Mười hai ngày sóng gió với Trường Sa! Kỳ I: Đi Trường Sa bằng tàu HQ 571
Nằm ở nhà khách Bộ tư lệnh Hải quân vùng 4 mà thao thức, mà hình dung xem ngày mai mình lên đường sẽ như thế nào, đi tàu to hay nhỏ, sinh hoạt trên tàu ra sao, ăn uống thế nào, biển khơi sóng dữ đến đâu; các đảo ở Trường Sa khác gì so với các đảo mình đã được biết, liệu mình có say sóng không,v.v.? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập ùa về để đùa giỡn giấc ngủ hết sức cần thiết cho một chuyến đi biển xa của chúng tôi. 5 giờ 15 phút, hiệu lệnh báo thức vang lên, khá mệt vì gần trắng đêm không ngủ, nhưng rồi cảm giác đó cũng qua nhanh, vì chỉ một lát nữa thôi, chúng tôi sẽ trở thành lính thủy, lênh đênh như mấy anh lính biển nhà nghề, sạm đen nắng gió. Cứ nghĩ đến đó ai trong chúng tôi đều thấy mình như khỏe ra, thoăn thoắt chuẩn bị để lên đường.
6 giờ 30 phút chúng tôi đã có mặt tại quân cảng Cam Ranh, thú thật lần đầu tiên được đặt chân đến quân cảng, tôi không khỏi bàng hoàng trước núi non khá hùng vĩ nơi đây, cái gì cũng đẹp, cũng hoành tráng dũng mãnh. Từ những con tàu chiến hiên ngang trước biển, hiện đại với những khí tài quân sự tối tân đang neo đậu san sát trên cảng, đến những chiến sĩ hải quân chỉnh tề trong trang phục xanh trắng nghiêm trang đứng gác, tạo cho chúng tôi cảm giác yên lòng đến lạ thường… Với âm hưởng và khí thế đó chúng tôi háo hức lên tàu để mau chóng trở thành người lính được ra với đảo, để được cùng lính đảo một chút..., canh giữ biển trời quê hương. Không khí quân cảng khi đó thật sự náo nhiệt, bóng áo xanh, áo trắng khuân vác quà cho đảo làm rộn ràng không khí, tiếng cười nói râm ran cả một vùng. Lần đầu tiên tôi được đi biển trên một con tàu khá lớn, thực ra tôi cũng đã có lần được lên tàu chở quân của ta (năm 1979 tại Biển Hồ, Campuchia), một lần tham quan tàu vận tải Viễn dương Tô Lịch neo ở Cảng Sài Gòn, nhưng chưa khi nào được lên một tàu chở khách tầm như HQ 571 này. Bạn có thể hình dung về con tàu này như sau: Dài gần 100m, rộng 53m cao tới 5 tầng, tương đương tòa nhà 5 tầng, có tổng trọng lượng hơn 2.000 tấn chưa kể hàng hóa và khách. Tàu chở được 230 người cả thủy thủ đoàn, có tốc độ tối đa 15 hải lý giờ (hơn 1,8km/hải lý), trung bình một giờ tiêu tốn hết 400 lít dầu. Trên tàu có 4 tầng gồm nhiều phòng để khách ở, có cả phòng VIP, phòng tắm, vệ sinh văn minh và thuận tiện và một tầng cabin lái, phòng nghỉ của thuyền trưởng, thuyền phó. Tàu có chế độ lái thường trực và lái tự động bằng các khí tài khá hiện đại và là con tàu do Việt Nam thiết kế và thi công, mới xuất xưởng đầu năm 2012. Tàu có thể vận hành liên tục 15 ngày, đủ nước ngọt, thực phẩm cho hơn 200 con người sinh hoạt bình thường…
Hơn 8 giờ hơn ngày 2/4/2013 tàu HQ 571 rời Cam Ranh, bắt đầu hành trình ra với Trường Sa của cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ Quốc phòng và các cơ quan Trung ương. Vịnh Cam Ranh hôm đó trời đẹp, biển lặng yên như mặt hồ, tàu nhẹ nhàng rẽ nước lướt ra đại dương sau 3 hồi còi tạm biệt cảng. Mọi người háo hức ùa cả lên boong tàu chào đón đại dương trong niềm phấn khích. Tôi lần lên ca bin chỉ huy với mục đích ngắm biển từ khoang lái, tàu bắt đầu lắc lư với sóng gió cấp 4, mọi người vịn vào lan can boong tàu tầng thượng cười nói râm ran phấn khởi. Trong ca bin lái, thuyền trưởng, thuyền phó và ê kíp trực đang chăm chú quan sát luồng lạch và màn hình chỉ huy. Thuyền trưởng, Thiếu tá Nguyễn Văn Sửu mỉm cười chào thân thiện, tôi bước tới bên anh gợi chuyện: Chàng trai quê Quỳnh Lưu Nghệ An trông bắt mắt với phụ nữ ở vẻ đẹp rắn rỏi toát lên trên gương mặt cương nghị, càng làm hình ảnh của anh giữa biển khơi này trông khá hấp dẫn. Sửu đã ngoài 40 nhưng vẫn chưa vợ, khi hỏi đến chuyện vì sao mà chưa cưới? Anh cười phân trần: đấy anh xem, em suốt ngày trên biển thế này, có lúc nào rảnh rỗi để kiếm vợ đâu. Đã có nhiều người mai mối, nhưng rồi cũng chẳng đâu vào đâu cả. Lênh đênh sóng nước thế này, lúc nào rảnh may lắm thì í ới với nhau trên điện thoại được một lát là hết chuyện, đành tạm biệt, vài lần như vậy, anh bảo ai còn dám yêu mình nữa hả anh. Chuyến này đưa các anh đi về, em được nghỉ 3 ngày ở Sài Gòn sau đó lạ tiếp tục lên đường ra đảo, cứ như vậy thì em không biết lúc nào mới có cơ hội lấy vợ đây. Một thoáng buồn nhưng rồi Sửu cũng bật mí: Em cũng tìm được một người rồi, nhưng cũng chưa biết sẽ thu xếp thời gian nào để cưới, đi suốt tháng quanh năm, không dứt ra được thế này, khó lắm anh à! Nhưng rồi anh lại nói: Nói thế thôi, bây giờ bắt em ngồi nhà một ngày không ra biển là em thấy cồn cào, nhớ lắm, người ngợm cứ bứt rứt thế nào ấy...! Thế đấy, tôi cứ nghĩ họ yêu biển, yêu đảo đến thế kia mà, liệu có cái gì có thể cám dỗ được họ, khi mà ngay chính góc riêng tư của họ cũng bị họ tạm gác qua một bên để tình cảm dành cho biển, cho đảo. Thật đáng khâm phục họ.
