Năm ngày nơi Xứ Quảng - Kỳ 1: Du lịch Cù Lao Chàm, độc đáo xứ Quảng
Tôi có 5 ngày khám phá và trải nghiệm ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Có bao điều thú vị ở khúc ruột miền Trung mà tôi và những người bạn lữ hành cảm nhận được trên hành trình du lịch biển đảo. Một miền Trung sắc màu, lung linh giữa mênh mông nắng gió và sóng biển xanh ngắt một màu…!
Kỳ 1: Du lịch Cù Lao Chàm, độc đáo xứ Quảng
Chẳng biết ai đã đặt tên cho Cù lao Chàm? Cù lao, nhưng nào có nhỏ bé gì, mà là một cụm đảo, thuộc xã đảo Tân Hiệp, Tp. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cù Lao Chàm nằm cách cảng Cửa Đại khoảng hơn 12 hải lý. Cụm đảo này có 8 đảo, gồm Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông, có tổng diện tích trên 15km2… đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cù Lao Chàm có tên cùng với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An. Với sự tấp nập của một thương cảng có cách nay cả mấy trăm năm, nên Cù lao Chàm còn có các tên gọi khác như Puliciam, Chiêm Bất Lao, Tiên Bích La… và có nhiều di tích, di chỉ gắn với nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, cũng như các công trình kiến trúc cổ của người Chăm, người Việt có niên đại nhiều thế kỷ trước…
Du khách đến thăm Cù Lao Chàm
Chúng tôi đến Cù Lao Chàm tầm gần 10 giờ sáng, trên chiếc ca nô cao tốc, chạy từ cảng Cửa Đại ra đến nơi khoảng 20 phút. Không khí mát mẻ của buổi sáng càng làm phấn chấn hơn cho chuyến khám phá hòn đảo nằm cách đất liền hơn 12 hải lý này. Cư dân đảo chân chất và bắt đầu làm du lịch, chính vì lẽ đó nên trong cách ứng xử của họ còn đậm nét chân chất, mộc mạc. Họ mời chào bán những chai nước màu cánh gián, đựng trong các chai nhựa tận dụng từ chai đựng nước suối với lời quảng cáo rất giản đơn là nước này uống vào sẽ quên mệt mỏi vì được nấu từ 12 loại lá, rễ cây trên đảo. Có những loại có tác dụng chữa bệnh như quả dứa dại, giá mỗi chai chỉ có 5 ngàn đồng. Tôi có mua một chai dùng thử, thấy cũng ngòn ngọt, thơm thơm, nhưng có lẽ dùng chưa đủ liều nên chưa rõ tác dụng ngay như lời quảng cáo... Ở đây người dân còn bán mực khô, mực 1 nắng, hải sản tươi sống đựng trong những thau nhôm, cá tôm bơi lượn trông ngon mắt, nhưng giá cả xem ra cũng không mềm hơn bao nhiêu so với ở những nơi khác...
Giếng Tiên ở Cù Lao Chàm
Du lịch Cù Lao Chàm không chỉ tận hưởng cảnh trời, biển, đảo đẹp đến mê hồn, mà đến đây còn được tham quan những di tích, địa chỉ du lịch trên diện tích hơn chục km2 này. Có tới gần 10 điểm tham quan thú vị ở Cù Lao Chàm, nhưng chúng tôi chỉ đến hai nơi độc đáo nhất. Một là giếng cổ. Cái giếng nước ngọt trong veo có niên đại tới gần 300 năm nằm ở phía Tây Bắc đảo. Đây là một trong những dấu tích hiếm hoi về cư dân Chăm cổ sống ở đây. Người Chăm có biệt tài tìm nguồn nước, có lẽ xa xưa họ đến đây và đã tìm ra chiếc giếng này. Nghe thuyết minh viên nói, ở Cù Lao Chàm có tới 3 cái giếng, nhưng chỉ còn độc nhất chiếc giếng này dùng được, còn những giếng kia chẳng hiểu vì lý do gì mà người ta không dùng, cũng như ít nhắc đến… Giếng gọi là giếng Tiên, hay giếng Cấm vì nó ở xóm Cấm của Cù Lao Chàm. Giếng có kè đá núi lửa, thành xây gạch cao khoảng 50cm trông cũ kĩ, đường kính