Năm Tý, suy ngẫm tranh “Đám cưới chuột”Đông Hồ
Trong các dòng tranh dân gian Việt Nam thì tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) khá phổ biến bởi vì dòng tranh này phong phú đa dạng về nội dung, điêu luyện về cách thức biểu đạt. Bên cạnh nhiều bức tranh hạnh phúc đàn lợn, đàn gà, trâu, cá,… còn có những bức tranh có hàm ý hai mặt, vừa trào phúng, vui nhộn vừa có tính châm biếm hài hước, đả kích, triết lý sâu sắc về mối quan hệ nhân quả, thiện, ác như tranh “Đánh ghen”, “Hứng dừa”,… Trong đó “Đám cưới chuột” là một điển hình. Tranh “Đám cưới chuột” đã phản ảnh một cách sinh động thuộc tính xã hội, không những thời xưa mà ngày nay vẫn còn giá trị nhân văn.
Bức tranh “Đám cưới chuột” nổi tiếng không những về bố cục, đường nét, cấu trúc, màu sắc mà có nội dung triết lý về nhân văn, tính hài hước, châm biếm, đả kích về sự bất công trong xã hội. Các nghệ nhân ở vùng văn hóa lúa nước Kinh Bắc, làng Hồ đã tái hiện lại một cách trừu tượng hư, thực theo lối nhân cách hóa vì loài chuột đâu có đám cưới, nghinh hôn như con người đâu? Thế mà xem tranh, con người dễ cảm nhận, dễ hóa thân như nhân vật người thật. Bức tranh “Đám cưới chuột” là bức tranh khá độc đáo, đậm nét cả về nghệ thuật tạo hình, đường nét màu sắc và cách thức biểu đạt riêng trong bố cục, cấu trúc của tác phẩm. Trong tranh, nghệ nhân làng Hồ đã cấu trúc 12 con chuột, có thể là tượng trưng cho 12 con giáp trong “lục thập hoa giáp” thuyết tử vi mà chuột là con vật đứng đầu hàng can. Nhìn vào bức tranh, người xem thấy có hai lớp: trên, dưới hay nói cách khác có hai tầng nhưng cùng chung một nội dung là diễn tả hành trình của cuộc đám cưới chuột. Lớp trên của bức tranh được miêu tả khá hài hước, dí dỏm về việc vượt chướng ngại vật đầy khó khăn của các chú chuột. Ông mèo già nhưng rất to béo, mặt gầm gừ, râu mép tủa dài trông dữ tợn, một bên là những chú chuột tuy láu lỉnh, ma lanh nhưng rất nhút nhát, có vẻ run sợ nếu mèo có hành động là bỏ của “chạy lấy người” tháo thân. Cách biểu đạt sắp xếp 4 chú chuột ở lớp trên là biểu hiện cảnh dâng lễ vật cho mèo. Một chú chuột tay cầm con chim, khom lưng, khúm núm dè dặt, lễ độ nhưng mắt la, mày lét, run sợ. Sau lễ dâng chim là chú chuột dâng lễ cá, hai tay cầm con cá mà thấy tâm can bất an, sợ sệt trước ông mèo. Mặc dầu bản nhạc kèn của hai chú chuột đi sau có vẻ xua đi nỗi sợ sệt, nhưng qua bức tranh miêu tả thì hai thợ kèn này còn run rẩy hơn. Lớp dưới là một chú chuột đực cân đai áo mũ, mới đỗ đạt quan trạng nguyên, cưỡi ngựa oai nghi, vinh quy bái tổ và cưới một cô vợ xinh đẹp nhất vùng, thỉnh thoảng ngoảnh lại phía sau nhìn đám rước và quan sát người vợ xinh đẹp của mình vui vẻ, tươi cười. Tiếp đó là chuột đen cầm lộng, đi sau là chú chuột khoang tay cầm tấm biển có tiêu đề “nghinh hôn”. Các chú chuột khênh kiệu cô dâu tuy nặng nhọc nhưng xem ra có vẻ tự hào khi được giao khênh kiệu, song thỉnh thoảng vẫn đề phòng ngoái lại xem ông mèo có động tĩnh gì không để ứng biến mà tháo thân. Tuy đám rước cưới, nhưng nhìn mấy chú chuột đi sau cùng thì đâu có an tâm, vừa đi vừa ngoảnh đi ngoảnh lại tứ phía đề phòng ông mèo trở mặt!. Cô vợ quan trạng trong kiệu vẫn lạc quan vui vẻ với bộ áo gấm, nhìn chồng trạng nguyên đỗ đạt cao dù biết chồng mình dốt đặc cán mai, biết đâu chàng có chức trạng là do đút lót cho nhiều quan lớn, nhiều lễ vật mới ngoi lên làm chức trạng. Thật hài hước và dí dỏm khi người xem tranh thấy hai lớp có hình thức khác nhau nhưng nội dung lại hoàn toàn thống nhất là tham lam, hối lộ để được danh lợi. Bức tranh đám cưới chuột được cấu trúc trong một tờ giấy điệp và đường nét, màu sắc là những là cây nhưng nghệ nhân Đông Hồ cho người xem tranh hình dung lại một hoạt cảnh đầy ấn tượng sâu sắc về nhân tình thế thái xã hội xưa. Bức tranh “Đám cưới chuột” là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đã phê phán cùng một lúc hai loại quan tham xấu xa trong xã hội, đó là “quan tham của tham tiền” và loại “quan tham danh chạy chọt, đút lót” để đỗ đạt làm quan trạng.
Bức tranh “Đám cưới chuột” tuy ra đời cách đây khoảng 600 năm nhưng tư tưởng, âm hưởng, nhân bản, nhân văn của tranh vẫn còn sống động thẩm thấu cho đến ngày nay.
°Họa sĩ Hoàng Hoa Mai
Gửi bình luận