Môi trường một lỗ thủng trong việc xây dựng nông thôn mới cần được quan tâm
Ba là, nói không với bệnh thành tích, báo cáo sai sự thật về chỉ tiêu vệ sinh môi trường trong việc xây dựng nông thôn mới.
Chúng ta không thể không tôn vinh những địa phương những cá nhân thực hiện tốt các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới trong đó có môi trường, song không thể không phê phán những địa phương những cá nhân phản ảnh sai sự thật để có thành tích hoàn thành các chỉ tiêu trong đó có môi trường bẩn vẫn tồn tại ở địa phương gây dư luận bất bình trong nhân dân, mà vẫn tung hô là hoàn thành tốt nội dung về xây dựng nông thôn mới. Vấn đề này không phải là cá biệt, nhiều địa phương báo cáo lên cấp trên đã làm tốt các chỉ tiêu, song đoàn kiểm tra về xem xét lại, mới biết là ở ven đường làng, thôn xóm còn có nhiều điểm đổ rác thải có mùi bốc hơi nồng nặc, ruồi nhặng hoạt động đầy rẫy, các con vật gà, vịt, mèo, lợn, chuột chết cùng với rác thải, ni lông ắp đầy bên đường làng, ảnh hưởng đến sức khỏe của dân,… Có những làng thôn, xã, ấp nhiều chỉ tiêu đạt rất khá như là kinh tế, văn hóa, văn nghệ, đường làng khang trang bê tông hóa khá đẹp song việc chó chạy rông hằng chục con, phân chó rơi vãi mùi hôi thối bốc lên khó chịu, cống rãnh ở khu dân cư nước bẩn, bọ gậy loăng quăng dày đặc thế nhưng lãnh đạo địa phương vẫn gửi văn bản lên cấp trên đề nghị khen thưởng vì đã hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, bất chấp cộng đồng địa phương kêu ca về ô nhiễm môi trường. Và vì vậy, ở địa phương ấy đã xuất hiện nhiều bệnh về hô hấp nhất là trẻ nhỏ phải nhập viện, và có những trường hợp bị tử vong. Trong thực tế hiện nay, bệnh thành tích không phải là phổ biến nhưng điều này đã bộc lộ nguyên nhân xây dựng nông thôn mới không bền vững ở một số địa phương cũng từ việc coi thường nội dung môi trường. Môi trường bẩn là một vấn đề hết sức nhạy cảm của người dân vì đây vừa mang ý nghĩa sống còn về sức khỏe trực tiếp, vừa có ý tiềm ẩn hủy hoại cuộc sống của cả cộng đồng suy giảm về kinh tế văn minh xã hội. Vì vậy muốn có lợi ích từ môi trường, mỗi người dân phải ứng xử rất công bằng khách quan mang ý nghĩa tích cực, phản ảnh và hành động trung thực với môi trường để cuộc vận động xây dựng nông thôn mới đi vào cuộc sống thiết thực hơn.
Ảnh minh họa
Bốn là, cần có những biện pháp hữu hiệu mạnh mẽ của xã hội để hướng thiện với môi trường sạch trong việc xây dựng nông thôn mới bền vững.
Trong nhiều ngày qua, truyền thông đưa tin Thủ tướng Ấn Độ xuống đường cùng nhân dân khu phố địa phương thu gom và phân loại rác thải, một hành động cao đẹp của một nguyên thủ quốc gia về việc ứng xử với môi trường. Nhiều nước trên thế giới như Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc,… họ đặt vấn đề môi trường là một yếu tố quan trọng của nguồn sống con người là sản sinh ra sức sản xuất để tăng năng suất lao động phát triển kinh tế xã hội. Những cuộc hội thảo khoa học quốc tế về môi trường đã khẳng định sức khỏe con người là phụ thuộc vào không khí trong lành, nguồn nước sạch, thực phẩm không bẩn,… là tiềm lực sáng tạo ra sức khỏe văn minh để cải tạo thế giới vật chất và tinh thần phục vụ lợi ích thiết thực cho con người. Ở nước ta, Đảng và Nhà nước coi trọng môi trường thông qua nhiều hoạt động xã hội, chế tài để phục vụ an sinh đất nước. Ở những nơi công cộng, trường học, bệnh xá, bệnh viện, ghế đợi xe bus, xí nghiệp, nhiều địa phương, bản, phố, xã, thôn, ấp trong nước người dân tự giác viết khẩu hiệu, tờ rơi nói rõ tác hại của ma túy, thuốc lá và khuyến cáo mọi người hãy nói không với thứ độc hại. Cách làm đó đang có sức giáo dục hấp dẫn, lan tỏa rất cao, nhất là trong giới thanh thiếu niên.