khoảng gần 2m, nước trong mát lạnh và rất ngọt. Người dân ở đây cho biết nước giếng này không chỉ ngọt mà còn có tác dụng chữa bệnh hiếm muộn, làm cho con người ta hưng phấn, loại bỏ cảm giác cô đơn hoặc lâu lấy chồng lấy vợ… Chúng tôi thấy du khách chủ yếu là người Việt đến đây, đều cố gắng giành cho mình được một ngụm nước trong veo, ngọt lịm như sự cầu mong may mắn… Giếng đã được xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 2006. Còn chuyện màu nhiệm của nước giếng xóm Cấm Cù Lao Chàm được truyền đi, truyền lại nhiều đời rằng: xưa kia khi Hội An là một thương cảng sầm uất, tàu bè thương mại từ khắp nơi trên thế giới hội tụ về, có những con tàu lênh đênh trên biển 3-4 tháng ròng, cả người cả tàu đều xác xơ vì sóng. Do đó, trước khi vào cảng Hội An, những con tàu này thường ghé qua Cù Lao Chàm (tên cổ là Chiêm Bất Lao) trước. Họ dừng lại đây ít ngày để thủy thủ nghỉ lấy lại sức và sửa chữa tàu. Cách lấy lại sức của các thủy thủ có liên quan mật thiết đến giếng nước. Theo những người dân nơi đây thì nước giếng cực kỳ hiệu nghiệm khi giải chứng bệnh say sóng và nước giếng nấu với lá rừng của Cù Lao Chàm uống vào là hết say sóng ngay… Lại còn những câu chuyện đại loại như người muốn có người yêu thì uống 7 ngụm nước nếu là trai, còn con gái uống 9 ngụm nước giếng ra về là có ngay; hoặc ai muốn sinh con trai thì uống một ngụm, hai ngụm là sinh con gái .v.v., Những câu chuyện chưa được kiểm chứng đó cứ lan rộng và bất kỳ ai đến đây đều cố uống một ngụm nước giếng để mát mẻ trong người giữa trời hè nóng bỏng của xứ Quảng…
Chợ hải sản Cù Lao Chàm
Địa chỉ thứ hai chúng tôi đến thăm là chùa cổ Hải Tạng, một ngôi chùa không có tăng, ni trụ trì giữa biển khơi, nhưng rất tinh tươm sạch sẽ và theo như nhiều người nói là hết sức linh thiêng. Chùa không có sư, chỉ có người dân lui tới hương khói và cầu xin tài lộc, buôn bán thành công, đi biển thuận buồm xuôi gió, an toàn trở về… Câu chuyện về lịch sử dựng chùa cũng hết sức kỳ bí. Theo thần tích thì ngôi chùa được xây dựng từ năm 1758 ở phía Bắc của Cù Lao, đến năm 1848, ngôi chùa đã được di dời về cách đó 200m và còn tồn tại đến ngày nay. Chùa nằm ngay sát chân núi của Hòn Lao và mặt quay về hướng núi Bà Mộc, theo các bậc thầy về phong thủy nhận định là có thế “tiền hậu tả hữu phân minh”. Bên trong ngôi chùa treo nhiều bộ hoành phi và các câu đối trang nghiêm. Nổi bật nhất ngay tại chính điện là ba bức tượng Phật làm bằng gỗ lớn, tiếp đến là bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni trong bộ áo cà sa màu vàng đậm với vẻ mặt hiền từ, tôn kính.
Cù Lao Chàm, cụm đảo nằm không xa đất liền nhưng nơi đây có vị trí khá quan trọng về quân sự và địa kinh tế. Đặc biệt, Cù Lao Chàm còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử không chỉ của các triều đại, mà còn dấu ấn văn hóa độc đáo của người Chăm xưa. Hôm nay cùng với dáng vẻ hiền hòa của cụm đảo tiền tiêu Tổ quốc, Cù Lao Chàm tiếp đón hàng ngàn khách du lịch mỗi ngày đến để chiêm ngưỡng, khám phá và trải nghiệm những nét đẹp hoang sơ của biển đảo Việt Nam. Người dân Cù Lao Chàm đang tích cực lao động sản xuất, từng bước xây dựng cụm đảo trở ngày càng trở nên xanh, sạch đẹp hơn…
Nguyễn Dương
Gửi bình luận