Mười hai ngày sóng gió với Trường Sa! Kỳ 3: Anh hùng, những người lính đảo
Ca khúc Khúc quân ca Trường Sa của nhạc sĩ Đoàn Bổng theo sát đoàn công tác của chúng tôi trong suốt 12 ngày đêm, khúc ca đó luôn vang lên hùng tráng, nhiều khi cả đoàn hầu như quên hết mệt mỏi mỗi lúc vang lên tiếng ca đó từ những anh bộ đội vui tính, yêu văn nghệ. Dặm dài trên biển, có đi mới thấy được đất nước ta bao la biết nhường nào, ca từ của bài hát như lại ngấm sâu vào mỗi con người để tự hào về đất mẹ ngàn lần yêu thương tự cổ chí kim luôn vang lên khúc ca chủ quyền. Biển của ta bao la, đảo của ta anh hùng, hiên ngang chốt giữ nơi tiền tiêu, đến đây mới thấy hết được giá trị đích thực chân lý sống ViệtNam…
Hôm đoàn chúng tôi đến đảo Phan Vinh, một đảo nổi nằm cách bãi đá Tốc Tan độ 14 hải lý và khoảng gần 300 hải lý so với đất liền. Đảo Phan Vinh tên cũ là Hòn Sập, được mang danh anh hùng liệt sĩ Phan Vinh, thuyền trưởng tàu không số, đã anh dũng hy sinh trên biển khi chở vũ khí tiếp viện cho miền Nam đánh Mỹ. Khi lên đảo, đoàn công tác đã đến dâng hương tưởng nhớ liệt sĩ Phan Vinh. Tấm hình anh Phan Vinh trên bàn thờ nghi ngút khói hương trông anh còn khá trẻ, nhưng quắc thước, anh nhìn mọi người nghiêm nghị, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi nghĩ về một người lính đã quên mình cho Tổ quốc và tôi thầm khẩn cầu nơi vĩnh hằng biển xanh hương hồn anh linh của anh hãy phù hộ cho quân dân biển đảo Trường Sa chắc tay súng bình an và trường tồn. Cái nắng đầu hè cũng chưa tới độ gay gắt, nhưng toàn đoàn chúng tôi áo ai cũng đẫm mồ hôi vì nắng nóng.
Bộ đội trên đảo đã tản hết đến các chốt gác, nhường bóng mát tán cây bàng vuông ken dày trên đảo cho khách. Theo mấy anh lính cũ cho biết thì trước kia đảo Phan Vinh chẳng có cây cối gì, quanh năm suốt tháng phơi lưng dưới trời, cái nóng của san hô bỏng rát mỗi mùa khô, tưởng như không cây gì sống nổi. Thế mà chỉ sau vài năm bộ đội ta mang từng bao đất từ đất liền ra trồng những cây bàng vuông, cây phong ba, cây dừa, đến nay đảo đã xanh mướt một màu của cây cối. Bộ đội trên đảo Phan Vinh tăng gia khá mạnh, ở chỗ nào có thể cắm được cây ray, cây bầu cây bí đều được tận dụng triệt để, nên khi tới thăm đảo mọi người thấy thân thuộc bởi những đàn lợn, gà, vịt kêu rộn cả một góc biển. Đảo Phan Vinh hôm nay đã được xây dựng nhà lâu bền và công binh hải quân đang tiếp tục kiên cố hóa với bức tường bê tông chắn sóng dày, cao như một con đê nối liền hai điểm chốt A và B trên đảo. Chiến sĩ đảo Phan Vinh hằng ngày tập luyện, xây dựng tuyến phòng thủ, trồng cây và chăn nuôi. Nhìn đàn ngan, gà vịt và heo của đảo, ai cũng phải ngạc nhiên bởi đảo đã tổ chức tốt lao động sản xuất, chăn nuôi, không chỉ đủ cung cấp thực phẩm cho đảo mà còn có thể ủng hộ các đảo lân cận. Đặc biệt ở đảo Phan Vinh từ chỗ chỉ là một bãi san hô khi triều xuống nhô cao hơn mặt nước chút xíu, thế mà giờ đây đảo đã có cây xanh, có một khoảng sân khá rộng đủ để chơi bóng… Nhìn những cây bàng vuông, phong ba và những cây dừa xanh mướt tỏa mát trên đảo, dù mới trồng không lâu nhưng có lẽ hợp thổ nhưỡng nên các lớn nhanh và xanh tốt đến lạ kỳ. Các cây đã bắt đầu trở thành cổ thụ, đủ tán mát cho bộ đội nghỉ ngơi. Hôm đó Trung tướng Mai Quang Phấn cũng trồng một cây bàng vuông ở khoảng đất mé trái trước cột mốc chủ quyền. Một sự tình cờ trong khi tham quan đảo tôi gặp một cậu tân binh trông trắng trẻo thư sinh, khá điển trai, ngược hẳn những khuôn mặt cháy đen vì nắng, gió biển khơi của những anh lính có thâm niên. Cậu lính trẻ có cái tên khá dài Phạm Trần Duy Thắng đó mới có 19 tuổi, nhà ở quận 2 Thành phố Hồ Chí Minh, rụt rè nói: cháu mới nhập ngũ và ra đảo được mấy tháng nay, ban đầu ra đây nhớ nhà và buồn lắm, nhưng đến hôm nay mọi thứ đã thành nếp, cháu ăn khỏe, ngủ khỏe nên cứ mập trắng ra. Thế cháu có thường gặp ba má không? Có chứ chú, mỗi tuần cháu được ba má gọi ra một lần nên cũng đỡ buồn. Tôi hỏi Thắng số điện thoại của gia đình và bấm máy của tôi cho Thắng gặp. Đầu đất liền vang lên một giọng nữ còn khá trẻ nhưng cuống quýt trả lời. Hôm đó tôi được chứng kiến cuộc đàm thoại của một người mẹ nơi thành phố với một chàng trai trẻ hết sức cảm động, tự nhiên tôi thấy vui, cái vui vì mình mới làm được một việc nhỏ là bắc được cầu tình cảm cho một con người. Trong gần một ngày ở đảo Phan Vinh được chuyện trò, tiếp xúc với những anh lính dạn dày nắng gió, đủ độ tuổi, nhưng ở họ tôi thấy hầu như đều có chung một suy nghĩ: đó là nhiệm vụ và nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ là thước đo chân lý, là sự khẳng định về họ, những người anh hùng của đảo xa.
