Một thoáng Bali
Các lễ hội luôn có ca múa nhạc với những điệu múa có phục trang rất rực rỡ và diêm dúa như hát bội ở miền Trung Việt Nam. Hàng ngày trên đảo không có đền này thì đền khác cũng tế lễ múa hát. Các điệu múa thường thể hiện ý muốn, là những thông điệp của họ như: Cầu nguyện điều lành, điều phúc, đẩy ma tà và cái ác… Múa Barong, Yudapati là hai trong hàng chục điệu múa nổi tiếng của Bali. Hôm ở Thái Lan, trong lễ hội nghệ thuật ASEAN do anh Surin, Tổng thư ký ASEAN tổ chức, chính kiến trúc sư DanielPopo đã đưa tiết mục múa Barong từ Bali đến trình diễn và được mọi người khen ngợi.
Lễ hội thả diều ở Bali
Có thể thấy nền văn hóa Bali là văn hóa bản địa đa thần giáo rất đậm chất Hinđu pha trộn giữa Ấn Độ giáo và văn hóa Hinđu Indo với những nghi lễ, phong tục, nghệ thuật riêng biệt của Bali. Vùng cực Đông Châu Á này đã sản sinh ra nền nghệ thuật đa dạng vừa có phương Đông, vừa Trung Đông và có cả chất hiện đại phương Tây. Múa là thông điệp của Bali. Hàng năm Bali rất nhiều lễ hội và có lễ đến cả tuần như lễ hội Nusadua, lễ hội Samurai 5 ngày trên bãi Sanut, lễ hội thể thao dưới nước, lễ hội ẩm thực, lễ hội múa dân tộc, lễ hội thả diều Bali Kite, hàng ngàn con diều hình thù độc đáo, to, đủ màu sắc tấp nập nhộn nhịp cả vùng Denpasar.
Đặc biệt là lễ hội năm mới còn gọi là lễ Nyepi tổ chức vào tháng 7. Nyepi là im lặng, ba ngày trước lễ, người dân kéo nhau đi bộ diễu hành đưa các tượng thần ra sông, ra biển để rửa sạch rồi rước về đền, đội ngũ dâng lễ là các cô gái áo dài phủ mông, ren thêu đẹp có đai màu thắt ngang lưng đội mâm lễ vào đền để dâng hoa, trái cây, bánh, cả hình nộm tượng trưng có sự hiến tế vào lúc đúng ngọ (12 giờ trưa). Lúc này cả làng ngưng mọi hoạt động, im lặng, cả một không gian tĩnh lặng. Sau giờ im lặng Nyepi, các cô gái đầu đội vương miện trùm kín đầu, áo hở tay rất rực rỡ, kim tuyến nhóng nhánh như các mỹ nữ trong triều, các chàng trai phô diễn sự lực lưỡng và cùng nhau múa hát.
Buổi tối là cuộc đại diễu hànhvới tiếng nhạc, cồng, chiêng và cả tiếng trống, tiếng la hét theo nhạc vang dội cả xóm làng. Họ khiêng hình quái vật cao đến 10 mét đặt trên một dầm khiêng, 49 người, xếp mỗi hàng ngang 7 người tất cả có 7 hàng rất tề chỉnh. Tiếng cồng chiêng, tiếng nhạc rất dữ dội để biểu thị ý chí mọi người tống tiễn ác quỉ, tống tiễn cái ác, cái xấu ra khỏi làng.
Chiều xuống chúng tôi đến Kuta, một khu biển có bờ biển cong lượn, nhiều chỗ núi chạy sát biển rất trữ tình, tạo nên những bãi tắm rất tuyệt vời. Cùng với Sanut, Nusadua, Jimbaran,… Kuta nằm ở cuối đảo phía Nam. Đây cũng là nơi có các Resort hàng đầu Bali với nhiều tên tuổi nổi tiếng thế giới có mặt như InterContinental, Accor, Marriott, Shangrila, Sofitel, Novotel…
Chúng tôi nghỉ lại trong một Resort có hồ bơi đẹp nhất Bali, theo lời giới thiệu của kiến trúc sư Popo, hồ có view nhìn thẳng ra biển, hai bên thành hồ là hai dãy tượng các “tiên nữ” Indo thong dong yêu kiều, các vila nằm xen trên triền đồi.
