Linh thiêng đền Mây
Đền thờ Tướng quân Phạm Bạch Hổ, còn được gọi là đền Mây tại bến Lảnh (bến đò Mây) thuộc đất Đằng Châu, nay là thôn Đằng Châu, phường Lam Sơn, Tp. Hưng Yên. Đền đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật vào năm 1992. Đền cũng là di tích tiêu biểu của Khu Di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng vào năm 2014.
Không gian khu Tiền tế và bảng châm thư của Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh năm 1888 bên trên
Tướng quân Phạm Bạch Hổ sinh ngày 10 tháng Giêng năm Canh Ngọ (910). Tương truyền mẹ ông trước khi sinh đã nằm mộng thấy Sơn Tinh và hổ trắng nên khi sinh ông đã đặt tên là Bạch Hổ. Từ nhỏ, ông đã có tư chất thông minh, tính cương trực, lớn lên thân hình vạm vỡ, giỏi văn võ. Với tài nghệ của mình, ông đã trở thành Hào trưởng đất Đằng Châu và là tướng tài của Dương Đình Nghệ. Tướng Phạm Bạch Hổ có công lớn giúp Ngô Quyền đánh dẹp quân Nam Hán. Khi triều Ngô được thành lập, Phạm Bạch Hổ về Đằng Châu xây dựng dinh lũy trấn giữ vùng đất này. Cuối triều Ngô, ông được phong làm Phòng Át, giao trấn giữ vùng biển Hải Đông. Triều Ngô mất, Phạm Bạch Hổ vẫn ở Đằng Châu, trở thành 1 trong 12 sứ quân. Về sau Đinh Bộ Linh dẹp loạn 12 sứ quân, Phạm Bạch Hổ đã nhanh chóng quy tụ dưới ngọn cờ chính nghĩa của Đinh Bộ Lĩnh, lập nên công lớn trong sự nghiệp thống nhất giang sơn của nhà Đinh và được vua Đinh phong chức Thân vệ Đại tướng quân. Ông mất ngày 16/11/983 tại dinh lũy của mình. Vua Lê lúc bây giờ phong ông là Đằng Vương, dân chúng lập đền thờ và suy tôn ông làm Thành hoàng. Đền xây dựng xong, vua Lê phong ông là “Khai thiên hộ quốc thượng đẳng tối linh thần”.
Tương truyền, dinh lũy của Phạm Bạch Hổ được xây dựng gần bến sông, nơi có phong cảnh nên thơ hữu tình. Vì thế trong vùng thời bấy giờ lưu truyền câu ca “Trăm cảnh, nghìn cảnh, không bằng bến Lảnh, đò Mây”. Cũng chính vì điều này mà người dân trong vùng còn gọi đền thờ Tướng quân Phạm Bạch Hổ với tên gọi khác là đền Mây. Quy mô đền ban đầu rất lớn gồm tam quan, khu nhà ở, Đông biên, Tây biên và khu thờ chính. Trải quan thời gian, các hạng mục công trình dần bị phá hủy, chỉ có khu thờ chính được gìn giữ khá nguyên vẹn. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, kiến trúc đền hiện mang đậm dấu ấn phong cách kiến trúc thời Hậu Lê đan xen lối kiến trúc thời Nguyễn.
Du khách tham quan đền Mây
Khu thờ chính của đền được thiết kế dạng chữ “Tam”, gồm 3 tòa: Tiền tế, Trung từ, Hậu cung với nhiều chi tiết chạm trổ tinh xảo, có giá trị mỹ thuật cao. Sâu trong Hậu cung là nơi đặt tượng và ban thờ chính Tướng quân Phạm Bạch Hổ cùng mẫu thân và phu nhân của ông. Người dân trong vùng kể lại, do xây dựng gần bến sông nên đền thường xuyên bị lũ lụt. Dân làng trong một lần trùng tu đã có ý định di dời đền đến vị trí phù hợp hơn. Tuy nhiên khi nguyên vật liệu dời đến địa điểm mới thì chỉ sau một đêm đã quay trở lại điểm ban đầu. Dân làng thấy kỳ lạ đã bỏ đi ý định di dời ngôi đền và góp công sức, của cải tu bổ ngôi đền trên nền cũ ngày càng khang trang, to đẹp hơn. Sự linh thiêng của ngôi đền còn được thể hiện qua bức châm thư do Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh đề tựa năm 1888, hiện vẫn còn treo ở gian trung tâm Tiền tế. Nội dung bức châm thư gắn liền với câu chuyện dân gian truyền lại: vua Lê Long Đĩnh trước khi lên ngôi có lần ghé qua đền lúc trời sắp chuyển mưa. Được biết đền linh thiêng nên Lê Long Đĩnh đã “thách thức” thần chỉ làm mưa một bên bờ sông, bờ còn lại không bị mưa. Và Lê Long Đĩnh khi đó đã trở thành nhân chứng truyền lại sự linh thiêng của ngôi đền.
Hiện nay đền còn giữ được nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật như: Đại tự, kiệu Bát cống, bức châm thư và 18 đạo sắc phong qua các thời kỳ. Hàng năm, đền thường tổ chức lễ hội vào 3 dịp: ngày 8-16/01 Âm lịch hàng năm (ngày sinh tướng quân), ngày 16-24/6 Âm lịch (ngày giỗ thân mẫu tướng quân) và ngày 12-18/11 Âm lịch hàng năm (ngày giỗ tướng quân).
BÁ PHÚC
Gửi bình luận