Mâm cỗ Tết truyền thống Việt Nam
Người Việt từ xưa đã có câu cửa miệng là “ăn Tết”, Vậy nên bữa cơm ngày Tết thường gọi là “cỗ Tết”. Cỗ Tết nhiều món, nhiều màu sắc, nhưng đều có chung nguyên lý âm dương ngũ hành, để nhiều mà không ngán, ăn món nọ có món kia hỗ trợ giúp tiêu hóa tốt hơn. Có thể nói, cỗ Tết Việt phong phú, đa dạng và khoa học…Và ở mâm cỗ ngày Tết mỗi vùng miền, dân tộc lại có sự khác nhau, nhưng trong cái chung thống nhất. Tết này chúng tôi xin giới thiệu mâm cỗ Tết truyền thống ở 3 miền Việt Nam.
Mâm cỗ Tết miền Bắc
Mâm cỗ miền Bắc thường khá nghiêm ngặt, ít nhất phải có 4 đĩa, 4 bát không kể xôi và nước chấm. Gia đình khá giả, có điều kiện thì còn chuẩn bị 8 đĩa, 8 bát. Món ăn bày trên đĩa, cơ bản là có thịt gà, thịt heo, nem thính, giò lụa. Cũng có thể thêm giò thủ, thịt đông, chả đẫy, nộm su hào, nộm rau cần và các món xào. Bát thì gồm bát ninh, bát hầm, bát miến, bát mọc, ngoài ra còn có các món tần. Các món bày trên đĩa được dùng trước, thường là để nhắm với rượu và ăn chung với xôi. Các món bày trong ở bát như món măng hầm giò heo, miến gà, mọc, canh bóng thả…. Đó là những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống miền Bắc. Bên cạnh những món trên, tùy từng gia đình, có những nơi còn có các món cá chép, cá trắm kho riềng,… Món tráng miệng ngoài các loại mứt như mứt sen, quất, gừng, hồng khô, ô mai mơ, gừng còn có món chè kho cũng rất được ưa chuộng vì vừa thơm ngon, lại có tính giải độc và dã rượu do được chế biến từ nguyên liệu chính là đậu xanh.
Mâm cỗ Tết miền Trung
Những món ăn ngày Tết của người miền Trung thường chú trọng nhiều đến yếu tố lưu trữ, là các món bánh tét gói chặt, ít đậu thịt; các món dưa được làm từ đu đủ, củ cải trắng và cà rốt phơi khô, ngâm với nước mắm; thịt bò, thịt heo ngâm nước mắm, món tré, chả, nem. Mâm cỗ Tết miền Trung có món bánh tráng, rau sống cuốn với các món thịt kho, thịt phay, thịt ngâm nước mắm, nem chua, chả, tré, thịt bò nướng sả. Và các món gỏi như gà trộn rau răm, quả vả trộn, măng trộn, mít trộn…
Với Huế, mâm cỗ Tết chú ý nhiều đến các loại bánh, mứt… Cũng có món vả trộn, gà trộn rau răm, gỏi thập cẩm… là một món ăn thể hiện sự cầu kỳ, khéo léo thường được làm vào dịp đầu năm vì có màu sắc đẹp, nguyên liệu phong phú, đa dạng. Sau đĩa gỏi, cỗ Tết ở Huế còn có các món dùng với cơm bò nấu thưng, bò ngâm nước mắm, cá chiên, chả ram và các món canh giò heo hầm, canh thập cẩm. Bữa cỗ cũng không thể thiếu các món nem, chả, tré là đặc trưng trong ẩm thực Huế. Đặc biệt mâm cỗ Tết ở Huế còn thường thấy một chén nhỏ mắm tôm chua, một nét riêng hiếm thấy ở cỗ Tết các nơi. Cuối cùng, trong bữa cỗ Huế, các món bánh, mứt mới là món thể hiện được hết sự khéo léo của người phụ nữ Huế. Có thể kể món bánh đậu xanh, các món mứt quất làm nguyên quả và mứt gừng xăm, gừng khô, mứt sen...
Mâm cỗ Tết miền Nam
Mâm cỗ Tết của miền Nam có phần phong phú, không gò bó về nghi thức. Món khai vị cũng có chả, nem, gỏi gà xé phay, kiệu chua, tai heo ngâm giấm. Các món dự trữ thì có lạp xưởng, bao tử nhồi,…Tết đến nhà nào ở miền Nam cũng có nồi thịt kho nước dừa ăn với dưa giá, dưa món, củ kiệu. Có củ kiệu thì còn phải chuẩn bị tôm khô. Và một nồi khổ qua hầm. Đây cũng là một món ăn có tính mát, giúp tiêu thực và giải độc, phù hợp cho những ngày đầu năm. Bánh tét miền Nam thì rất đa dạng từ nhân bánh, vỏ bánh cho đến cách tạo hình và chủng loại, màu sắc. Phần nếp bên ngoài có khi được trộn lẫn với dừa nạo, có khi với đậu đen, hoặc là hạt điều, lá cẩm, lá dứa tạo ra nhiều màu sắc khác nhau. Ngoài ra người miền Nam còn dùng nước cốt dừa để làm cho bánh béo, thơm và nhân cũng được dùng với chuối chín, nhân thập cẩm, nhân đậu xanh trứng muối... Một số nơi còn tạo hình trong lòng bánh hoa mai, chữ thọ, chữ phúc, khi cắt ra trông rất đẹp đầy nghệ thuật. Song, trong truyền thống dân dã, bánh tét nhân đậu xanh với thịt mỡ và lòng đỏ trứng muối được làm nhiều nhất... n
Tuyết Lan
Gửi bình luận