Linh thiêng Đền thờ Hai Bà Trưng
Hai Bà Trưng quê ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, nay thuộc huyện Mê Linh, TP Hà Nội. Hai Bà Trưng từng có công lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của nhà Đông Hán vào năm 40 - 43 sau công nguyên. Sau khi Hai Bà Trưng mất, người dân đã lập đền thờ tại quê nhà để tưởng nhớ công đức hai bà. Đền thờ hai bà ở quê nhà còn có tên gọi khác là đền Hạ Lôi và đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt ngày 9/12/2013.
Đền thờ Hai Bà Trưng được xây trên một khu đất cao, rộng, có hình đầu voi và nhìn ra đê sông Hồng. Có thể xem đền là một quần thể di tích đặc sắc với nhiều hạng mục công trình sẽ khiến du khách vô cùng thích thú khám phá tìm hiểu: Cổng đền; nhà khách; nghi môn nội - ngoại; gác trống - gác chuông; nhà tả - hữu mạc, đền thờ Hai Bà Trưng; đền thờ thân phụ - thân mẫu hai bà; đền thờ thân phụ - thân mẫu Lạc tướng Thi Sách, đền thờ các nữ tướng - nam tướng thời Hai Bà Trưng; nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh, hồ bán nguyệt, hồ mắt voi, suối vòi voi, hồ tắm voi, thành cổ Mê Linh…
Chỉ xét cổng đền, cũng thấy được sự công phu. Cổng đền có 2 tầng, tầng dưới có 3 cửa vòm, tầng trên xây kiểu chồng diêm; mái cổng có đắp hình đôi rồng chầu mặt trời, phần cổ diêm trang trí hình hoa 4 cánh, các góc đao đắp hình lá hỏa; góc cột đắp hình hoa cúc dây, thân cột hình hoa lá. Nghi môn ngoại xây kiểu tứ trụ, phân cách thành một cổng chính và hai cổng phụ; đỉnh trụ trang trí tứ phượng theo kiểu lá lật, các ô lồng đèn phía dưới trang trí tứ linh. Nghi môn nội gồm 1 gian 2 chái, được trang trí hình hoa chanh, đầu rồng, nghê chầu với các góc đao uốn cong 4 phía…
Đền thờ Hai Bà Trưng gồm tòa tiền tế 7 gian 2 chái xây theo lối kiến trúc cổ, có trang trí hình chim phượng múa; trước tiền tế có đôi voi đá trong tư thế quỳ chầu. Tòa trung tế 5 gian 2 chái, có trang trí hình hoa chanh, phía trước trung tế có lư hương đá Hậu cung có 3 gian, hợp với trung tế tạo thành chữ Đinh; hàng cột khá to, được chạm trổ hoa lá và chữ Thọ. Mỗi một nét kiến trúc, một chi tiết của đền đều được bàn tay tài hoa của những người thợ trau chuốt kỹ lưỡng.
Đền thờ thân phụ, thân mẫu Hai Bà Trưng xây theo lối chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung; mái đắp lưỡng long chầu nguyệt… Đền thờ thân phụ, thân mẫu Lạc tướng Thi Sách nằm bên trái đền Hai Bà Trưng, xây theo lối chữ Đinh, mặt quay hướng Tây Nam. Đền thờ các Nữ tướng thời Hai Bà Trưng xây theo lối chữ nhất, gồm 5 gian; 2 gian bên trổ cửa hình chữ Thọ để lấy ánh sáng cho di tích; chính giữa ban thờ xây bệ cao bài trí ngai và bài vị, phía trước bài trí hương án. Đền thờ các Nam tướng thời Hai Bà Trưng quay hướng Đông Bắc, cùng xây theo lối chữ Nhất, gồm 5 gian, chính giữa ban thờ xây bệ cao bài trí khám thờ và bài vị. Nhà tả - hữu mạc có 7 gian, được trang trí hình hoa chanh; phía trước hiên dãy nhà bên phải đền bài trí 8 con voi, ngựa, sư tử, bên trong trưng bày một số di vật khai quật tại thành cổ Mê Linh. Phần lớn kiến trúc ở đây đều được xây theo lối tường hồi bít đốc, kèo được kết cấu theo dạng “thượng giá chiêng, trung kẻ truyền, hạ bẩy hiên, hậu gối tường”.
Rước bài vị và chân hương trong lễ hội Hai Bà Trưng
Trong khuôn viên đền Hai Bà Trưng vẫn còn dấu tích Thành cổ Mê Linh với dấu vết thành cổ đắp đất, hình con rắn uốn mình. Đoạn thành dài 1.750m, chỗ rộng nhất là 500m, chỗ hẹp nhất là 200m; thành dày khoảng 2m, cao khoảng 4m; bên ngoài bờ thành là quách dày và cao khoảng 4m. Chen giữa thành và quách là đường “thông cù” rộng khoảng 4m; chính nhờ đường thông cù mà thành còn được gọi với tên gọi khác là thành ống. Bên ngoài cùng là hào cắm chông tre. Thành cổ đã được khai quật khảo cổ và thu được nhiều hiện vật có giá trị; một số hiện vật được trưng bày tại nhà tả - hữu mạc. Đặc biệt, trong khuôn viên đền còn có nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh. Đây là dấu tích hoạt động cách mạng của cố Tổng Bí thư Trường Chinh cùng nhiều đại biểu xuất sắc của Đảng như Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo… trong thời kỳ chuẩn bị cho Cách mạng tháng 8/1945.
Đền Hai Bà Trưng còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quý, đa dạng, phong phú về cả chủng loại và chất liệu. Các di vật có niên đại tập trung vào triều Nguyễn như hoành phi, hương án, đại tự, câu đối, khám, kiệu, tượng thờ… được chạm khắc công phu, tinh xảo, được trang trí rồng mây, hoa lá, văn triện, hổ phù… phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội và những ước vọng về cuộc sống tốt đẹp của nhân dân. Đền cũng là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân địa phương, thể hiện những giá trị văn hóa kết tinh trong lễ hội và các trò diễn dân gian. Hàng năm, Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức từ mồng 4 đến mồng 10 tháng Giêng AL; chính hội vào mồng 6, tương truyền là ngày Hai Bà Trưng mở tiệc khao quân.
Khám phá những nét kiến trúc đặc sắc, lắng nghe câu chuyện lịch sử đầy xúc động về Hai Bà Trưng trong một không gian thanh tịnh, ai ai cũng đều cảm nhận được sự an nhiên tĩnh tại chợt ùa về trong tâm khảm. Một không gian văn hóa tâm linh giá trị đang chờ đón du khách gần xa.
Phước Hà
Gửi bình luận