Tôi hỏi Sửu về những chuyến đi biển của anh, với giọng nói nhẹ nhàng gãy gọn so với chất giọng Quỳnh Lưu ở quê, anh tâm sự: Em nhận con tàu này từ lúc xuất xưởng, đến nay đã được gần hai năm và chuyến biển đảo đầu tiên của con tàu là tháng 3/2012. Từ đó tới nay HQ 571 đã vượt gần 20 ngàn hải lý qua 10 chuyến chuyên chở trên hai ngàn quân và dân ra quần đảo Trưởng Sa làm niệm vụ và thăm hỏi động viên bộ đội trên quần đảo. Hơn một năm lái con tàu đi trên hầu khắp các đảo của quần đảo Trường Sa, em đã nhiều lần được chứng kiến hoàn cảnh xúc động không cầm nổi nước mắt, đó là những lúc biển động, sóng lớn tàu đến gần đảo nhưng không thể nào vào đảo được vì sự va quật của sóng khá lớn, những lúc như vậy đoàn đi thăm chỉ còn cách giao lưu với đảo, nhà giàn qua sóng vô tuyến, cảm động đến nghẹn ngào khi lời ca tiếng hát từ đất liền mang đến được thể hiện trong tiếng nấc, tiếng sụt sùi bất lực với khoảng cách như giơ tay là với được. Rồi có những lúc gió to sóng lớn, tàu chỉ còn biết chạy loanh quanh tìm nơi trú ẩn. Có những hành trình bị kéo dài nhiều ngày cũng chỉ bởi sóng to gió lớn không neo đậu tàu để vào tiếp tế cho đảo được, đành dạt vào bờ gửi quà hoặc tìm chỗ đậu tránh gió, chờ lặng gió mới lên đường. Đúng như Sửu nói trong chuyến đi này của đoàn chúng tôi cũng gặp hai lần trời đổi gió, sóng lớn tàu không thể nào đưa quân cập đảo An Bang cũng như hai nhà giàn DKI/8 và DKI/19 được, do vậy toàn đoàn cứ tiếc hùi hụi vì số hẩm hiu giống những người từng ra quần đảo, nhưng không được lên đảo, hay nhà giàn...
Tàu HQ 571 có 26 cán bộ chiến sỹ, có người mới đi biển được vài chuyến, nhưng cũng có người đã dày dạn với sóng gió biển Đông tới vài chục lần trong quãng đời binh nghiệp như Thiếu tá Sửu thuyền trưởng, Trung tá Hải phụ trách thủy thủ trên tàu... Chúng tôi thấy ở họ sự dạn dày sóng gió, mưa nắng và tinh thần trách nhiệm với đồng đội, với quê hương đất nước khá rõ nét. Phẩm chất đó không phải chỉ có trong lời nói mà nó hiện lên trong hành động, trong việc làm và những hy sinh thầm lặng của họ. Trong suốt hành trình dài hơn ngàn hải lý, ăn ngủ, làm việc phần lớn trên tàu, chúng tôi được phục vụ khá chu đáo, từ việc hộ tống đưa chúng tôi lên đảo bằng ca nô, đến chăm lo giấc ngủ, an toàn hành trình và cả những cảnh giác đối với tình huống bất ngờ xảy ra, đến những bữa ăn như ở đất liền (đi trên tàu ăn một ngày 4 bữa), đã làm cả đoàn cảm động thật sự, bởi được phục vụ chân tình, chu đáo và đầy trách nhiệm của cán bộ thuyền viên trên tàu HQ 571. Tất cả việc làm của họ, tôi nghĩ đều được bắt nguồn từ trách nhiệm của người lính với nhiệm vụ, tình thần thương yêu đồng đội và có lẽ hôm nay chỉ ở môi trường này tình cảm đó mới thật sự đầy ắp, vẹn tròn…
Nguyễn Dương
Gửi bình luận