Khi đoàn đặt chân lên đảo Tốc Tan, một hòn đảo chìm khá lớn khoảng 75 km2 và cách bờ vài trăm hải lý, tuy nhiên phần nổi của Tốc Tan cũng chỉ được vài trăm mét là cùng. Khi đến đây chúng tôi thật sự xúc động khi thấy bên ụ súng 12,8 ly có một góc nhỏ khiêm nhường bộ đội trên đảo đã dựng nên một ban thờ để tưởng niệm 4 chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở đây, đó là: các anh Lâm Sĩ Đệ quê Tuy Hòa; Trần Kim Ánh quê Nha Trang; Trương Văn Vĩ, Trần Ngọc Hiệp quê Thành phố Hồ Chí Minh đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ngày 27/11/1988. Thế mà đã tròn 25 năm các anh đi vào vĩnh hằng, vị trí chốt giữ của các anh ở đảo Tốc Tan hôm nay vẫn là đây, có khác chăng là chính nơi các anh nằm xuống một ngôi nhà lâu bền đã được dựng nên đủ sức chống trọi với sự tàn bạo của thiên nhiên và hung hãn của kẻ thù…. Cũng trên quần đảo Trường Sa này ở như ở nhiều đảo khác và nhà giàn DKI đã có nhiều cán bộ chiến sĩ của ta nằm lại nơi biển khơi để gìn giữ cho sự bình yên của đất nước. Trong hành trình đoàn chúng tôi đi lần này đã có hai lần đoàn dừng lại làm lễ tưởng niệm trên. Lễ tưởng niệm những người hy sinh trên biển được tổ chức trên tàu và thả hoa trên biển đầy xúc động và trang nghiêm. Giữa biển khơi lộng gió tiếng nhạc trầm hùng trong lễ truy điệu các anh hùng liệt sĩ đã khiến mọi người bồi hồi cảm động. Không như mấy anh biết kìm nén cảm xúc nhưng mắt vẫn đỏ hoe, còn mấy cô thì cứ nấc lên nghẹn ngào làm buổi lễ lắng đọng lại cùng cảm xúc tiếc thương. Có những hiện tượng thiên nhiên trùng lắp làm cho chúng tôi không khỏi lạnh mình khi trước giờ làm lễ tưởng niệm tại nhà giàn DKI/19, trời bỗng dưng vần vũ mây đen kịt, mưa mỗi lúc một nặng hạt, nhưng chỉ sau tuần nhang đầu của vị tướng đoàn trưởng, trời bỗng quang mây, lặng gió, khi vòng hoa đầu tiên được thả xuống biển trời như bừng sáng hẳn lên, cán bộ chiến sĩ trong đoàn cầm những nhánh hoa cúc thả xuống biển cầu mong anh linh của những anh hùng liệt sĩ nơi đây siêu thoát, mãi mãi bình yên nơi sóng gió biển khơi này…
Trong dân gian ở huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi hàng trăm năm nay đã tồn tại một một lễ hội độc đáo đậm đà nét nhân văn nhưng cũng hết sức bi tráng về những người anh hùng thủa xưa nơi biển xa này, đó là Lễ “Khao lề thế lính Hoàng Sa” linh thiêng trong đời sống tâm linh của cư dân vùng biển. Biển của ta còn là nơi lưu lại dấu tích của các bậc vua chúa đã từng mang gươm đi mở cõi như dấu tích Huyền Trân Công Chúa, các ông vua Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Tần..., đã từng đến vùng biển này và ngày nay tên của họ được lưu danh ở vùng trên biển như những chứng tích hào hùng về chủ quyền Việt Nam…
Đến quần đảo Trường Sa cảm được sự gian khổ của cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở đây, từ trong sâu thẳm tâm hồn, chúng tôi luôn coi họ là những anh hùng, họ đang làm công việc của những người anh hùng trong thời đại ngày nay… Bỗng nhiên câu hát khúc quân ca Trường Sa của nhạc sĩ Đoàn Bổng lại vang lên trong tôi: Biển này là của ta! Đảo này là của ta! Trường Sa! Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua…” về lòng quả cảm của những người con đất Việt nơi đảo xa.
ND
(Kỳ sau: Những trải nghiệm thú vị trên biển)
Gửi bình luận