Một gia đình hoàng tộc đi làm cách mạng, Kỳ cuối
Kỳ cuối: Những ký ức không phai về Hải Triều
Tôi có người bạn vong niên là ông Dàng ở làng Bảo Đà. Ông hơn tôi đến 20 tuổi nhưng chúng tôi rất thân thiết với nhau. Con gái ông là học trò của tôi nên tôi thường đến thăm ông nhiều lần vào những năm 1957 - 1958.
Một lần ông nhắn tôi vào ăn giỗ, tôi quên không hỏi con gái ông là giỗ ai. Tình cờ tôi thấy trên vách chiếc ảnh một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi, hai chiếc răng cửa to, hàm răng thưa, con mắt nhìn hóm hỉnh, tôi không nhớ ra là ai nên hỏi:
- Ai đấy bác?
- Hải Triều Nguyễn Khoa Văn đấy. Ông là nhà cách mạng Việt Nam nổi tiếng.
- Ai cho bác ảnh?
- Hải Triều tặng tôi đấy.
- Sao bác biết ông ấy?
- Ông ấy ở trong nhà này. Nằm ở cái giường kia.
Ông chỉ tay về chiếc giường lim, kiểu dáng quê kệch và nói thêm:
- Ông ấy mất ở trên cái giường này...
Và ông kể cho tôi nghe chuyện về những ngày cuối đời của Hải Triều.
… Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, từng đoàn tù binh Âu Phi lũ lượt được giải về vùng này. Đình làng Tam Lọng là nơi giam giữu tù binh. Hải Triều thường đi gặp họ để chuyện trò. Những buổi gặp gỡ xong bao giờ ông cũng vui và nói:
- Độc lập chắc lắm rồi, chỉ còn tính tháng, tính ngày thôi.
Ít ngày sau ông đi họp xa, chắc là đi Việt Bắc vì đến hơn một tháng mới về. Được vài hôm thì ông bị thương hàn nặng lắm nhưng được ông Đốc văn tận tình cứu chữa nên bệnh tình cũng thuyên giảm dần. Hôm anh thư ký đưa đến cho ông bức điện ghi của đài nước ngoài, ông đọc ngay rồi reo lên:
- Hòa bình rồi, ngày mai ký rồi, đi học ban ngày được rồi, mặc áo trắng vào.
Ông đi đi lại lại như một người khỏe mạnh và ông lại khoác áo Pác- đơ - suy (cho dù giữa đêm hè), chống gập đi khắp làng Bảo Đà đến tận đêm khuya mới về nghỉ. Qua nhà ai, ông cũng ghé vào thăm, cũng báo tin hòa bình đã trở về trên đất nước thân yêu. Có cụ già hỏi:
- Thật không bác?
- Tôi là Giám đốc Thông tin mà, ngày mai ký rồi.
Và đúng là ngày mai ký kết thật, hòa bình đã thực sự trở lại, Hải Triều đã được thấy cảnh trẻ nhỏ tung tăng cắp sách đến trường giữa ban ngày. Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió, giữa trời xanh tháng Tám. Ai đã sống những ngày ấy hẳn còn nhớ mùa Thu này đẹp lạ lùng. Những đám mây trắng nhởn nhơ bay giữa nền trời cao rộng. Người già như trẻ lại, bé thơ bỗng khôn ra. Họ đến gặp Hải Triều xem thế thực hư như thế nào. Ông đã phác qua cho họ một viễn cảnh ấm no gần kề. Người làm nghề nói, nghề viết như Hải Triều rất vui khi những điều mình đã nói, đã viết, đã tuyên truyền được trở thành hiện thực.