Hoàng hôn xuống, cả góc trời đỏ rực. Bình minh và hoàng hôn bao giờ cũng làm xao xuyến lòng người. Cái hoàng hôn ở đây rất lạ, mặt trời tròn và to, có lẽ gần đường xích đạo nên to và đỏ hơn ở Việt Nam ta. Mặt trời đỏ nhưng ít chói chang. Các đám mây cuồn cuộn với nhiều hình thù như voi đi, như ngựa phi và có lúc như rồng lượn. Ánh hoàng hôn tưới hồng lên mặt biển và kẻ vào bờ sóng những làn son hồng, tô thêm sự kiều diễm cho sóng, cho nước và cho bờ cát trắng của biển Kuta. Popo đưa chúng tôi ra bờ biển đón gió và ngắm hoàng hôn và sau đó dùng bữa ngay tại nhà hàng lộ thiên trên bờ biển. Các dãy bàn sạch sẽ kê dọc biển đơn giản, lịch sự. Các nhà hàng nối nhau chỉ phân chia bằng con đường nhỏ xuống biển. Ở đây món ăn là hải sản, là tôm, cua, ghẹ, nghêu, sò, và các loại cá. Chủ yếu là hấp, nướng và chiên. Khách rất đông, đủ màu da của các châu lục. Sau khi thưởng thức cua, ghẹ vừa từ biển bắt lên, Popo Daniel gọi một món đặc sản của ẩm thực Bali, món Sate Lilit. Quả là độc đáo, họ xay nhuyễn tôm, cá, hải sản khác sau khi lọc đã bỏ xương và ướp tiêu, ớt, tỏi, có chút sả và mật ong rồi trộn nước cốt dừa, dồn thịt hải sản vào vỏ nửa quả chanh rừng (nhỏ hơn vỏ chanh leo Việt Nam) rồi xiên nướng lụi. Họ nói: phải nướng trên than củi dừa thì mới có mùi thơm đặc trưng. Ăn món Sate Lilit này uống bia Bintan của Indo ngay trên bờ biển và ngắm hoàng hôn thật vô cùng thú vị. Ông chủ nhà hàng nói món này đúng ra phải cay, nhưng biết các bạn ăn ít cay nên bớt sate và ớt. Sate Lilit vừa ngọt thịt, đậm đà có vị thơm, vị cay, vị nồng, đúng là chưa gặp ở đâu.
Mặt trời đã lặn ở chân trời xa, nhưng ráng hồng vẫn ửng. Popo giới thiệu với chúng tôi vài nét về các bãi tắm ở khu biển phía Nam này. Popo cho biết cả Bali có đến 1.200 khách sạn, bình quân 2.600 người dân có một khách sạn và nếu tính bình quân một khách sạn 100 phòng thì 26 người có 1 phòng khách sạn. Vậy mà mùa du lịch vẫn “cháy” phòng.
Kuta nơi chúng tôi dừng chân xưa là làng chài nhỏ, nơi quá hẻo lánh, kẻ phạm tội thường ẩn náu, hẻo lánh nhưng đẹp bởi bãi cát trắng, nước trong. Năm 1936, bắt đầu có khách sạn đầu tiên do người Mỹ xây để đón khách và mãi đến thập niên đầu của năm 1960 du lịch mới phát triển. Ngày nay, Kuta chật kín khách sạn và Resort cao cấp, khách nghỉ nhiều ở đây không chỉ vì biển đẹp, Resort hiện đại mà còn để ngắm hoàng hôn, Kuta là một trong những điểm đón hoàng hôn đẹp nhất Bali. Bali đã giữ gìn sinh thái, coi rừng biển là của thần linh, của đất mẹ mà con người phải có bổn phận gìn giữ tôn tạo cho đẹp hơn lên.
Mặt trời đã tắt hẳn, những hàng đèn vừa đủ sáng bật lên tạo nên sự êm dịu của đêm trên bãi biển Kuta. Ông chủ nhà hàng to nhỏ với Popo rồi đem ra thêm một món cũng là đặc sản Bali, đó là món vịt hầm chiên giòn, người Bali gọi là Bebek Betuta.Thật là lạ, ở ta hoặc là hầm hoặc là chiên, ở đây đã hầm rồi còn chiên (?). Ông chủ giới thiệu món vịt này phải chọn loại vịt thả ở ruộng độ sáu tháng tuổi, họ hầm mười tiếng cho xương mềm rục, nhưng thịt không nhão, sau đó tẩm với gia vị gồm mật ong, cari và ớt rồi đem chiên vàng lên, ăn nhai cả da, xương và thịt cứ giòn rụm. Ăn món này thì có loại rượu ngâm với hoa rừng Ubub mà họ gọi là hương của các vị thần tặng cho. Chúng tôi thưởng thức món vịt hầm chiên giòn với “rượu thần” mà thấy như được thêm năng lượng vì niềm vui của sự khám phá. Văn hóa ẩm thực đã góp phần tạo Bali trở thành điểm đến thích thú.
* * *
Đêm cuối ở Bali, tôi tha thẩn trên bờ biển Kuta và suy nghĩ về hòn đảo thần tiên của du lịch này. Khi văn hóa đã được tôn vinh và phát triển thì du lịch sẽ là đỉnh cao. Dù có xây bao nhiêu nhà đẹp, bao hồ bơi to, dù hiện đại đến chừng nào, nhưng nếu không gắn kết và khai thác văn hóa, từ văn hóa nghệ thuật, văn hóa rừng, đến văn hóa tâm linh, văn hóa ẩm thực và nét văn hóa từ tâm thức của con người thì chắc chắn du lịch sẽ chỉ là nơi nghỉ ngơi, hưởng thụ mà không để lại trong du khách những gì lưu luyến, hấp dẫn. Nơi nào công nghiệp du lịch gắn kết với sinh thái thiên nhiên, với văn hóa thì chắc chắn nơi đó sẽ là điểm đến du lịch tuyệt vời.
Tháng 3 năm 2019
°Ký của Trình Quang Phú
Gửi bình luận