Na Hang - Lâm Bình kết nối phát triển du lịch bền vững
Nhằm kết nối phát triển du lịch địa phương, hai huyện Na Hang và Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang đã chủ động kết nối với doanh nghiệp lữ hành xây dựng sản phẩm nhằm phát huy tối đa lợi thế tiềm năng.
Du khách giao lưu với đội biểu diễn đàn tính phục vụ du khách
Tối đa hóa lợi thế
Nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch trong cộng đồng dân cư địa phương đã tăng lên; du lịch Na Hang đã bước đầu hình thành những sản phẩm dịch vụ phục vụ du khách như kinh doanh dịch vụ ăn uống tại khu du lịch Thác Mơ; đóng tàu du lịch và khai thác phục vụ khách trên hồ thủy điện Tuyên Quang; chỉnh trang nâng cấp nhà cửa tham gia hoạt động lưu trú homestay… Lãnh dạo địa phương cũng quan tâm, đầu tư xây dựng Làng văn hóa du lịch người Dao Tiền xã Hồng Thái, Làng văn hóa du lịch người Tày xã Năng Khả cùng các câu lạc bộ hát then, đàn tính… phục vụ khách du lịch.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết: “Địa phương đang có kế hoạch cải tạo một số khu vực nhằm tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương như tạo điểm tham quam cho du khách ngắm ruộng bậc thang, tham quan trải nghiệm vườn lê ở xã Hồng Thái, khu tham quan chè Shan Tuyết cổ thụ ở xã Sơn Phú… Mục tiêu của huyện là đón khoảng 100.000 lượt khách thời gian tới, tuy nhiên vẫn chú trọng yếu tố bền vững là trên hết. Đối với hoạt động home-stay, huyện tuyên truyền và chọn lọc một số hộ dân thật sự lĩnh hội được thế nào là làm du lịch mới cho vào thí điểm, để tránh những hiệu ứng không tốt ban đầu”.
Trong khi đó, huyện Lâm Bình đặt mục tiêu giới thiệu các di tích, danh thắng, bản sắc văn hóa của địa phương đến du khách trong nước và quốc tế. Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình Nguyễn Văn Hiền chia sẻ: “Huyện Lâm Bình đã có kế hoạch phát triển du lịch theo giai đoạn và từng năm. Trong lộ trình đó, huyện xác định đưa bản sắc văn hóa, danh lam thắng cảnh huyện Lâm Bình giới thiệu để khách trong nước và quốc tế biết đến. Mấu chốt là phải đảm bảo tính bền vững, đảm bảo bản sắc văn hóa địa phương; làm sao để người dân Lâm Bình hưởng lợi nhiều nhất”.
Trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, Lâm Bình có di tích quốc gia chùa Phúc Lâm với những bức tượng thờ nhỏ nhắn bằng gỗ mít độc đáo; chợ trung tâm huyện Lâm Bình với các sản vật vùng cao; những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày; nghi lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn; rừng cọ nhiều năm tuổi, thác Khuổi Nhi… Đặc biệt, sau khi Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình được Bộ VHTTDL công nhận là di tích danh thắng quốc gia với trên 33.000ha rừng, 8.000ha mặt nước, trên 2.000 loài thực vật, 88 loài thú, 294 loài chim, 30 loài bò sát và 18 loại lưỡng cư, 300 loài bướm, 40 loài dơi, hàng nghìn loại cá… trong đó nổi tiếng như voọc má trắng, voọc mũi hếch, cá dầm xanh, cá anh vũ…
Du khách chụp ảnh lưu niệm với đỉnh Pắc Tạ trên hồ thủy điện Tuyên Quang
Nỗ lực phát triển sản phẩm
Việc kết nối điểm đến của hai huyện Na Hang và Lâm Bình đưa vào khai thác du lịch trên thực tế có sự nỗ lực rất nhiều của doanh nghiệp. Chủ tịch liên minh Vietnam Tour Club Lương Duy Doanh cho biết: “Để ra mắt sản phẩm mới kết nối Na Hang – Lâm Bình, liên minh Vietnam Tour Club đã khảo sát 4 lần. Du khách sẽ được trải nghiệm một điểm du lịch còn khá nguyên vẹn với thời tiết như Sa Pa, cảnh ruộng bậc thang đẹp không kém Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì, thưởng thức món cá chép ruộng ở xã Hồng Thái huyện Na Hang; nhìn ngắm núi non hùng vĩ ngút ngàn, xuôi dòng sông Năng, khám phá lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, ghé thăm đền Pác Tạ linh thiêng và ngược dòng sông Gâm êm đềm để sang Lâm Bình ngắm khu 99 ngọn núi phượng hoàng, ngược thác Khuổi Nhi xinh đẹp, trải nghiệm “massage cá” tự nhiên, chạm vào cọc Vài Phạ giữa lòng hồ; thưởng thức ẩm thực trên lòng hồ không thua kém trên vịnh Hạ Long…”.
Chính quyền huyện Na Hang và Lâm Bình cũng đưa ra nhiều giải pháp thể hiện sự quyết tâm. Phó Chủ tịch UBND huyện Na Hang Nguyễn Việt Hùng chia sẻ: “Thời gian tới, các làng văn hóa du lịch sẽ thành lập ban quản lý; huyện cũng mời chuyên gia về hướng dẫn người dân làm du lịch và hỗ trợ, phối hợp với doanh nghiệp đưa khách về cho bà con”. Chính quyền huyện Lâm Bình thì vừa chú trọng kêu gọi đầu tư, vừa tập huấn người dân làm du lịch, nhưng cũng không quên tăng cường khâu quảng bá. Chúng tôi đang hướng tới đào tạo, tập huấn kỹ năng làm du lịch cơ bản cho bà con; đưa các hộ có khả năng vào làm du lịch để đáp ứng nhu cầu của du khách. Cùng với đó là nâng cao kỹ năng làm du lịch cho cán bộ từ huyện đến cơ sở. Chúng tôi cũng đang triển khai kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực giao thông, hạ tầng du lịch, đặc biệt là tại các điểm du lịch đã được quy hoạch, nhằm tạo ra những sản phẩm đáp ứng điều kiện phục vụ tốt nhất cho du khách.
Ông Nguyễn Văn Hiền – Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình chia sẻ thêm: “Nhân cơ hội Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình được Bộ VHTTDL công nhận là di tích danh thắng quốc gia, chúng tôi sẽ nắm bắt thời cơ, quảng bá nhiều hơn hình ảnh, văn hóa, con người Lâm Bình đến với bà con, du khách trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là với du khách quốc tế. Chúng tôi xác định, để phát triển bền vững, chúng tôi phải giữ gìn, bảo vệ được di tích sau khi được công nhận ngày một tốt hơn, phát triển bền vững hơn”.
Phước Hà
Gửi bình luận