Những ngày ông bị thương hàn, thỉnh thoảng y sĩ mới cho ông ăn chút nước cháo nên cơ thể bị suy nhược. Khi khỏi bệnh ông ăn trả bữa. Ông Đỗ Văn, Viện trưởng bệnh viện Hà Lũng có bữa liên hoan nhẹ với Hải Triều, cơm không độn với dấm cá nấu mẻ, để ngày mai Hải Triều đi chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Chưa hết ba lưng cơm thì Hải Triều kêu đau bụng, Đỗ Văn rất lo lắng vì ông biết là bệnh ông Hải Triều tái phát. Bệnh trạng ấy ở thời ấy cái gì cũng thiếu thì dù thầy thuốc có tài giỏi người bệnh cũng khó qua khỏi. Ông bị sốt lên 40 độ, trong cơn mê sảng người ta vẫn nghe ông nói:
- Hòa bình rồi, độc lập rồi!
Cả cơ quan thông tin Liên khu, bà con xung quanh đều tự nguyện cho máu nhưng không ai có máu hợp với nhóm máu của Hải Triều. Bác sĩ đã sử dụng đến lọ máu khô cuối cùng. Mọi cố gắng đều vô ích. Khi đó ông mới 46 tuổi, đang độ chín của công việc.
Sau ngày 6 tháng 8 năm 1945 khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Hải Triều đã có một cố gắng cuối cùng, ông viết thư gửi Tố Hữu, gửi bạn bè văn nghệ và những dòng viết cho chính ông, không gửi cho ai, một lòng tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Thư và chúc thư được viết vào bốn trang của cuốn sổ tay giấy bình dân:
“Hải Triều
Anh Tố Hữu thân mến!
Tôi về đến khu IV thì bị đau nặng và hôm nay viết chúc thư gửi anh đây.
Công tác tuyên truyền trong thời gian này quan trọng quá. Tôi chúc anh thắng lợi. Anh nói với anh Trường Chinh tôi chúc anh giỏi và chúc Trung ương Đảng ta thắng lợi trong công tác cách mạng. Tôi còn một hơi thở nhẹ viết cho anh đây. Vấn đề văn nghệ và văn hóa cần tiến mạnh hơn quân thù xa.
Hồ Chủ tịch muôn năm. Trước khi chết nhớ Bác quá.
Chúc thư
Các đồng chí văn nghệ. Đời tôi chiến đấu cho nghệ thuật và văn chương cách mạng. Các đồng chí cố gắng lên. Chúc tất cả mạnh giỏi và hôn tất cả.
Sách tuyển chọn những bài viết về Hải Triều
Hải Triều
Đời tôi không thắc mắc với đời
Đấu tranh kịch liệt chống đế quốc đi
Còn đế quốc là còn chiến tranh
Mọi công tác kiến thiết cũng là một phát súng vào đầu giặc Mỹ.
Hòa bình muôn năm
Cách mạng thành công.
Bạn Hải”
Thế là cho đến lúc chết chỉ còn “một hơi thở nhẹ” Hải Triều vẫn viết, vẫn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tin một cách có lý luận, có căn cứ. Còn một dòng cuối cùng ông dành cho Đảng, cho Bác kính yêu. Biết cái chết đến gần như một tất yếu, cái phải đến đã gần kề, Hải Triều vẫn lạc quan yêu đời.
Hải Triều đã dành tất cả tài năng và trí tuệ cho nghệ thuật và văn chương cách mạng. Chỉ tiếc ông ra đi sớm quá, mới 46 tuổi, vào lúc 13 giờ ngày 6/8/1954. bạn bè, anh em đồng chí đã đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng trên cánh đồng Bảo Đà. Năm ấy lụt to, nước trắng mênh mông.
Đoàn quân chiến thắng trở về Thủ đô, vắng mặt Hải Triều, một chiến sĩ mác xít cự phách trên mặt trận tuyên truyền, một nhà báo xuất sắc, một nhà lý luận phê bình văn nghệ nổi tiếng. Ông nằm lại ở vùng đất Thanh ân tình cùng với người mẹ yêu quý.
Lê Xuân Kỳ
Gửi bình luận