Mười hai ngày sóng gió với Trường Sa: Kỳ 6: Cây phong ba điểm tựa biển xa
Hôm đó, tôi đang mê mải quan sát, trực tiếp thấy trận địa bố phòng của ta do sự hiếu kỳ. Quá thích thú với cảnh đẹp và hùng khí nơi đây, tôi giơ máy ảnh định chụp vài kiểu làm kỷ niệm thì bỗng vang lên tiếng nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát: “Anh không được chụp ảnh ở đây”, giật mình ngẩng đầu thì trước mặt tôi, dưới tán cây phong ba um tùm ven đảo, một anh lính đen trũi trong bộ đồ rằn ri của hải quân, cứ như thần sấm thiên đình hiện ra trước mặt. Một thoáng e ngại trong tôi, nhưng rồi tôi vẫn kịp hỏi tên và quê quán chàng lính trẻ. Anh tên Tiến, trung sỹ, làm lính hải quân được hơn một năm, ra đảo lần đầu mới vài tháng. Tiến quê ở một tỉnh ven biển Trung bộ, được ra đảo Tiến rất thích vì thỏa được ước nguyện của tuổi xuân muốn làm một cái gì đó thử sức mình…
Trời đảo Phan Vinh hôm đó nắng gắt, nhìn chàng lính trẻ sạm nắng nhưng nụ cười thì duyên vô cùng khi phô ra hàm răng trắng lóa khỏe mạnh, chợt nói. Bọn em đứng gác thế này mà không có mấy cây phong ba thì có lẽ “cháy thành than”, câu nói đùa vô tình của người lính trẻ đủ nói lên sự khốc liệt của thiên nhiên ở đây. Tôi chạnh lòng và chợt hiểu vì sao lính ta quý cây phong ba đến vậy. Cây phong ba giữa biển khơi trở thành người bạn tâm tình và chở che cho bộ đội mang bao tâm sự của người lính xa quê, ngày qua ngày, đêm qua đêm, đứng giữa biển khơi canh giữ đất trời Tổ quốc...!
Chia sẻ của anh lính trẻ đảo Phan Vinh, cùng với những gì mắt thấy ở các đảo nổi trên quần đảo mà tôi đã đặt chân đến thì phong ba loài cây khả dụng gắn bó với đảo và những ngươi lính ở đây như những người bạn tri kỷ. Cây và người chở che, chăm bẵm nhau ân tình như ruột thịt. Chẳng thế mà dù gian khổ khó khăn đến thế nào, nhưng bộ đội ta vẫn mang từng bao đất từ đất liền ra, rồi chắt gạn từng ca nước ngọt tưới tắm, vun đắp cho từng cây để sức sống mang màu xanh được trường tồn trên đảo. Cây chẳng phụ lòng người, mau chóng bám rễ vào lòng đảo vươn lên trong khắc nghiệt của thiên nhiên, của bão tố để tỏa bóng mát cho người, chở che sóng gió bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc..., ân tình đó tưởng như ngàn đời không phai nhạt. Thường thì ở các đảo, cây phong ba được trồng ở vòng ngoài bởi sức chịu đựng dẻo dai của nó vào sâu trong đảo bàng vuông mới được trồng vừa lấy bóng mát vừa như tạo cảnh cho đảo xa. Nhìn những cây phong ba gốc xù xì, cành nhánh thì uốn lượn loằng ngoằng, nhưng lá thì rậm rì xanh mốc, ken dày, chống lại cái nắng gay gắt của Trường Sa chở che cho người lính đảo ngày đêm đối mặt với gian khổ hy sinh…
Theo Bách khoa toàn thư thì phong ba là một loài thực vật thuộc họ Mồ hôi (Boraginaceae, còn gọi là họ Vòi voi), có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Á, Madagascar, và miền Bắc Australia, cũng như ở nhiều đảo của ta. Đây là loài thân gỗ mềm, cao trung bình 3–6m, có lá màu xanh mốc, mọc ở những nơi đất cát. Loài thực vật này có tên khoa học là Tournefortia argentea, và sau nhiều lần đổi tên đến nay nó có tên là Heliotropium foertherianum từ năm 2003. Ở nước ta, phong ba mọc nhiều ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Côn Đảo, Bãi Canh (Bà Rịa-Vũng Tàu), quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Cây phát triển rất chậm, trưởng thành sau 10 năm chỉ cao 3-4m. Cây có thể tái sinh bằng hạt và chồi, trong thực tế việc tái sinh tự nhiên cây tại các vùng ven biển (trừ các đảo) hầu như không xảy ra. Do cây có biên độ sinh trưởng rộng, có thể phát triển tốt ở các vùng biển, đảo, chịu được gió bão, nước mặn và có thể sống tốt trên bãi cát san hô nên thường được trồng ven biển để chắn gió cố định cát. Do có thân, tán, hoa đẹp nên cây cũng được sử dụng làm cây bóng mát ven biển, cây cảnh quan cho các công trình. Lá cây có thể làm thuốc chữa rắn biển cắn...
Cây phong ba ở quần đảo Trường Sa hợp thổ nhưỡng và được sự chăm sóc bảo vệ chu tất của những người lính đảo nên phát triển khá mạnh và đều. Cành lá phong ba dẻo dai, bền bỉ chống chọi với thiên nhiên tạo nên sức sống mãnh liệt không gì ngăn cản nổi. Cũng như các đảo nổi khác chỗ nào có màu xanh thì ở đó có cây phong ba. Cây phong ba là biểu tượng về sự ngoan cường của sinh vật ở vùng hải đảo, biểu tượng đó còn có ý nghĩa về hình ảnh của người chiến sĩ Trường Sa không hề khuất phục trước thiên nhiên khắc nghiệt và mọi sự đe dọa, quyến rũ khác trên đời... Hình ảnh những chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa đen sạm sóng gió cùng những cư dân trên đảo mà tôi được gặp trong chuyến công tác này như những hiện thân của cây phong ba. Có thể thấy từ những gương mặt non thơ tròn xoe đôi mắt, hồn nhiên chơi đùa dưới tán phong ba rợp mát của các cư dân nhí trên đảo, cũng ở đó hình ảnh người chiến sĩ mình đồng da sắt chẳng quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh ngày đêm canh gác biển trời Tổ quốc và cũng ở đó còn kết tinh sức mạnh của cả một dân tộc chưa hề khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào….
Mười hai ngày đêm nếm trải sóng gió cùng Trường Sa của tôi tuy ngắn ngủi nhưng đã ghi đậm dấu ấn về vùng lãnh thổ của Tổ quốc với những kỷ niệm và cảm nhận khó phai nhạt trong cuộc đời. Hình ảnh những con người ngày đêm đối mặt với sóng gió biển khơi, với gian khổ hy sinh và lòng quả cảm của họ đã khẳng định chân lý sống: những nơi gian khó nhất, là nơi có sức sống mãnh liệt nhất. Cây phong ba cùng hình ảnh những người chiến sĩ ngoài quần đảo là minh chứng hoàn mỹ nhất cho cuộc đời của những con người, những loài cây về sự kiên cường trước thách thức trước cuộc sống. Hôm nay tôi đã trở về cuộc sống thường nhật như mọi người, nhưng hình ảnh về những người chiến sĩ Trường Sa sạm nắng gió, về bóng cây phong ba in thẫm trên nền đảo san hô trong suốt hành trình mười hai ngày đó làm tôi thêm vững tin về điểm tựa của Tổ quốc nơi đảo xa!
(Kỳ sau: Khúc quân ca Trường Sa, hiệu lệnh của trái tim)
Nguyễn Dương
Gửi bình luận