Từ những việc làm phong phú, đa dạng ấy, nhiều địa phương lại có cách làm hay khác nhau như vùng quê Thái Bình bà con trong thôn, xóm trồng hoa bên đường làng không những làm đẹp cảnh quan văn minh đường làng mà còn để khuyến cáo mọi người thôn, xã không được đổ rác thải ra ngoài đường bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng xấu đến việc xây dựng nông thôn mới. Đó là một cách làm lấy cái đẹp, cái hay xua cái xấu. Nhiều địa phương trong nước đã có thói quen phân loại rác thải đồ nhựa, ni lông thành gói riêng, loại hữu cơ như lá rau, vỏ củ, quả, thức ăn thừa, những nơi có đất trồng trọt thì dùng bón cho cây hoặc đưa đi phân hủy theo quy hoạch. Từ khi có phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trong nước đã có quy hoạch những nơi đổ rác thải và tiêu hủy rác một cách hợp lý, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhiều địa phương đã quan niệm ứng xử với môi trường một cách rất rõ ràng, tự giác là thể hiện văn hóa, thuần phong mỹ tục và hành động là phải có hiệu quả thiết thực. Điều đáng mừng là ở vùng cao nhiều bản làng, như Hà Giang, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Nghệ An, … mỗi khi họp dân, ngoài việc bàn về kinh tế, an ninh xã hội, vấn đề môi trường đều phải được đưa ra bàn một cách nghiêm túc và thường xuyên, vừa nhắc nhở, vừa răn đe những ai cố ý làm trái quy định của nhà nước về môi trường trong cộng đồng thôn bản. Nhiều địa phương ở các tỉnh thành nhất là các xã, bản ở gần trạm xá, bệnh viện, chợ quê, nơi chế biến bánh kẹo, thực phẩm gia cầm, gia súc, cổng nước thải công nghiệp, những địa phương này đã thành lập tổ chuyên trách kiểm tra vệ sinh môi trường và có chế tài hoạt động cụ thể phản ảnh kịp thời những hành vi sai trái của những ai ứng xử môi trường không đúng quy định của nhà nước nên đã đem lại kết quả khách quan trong việc xử lý vụ việc như xã Yên Khoái - huyện Lộc Bình - tỉnh Lạng Sơn, xã Nam Cường - huyện Chợ Đồn - tỉnh Bắc Kạn là một ví dụ. Vừa qua, hội Phụ nữ Thành phố Cần Thơ đã phát động phong trào vì môi trường sạch, trong đó chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe của mọi gia đình trong cộng đồng.
Ảnh minh họa
Nhiều gia đình trong thành phố, chị em phụ nữ đã làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện các khâu gieo trồng không dùng thuốc trừ sâu, kích thích hoặc không dùng những loại hóa chất có hại cho chế biến, bảo quản thức ăn, không lưu hành, buôn bán cho người tiêu dùng những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc,… Đó là phản ảnh hiệu quả một trong nhiều biện pháp mà có sự chung tay của cả hệ thống chính trị ở địa phương để giải quyết vấn đề môi trường trong việc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Có thể nói trong quá trình thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhưng chưa bao giờ người dân lại quan tâm đến môi trường như bây giờ, có lẽ họ thấy làm tốt môi trường sẽ đem lại nguồn hạnh phúc, ấm no cho chính họ, gia đình và xã hội. Muốn phá được lỗ thủng về môi trường trước hết người đứng đầu ở các cơ quan ban ngành, Đảng, chính quyền, địa phương phải gương mẫu làm trước và cùng với dân hành động làm sạch môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Ngoài những biện pháp hành động cụ thể trực quan, công tác tuyên truyền giáo dục đều khắp và thường xuyên trên mọi phương tiện thông tin đại chúng về công tác môi trường là biện pháp tiên quyết. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có những chế tài đủ mạnh, thưởng, phạt nghiêm minh khuyến khích những tập thể, cá nhân có thành tích làm tốt môi trường sạch và đấu tranh không khoan nhượng với những ai cố tình làm môi trường bẩn với mọi hình thức để phong trào xây dựng nông thôn mới trở thành động lực phát triển xã hội, góp phần đưa hành tinh của chúng ta mãi mãi trong lành và tươi đẹp hơn.
Hết!
Hoàng Hoa Mai
Gửi bình luận