“Mối liên hệ giữa dịch chuyển và du lịch: Tạo sự bền vững xã hội”
Đây là chủ đề của hội thảo quốc tế được tổ chức trong hai ngày 20 và 21/9, tại Hà Nội do Khoa Du lịch học (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội) và Đại học Bournemouth (Vương quốc Anh) phối hợp thực hiện.
Châu Á – Thái Bình Dương được đánh giá là một trong số những trung tâm có hoạt động du lịch sôi nổi nhất thế giới. Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), khu vực này có tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức cao trên thế giới, thậm chí vượt trên cả khu vực châu Mỹ, châu Phi và Trung Đông. Với thành tích đón đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016 và phục vụ hơn 73 triệu lượt khách nội địa, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh mẽ. Nhận thức được tầm quan trọng của du lịch, nhiều chính sách và giải pháp đồng bộ đã được thực thi, tập trung mọi nguồn lực để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trước bối cảnh hội nhập của khu vực, việc nghiên cứu định vị lại vị thế của du lịch khu vực nói chung, và nhìn nhận lại vai trò của du lịch Việt Nam nói riêng cũng như đánh giá về xu hướng du lịch, sự vận động của các dòng khách quốc tế hiện nay là một nhu cầu bức thiết. Tại hội thảo “Mối liên hệ giữa dịch chuyển và du lịch: Tạo sự bền vững xã hội”, các học giả, các nhà nghiên cứu du lịch trong và ngoài nước có cơ hội trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức, các kết quả và phương pháp nghiên cứu liên quan đến tình hình phát triển du lịch của khu vực hiện nay; vai trò, tầm ảnh hưởng của hoạt động du lịch của một số nước lớn trong khu vực; đồng thời định vị vị trí của du lịch Việt Nam trong khu vực trước bối cảnh hội nhập.
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hòa (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhăn văn), vấn đề đặt ra tại hội thảo hôm nay rất là thực tiễn có tính cấp thiết cao không chỉ trong lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết mà còn trong thực tế. “Vì du lịch đang phát triển với tốc độ cao không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Khi có sự dịch chuyển, luồng khách du lịch vận động sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, tác động đến việc phát triển bền vững”, PGS.TS Trần Thị Minh Hòa nhấn mạnh.
Chương trình có sự tham gia của khoảng 30 học giả đến từ nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm Anh, Đức, Ý, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Bỉ, Hàn Quốc, Macao, Philippines, Brazil…, với nhiều diễn giả danh tiếng hàng đầu thế giới về lĩnh vực học thuật du lịch. TS Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Du lịch học cho rằng, Du lịch và Dịch chuyển có mối quan hệ khẳng khít với nhau. Với sự đóng góp của các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia, nghiên cứu kinh nghiệm và giải pháp của các học giả quốc tế sẽ giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn xu hướng, thách thức và thời cơ để phát triển du lịch.
Thảo Minh
Gửi bình luận