Liên kết chuỗi giá trị đầu vào hình thành sản phẩm du lịch
Sáng ngày 9/10 tại Hà Nội, TCDL tổ chức Hội thảo “Giải pháp và chính sách liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch”. Hội thảo có sự tham dự của dại diện các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, TCD, cùng các nhà khoa học, các đơn vị đào tạo về du lịch, các doanh nghiệp du lịch.
Hội thảo “Giải pháp và chính sách liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch”
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ VHTTDL giao TCDL xây dựng Đề án “Liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch”. Theo Phó Tổng cục trưởng, Du lịch Việt Nam thời gian qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế luôn duy trì ở mức trên 10%. Để đạt được điều đó, sản phẩm du lịch phải sử dụng nhiều các yếu tố đầu vào của các ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, thương mại, công nghiệp, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, y tế, bảo hiểm… Do vậy, việc phát huy và gắn kết các giá trị của các ngành khác để hình thành các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường cần đến sự phối hợp của ngành Du lịch với các ngành và phải có những giải pháp và chính sách thiết thực. Tại hội thảo, TCDL mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhằm tìm ra những giải pháp thật sự cần thiết để đẩy mạnh liên kết hình thành sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu tại hội thảo
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương nhận định, việc kết nối giữa ngành Du lịch với các ngành khác để tạo ra các sản phẩm du lịch là rất cần thiết. Tuy nhiên việc kết nối phải tạo ra những sản phẩm vừa thúc đẩy du lịch, vừa thúc đẩy bản thân các ngành khác. TS. Đỗ Cẩm Thơ – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (TCDL) nhận định, sản phẩm du lịch được hình thành dựa vào nhiều yếu tố tổng hợp, trong đó phần lớn từ sản phẩm, dịch vụ của ngành, lĩnh vực khác nhau như cung ứng thực phẩm, cung ứng điện nước, hạ tầng…; các yếu tố đầu vào từ các ngành vừa có thể cung cấp nhu cầu trải nghiệm du lịch, vừa có thể là sản phẩm tiêu dùng đảm bảo nhu cầu tối thiểu trong quá trình thực hiện du lịch.
Các đại biểu đã thống nhất nhận định, quá trình liên kết chuỗi giá trị đầu vào sẽ khai thác tối đa lợi thế, các nguồn lực của các ngành, lĩnh vực để gia tăng giá trị sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập. Hội thảo đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về chuỗi giá trị đầu vào hình thành sản phẩm du lịch, đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm tăng cường tính liên kết giữa ngành Du lịch và các ngành kinh tế khác. Trong đó, nhiều ý kiến đề cập việc cung cấp dịch vụ đầu vào từ những ngành, từ những hoạt động cụ thể để hình thành nên sản phẩm du lịch. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương – Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế đặc thù tạo ra các dịch vụ, sản phẩm trong chuỗi sản xuất hàng hóa; thị trường của công nghiệp văn hóa rộng lớn, trong đó có du lịch và thu hút nhiều chủ thế tham gia hoạt động du lịch. Dưới góc độ thể thao, TS. Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT chia sẻ, thể thao và du lịch là quan hệ cộng sinh, mở ra các triển vọng mới hấp dẫn, làm phong phú những kiinh nghiệp du lịch và nâng cao sự phát triển thể thao. Bà Soline Lê – Giám đốc dự án Du lịch nha khoa Việt Nam cho biết, mỗi năm Việt Nam đón khoảng 80.000 lượt khách du lịch y tế với tổng doanh thu hơn 1 tỷ đô la. Như vậy, Việt Nam có thể tập trung phát triển ngay các sản phảm du lịch y tế đặc thù dựa trên lợi thế cạnh tranh về yếu tố giá, kỹ thuật, văn hóa… TS. Ngô Kiều Oanh – Giám đốc Trang trại đồng quê Ba Vì khẳng định, hoạt động du lịch nông nghiệp là hình thức du lịch tại các vùng nông thôn, cho phép tương tác giữa khách du lịch và người dân địa phương, mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng địa phương… Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm tạo nên chuỗi giá trị đầu vào cho du lịch. TS. Đỗ Cẩm Thơ cho rằng, giải pháp đặt ra là cần tăng cường quản lý chất lượng các yếu tố của ngành, lĩnh vực phục vụ nhu cầu thiết yếu du lịch; đẩy mạnh cải thiện và liên kết các yếu tố hình thành trải nghiệm; tăng cường sản phẩm sáng tạo từ yếu tố tham gia trong phần chính sản phẩm du lịch. Mặt khác, theo ý kiến của một số đại biểu, trong quá trình hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù cần tổ chức quy hoạch nông nghiệp gắn với du lịch; khuyến khích tính liên kết giữa công nghiệp văn hóa với du lịch; xây dựng mô hình quản lý mới theo chiều sâu gắn kết giữa du lịch và thể thao…
Du khách trải nghiệm hái chè tại trang trại chè Ba Trại (Ba Vì – Hà Nội)
Kết luận hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh, “Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL, TCDL xây dựng Đề án Liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch nhằm đưa ra các giải pháp để thúc đẩy mối quan hệ giữa Du lịch và các ngành khác trở nên chặt chẽ hơn, thúc đẩy tất cả các bên cùng phát triển. Trên cơ sở Đề án, các đơn vị liên quan cần lồng ghép các giải pháp vào các chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành, ban hành các chính sách cụ thể về visa; về vai trò phối hợp công - tư giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ, khuyến khích động viên xây dựng sản phẩm kết hợp giữa du lịch và các ngành nghề khác…”.
Phước Hà
Gửi bình luận