳng định, nếu một ký tỏi thật ở Lý Sơn chắc phải bán tới trên 3 triệu đồng mới đúng giá trị, bởi sự cực nhọc của người trồng ra loại đặc sản này ở một hòn đảo ngoài biển khơi…Từ khâu làm đất công phu tỉ mỉ pha trộn giữa cát trắng pha với các lại đất khác để ra một hỗn hợp thích hợp cho sinh trưởng cây tỏi cây hành ở Lý Sơn, có lẽ chỉ những lão nông trên đảo mới làm nổi. Tôi gặp một nông dân tên Tư khoảng gần 50 tuổi người làng An Vĩnh, đang lụi cụi kéo xe cút kít đất đã trộn đủ cát, phân bón đem san cho mảnh ruộng hơn trăm m2 của mình. Mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt khắc khổ cháy sạm vì nắng gió của ông, đủ nói lên sự cực nhọc của nghề trồng hành, tỏi ở Lý Sơn… Ông Tư chia sẻ: bây giờ chưa phải mùa tỏi, dân đang tập trung trồng hành tím, hành không được giá mấy, hơn nữa đầu tư công sức và tiền bạc cũng kha khá nên nhiều người không trụ được đã bỏ nghề đi làm việc khác. Giờ đây người trồng hành tỏi ở Lý Sơn không nhiều như trước, phần vì đất ít lại phải chia sẻ cho dịch vụ du lịch nên đất trồng hành tỏi chẳng còn là bao, hơn nữa giá cả không ổn định, lúc lên lúc xuống, chưa kể nhiều lý do khác…Theo ông Tư, loại tỏi cô đơn không sẵn vì loại tỏi này không phải là giống cô đơn mà do trong quá trình sinh trưởng cây tỏi biến dị sinh ra củ tỏi có một tép, mỗi năm gia đình nào có nhiều cũng chỉ thu được vài ký, lấy đâu mà bán nhiều như ở chợ…Nghe đến đây tôi “hú hồn”, suýt nữa thì mình lại chở củi về rừng như bao người khác. Và đúng vậy, cho đến lúc rời đảo cả đoàn chúng tôi có mấy chục người, nhưng dân bán hành tỏi ở Lý Sơn chẳng bán được một đồng…
Thiết nghĩ: tỏi Lý Sơn một thương hiệu mạnh, nhưng một phần do những người hám lợi đã làm hỏng mất thương hiệu đó, đây là tội lỗi. Tuy nhiên, hậu quả thì ai phải chịu, chính những người nông dân trồng hành tỏi Lý Sơn phải chịu, xa hơn nữa chính những kẻ trục lợi kia đã làm mất một món quà tặng có ý nghĩa của đảo Lý Sơn…
Hải sản Lý Sơn ăn một lần nhớ mãi
Đoàn công tác của chúng tôi ở khách sạn Lý Sơn, tuy là một điểm lưu trú trên mức bình dân, nhưng bù lại chúng tôi được tiếp đãi khá ân cần và những bữa ăn thân mật, chân chất với những món hải sản tươi rói, độc đáo, ăn thỏa thích trong thực đơn của mình. Có những món nấu bằng cá, nhưng nếu chủ nhà không nói là cá, chúng tôi cứ ngỡ thịt gà, mực thì dầy thịt, trắng phau ngọt lịm, tôm ăn đậm đà hơn hẳn nơi khác.., thế mới biết dân mình tinh thật cứ ào ào kéo ra Lý Sơn một phần cũng để thưởng thức những món hải sản có một không hai ở nơi này…
Một vài người bạn thường đi Lý Sơn có rủ chúng tôi trải nghiệm một chút ẩm thực ngoài quán. Các quán ở đây đa phần bình dân, nôm na như kiểu người trong làng bán cho nhau thôi, ấy vậy mà món ăn thì tuyệt hảo. Anh bạn hướng dẫn viên nhiều lần đến Lý Sơn giới thiệu thì không chỉ cánh đàn ông ưa hải sản với bia rượu, mà mấy chị em phụ nữ đều dỏng hết tai lên để thưởng thức những món ăn ngon và độc đáo qua lời kể của anh chàng HDV. Anh ta nói: du lịch Lý Sơn có nhiều món ăn bình dân như món hàu son (con vẹm, có gạch đỏ) xào đu đủ với hương vị độc đáo, đã đem đến cho người thưởng thức những ký ức còn mãi với tháng năm. Ruột vẹm lớn gần bằng đầu ngón tay, có màu gạch rất tươi. Phi hành tỏi vào chảo dầu và xào đu đủ vừa chín. Bỏ vẹm vào đảo cho đều; nêm gia vị: Mắm, muối, đường, bột ngọt…rồi bày ra đĩa. Rắc ít tiêu bột và đậu phộng rang giã nhỏ vừa, cho thêm ít hành xắt mỏng và cuối cùng là rau thơm như ngò, húng, quế… xúc hàu son xào với bánh tráng (bánh đa) dày nướng chín, ta sẽ cảm nhận đủ vị. Ốc Vú Nàng Lý Sơn được mệnh danh là “thần dược tình yêu”, nhiều người rỉ tai nhau câu chuyện gia đình của các ngư dân rằng: nếu anh chồng đi biển mà bắt được vú nàng về, thế nào các bà vợ cũng không bán, cho dù có được giá bao nhiêu chăng nữa, vì món cháo ốc vú nàng của các bà chế biến sẽ làm cho gia đình thêm vui, hạnh phúc. Hay ốc tượng tươi bắt về rửa sạch cho nguyên cả con vào nồi nước sôi để luộc. Khi ốc vừa chín, vớt ra đem cạy lấy thịt. Thịt ốc trắng và trong như thịt mực hấp, vừa thơm lại giòn giòn như gân sụn…Hoặc ốc xà cừ hấp gừng dân nhậu khoái khẩu món này…Nếu bạn đã từng được ăn con nhum (cầu gai) một lần chắc sẽ còn nhớ mãi cái hương vị độc đáo của loại hải sản này. Nhum Lý Sơn thì quả là “danh bất hư truyền” bởi vừa to vừa đầy thịt lại béo, thơm ngon không có gì sánh được. Và cua dẹt (cua núi Lý Sơn), sống hoang dại trong những kẽ đá trên những đồi cao của đảo Bé (xã An Bình) Lý Sơn, giờ đã trở thành vật nuôi đặc sản của nhiều hộ nông dân ở đây,…
Còn rất, rất nhiều loại hải sản mà thiên nhiên và biển cả đã ưu ái cho vùng đất trời này, bạn hãy một lần đến nơi này để khám phá và trải nghiệm những cái độc đáo nguyên sơ của đảo Lý Sơn.
Nguyễn Dương
Gửi bình luận