Liên kết phát triển du lịch xanh phải đi vào thực chất!
Như tin đã đưa, ngày 29/6, hội thảo “Liên kết phát triển du lịch xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức tại TP Cần Thơ. Báo Du lịch đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Trung Lương (Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch), thành viên Ban tổ chức về vấn đề liên kết du lịch vùng theo hướng phát triển “Du lịch xanh”.
Đồng bằng sông Cửu Long - ảnh: Lien bang Travelink
lĐược biết, đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long” sẽ được phổ biến tại hội thảo tới đây. Xin ông có thể đánh giá về hiện trạng phát triển sản phẩm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là du lịch xanh hiện nay?
-Với việc giới thiệu nội dung đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được Bộ VHTTDL phê duyệt tại quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2015, chúng tôi muốn đưa ra một căn cứ khoa học đối với việc nhận dạng sản phẩm đó là gì, nằm trên địa bàn nào, muốn phát triển cần những điều kiện gì. Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” chỉ dành giới thiệu một phần về đề án đó thôi, vì sản phẩm đặc thù thì không nhất thiết phải là sản phẩm du lịch xanh. Trên cơ sở nền của sản phẩm dặc thù của vùng thì chúng tôi nhấn mạnh đến các sản phẩm đặc thù mà có đặc tính thân thiện với môi trường.Rất vui là những sản phẩm chúng tôi chỉ ra ở ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển loại sản phẩm này, đặc biệt là các sản phẩm du lịch sinh thái.Từ đó, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp sẽ ngồi lại để bàn bạc việc phát triển sản phẩm xanh thì chúng ta cần gì, làm như thế nào?
lVậy, sản phẩm xanh du lịch có phải là một hướng khai thác tốt với ĐBSCL?
- Thực tế việc phát triển sản phẩm du lịch xanh không phải chỉ có ý nghĩa với ĐBSCL mà còn có ý nghĩa với trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Riêng ở ĐBSCL, chúng tôi cho rằng nơi đây là một trong những lãnh thổ đã và đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về môi trường, trong đó có ô nhiễm nước, tác động tới biến đổi khí hậu, nguồn nước biển dâng. Cho nên việc phát triển các sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm du lịch xanh nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó hạn chế tiêu cực đến môi trường trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội cũng như góp phần tích cực trong việc giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.Đồng thời đây cũng là hoạt động chuyển tải ý nghĩa thông điệp trong phát triển du lịch. Chúng ta có sự phát triển như vậy mới đảm bảo sự phát triển bền vững để các thế hệ con cháu được hưởng lợi ích từ tiềm năng du lịch rất lớn của ĐBSCL cũng như phát triển kinh tế- xã hội sau này.
lVấn đề được hội thảo đưa ra là liên kết phát triển sản phẩm. Từ góc độ chuyên gia du lịch, theo ông, việc liên kết này cần thực hiện như thế nào?
-Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy ở ĐBSCL, một số sản phẩm đặc thù riêng chỉ có ở một tỉnh, nhưng cũng có sản phẩm có thể khai thác ở hai, ba tỉnh. Vì vậy, để mà xây dựng các sản phẩm trong thực tế thì cần một sự hợp tác chân thành giữa các địa phương, nơi có tiềm năng chung đó. Chúng ta cũng phải ý thức được rằng sự liên kết đó mang lại thành quả chung hiệu quả cho cả vùng, trong đó có địa phương mình.Chứ tư duy mình chỉ biết mình thôi thì không bao giờ phát triển được, đặc biệt là phát triển các sản phẩm đặc thù mang tính vùng như vùng ĐBSCL. Tức là sản phẩm đó thành hiện thực khi có sự liên kết theo đúng bản chất của nó chứ không phải liên kết chính trị và hình thức, liên kết phải chỉ rõ ai làm việc gì, lợi ích là cái gì, trách nhiệm đóng góp là gì thì mới đem lại sự liên kết bền vững và đi vào thực chất. Liên kết này để kinh doanh phát triển sản phẩm nên phải bắt đầu từ doanh nghiệp.Tất nhiên chính quyền rất quan trọng để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nhưng bản chất ở đây vẫn phải hướng tới doanh nghiệp là đối tượng chính để liên kết.
Chúng tôi mong muốn rằng qua hội thảo và các vấn đề báo cáo thì các địa phương sẽ nhận thức được vấn đề đó vì đã quá nhiều năm chúng ta cứ luẩn quẩn với những gì của mình riêng có thì không bao giờ thoát ra được để liên kết hiệu quả hơn.n
Hương Thảo thực hiện
Trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2015 (từ ngày 27/6/2015 đến ngày 3/7/2015), Bộ VHTTDL phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Liên kết phát triển du lịch xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” diễn ra vào ngày 29/6/2015 tại TP. Cần Thơ. Dự kiến có 250 nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, Hiệp hội du lịch... tham dự . Chương trình sẽ mở diễn đàn để bàn thảo những vấn đề thực tiễn và tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, liên kết và thu hút đầu tư phát triển “Du lịch xanh” vùng ĐBSCL. Thông qua Hội thảo, thông điệp chung về phát triển “Du lịch xanh” vùng ĐBSCL sẽ được thảo luận và thống nhất, tiến tới sử dụng như khẩu hiệu và biểu trưng cho du lịch ĐBSCL trong giai đoạn tới. |
Gửi bình luận