Làng nghề - hướng đi cho phát triển du lịch Hải Dương
Tinh hoa của mỗi làng nghề hiện hữu trong từng sản phẩm là kết tinh của trí tuệ và sự khéo léo được trao truyền qua bao đời nghệ nhân. Tâm huyết của những đôi bàn tay vàng ấy không chỉ mong muốn gìn giữ truyền thống cha ông mà còn muốn quảng bá rộng rãi cho cả cộng đồng. Hành trình ấy chính là con đường “làm nghề” tới “làm tour”.
Các sản phẩm gốm Chu Đậu
Giữ lửa cho làng nghề
Có mặt ở xưởng làm gốm Chu Đậu (xã Thái Tân, Nam Sách, Hải Dương) từ sáng nhưng mãi tới trưa, nhóm bạn bè của chị Nguyễn Ngọc Trà (Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội) mới lên xe để đi tham quan các điểm khác. Chị chia sẻ lý do “cháy” chương trình: “Chúng tôi dự định ở lại khoảng một tiếng để xem sản phẩm, nhưng khi mọi người vào xưởng, được dạy cách nặn, vẽ họa tiết lên bình gốm, vừa học vừa nghe về lịch sử làng nghề..., vậy là chẳng ai muốn rời đi”.
Nâng niu những sản phẩm gốm thiết kế làm quà lưu niệm, bạn Nguyễn Thu Trang, thành viên của đoàn háo hức hơn cả vì lần đầu tiên tự mình làm sản phẩm thủ công cũng như hiểu thêm về tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt được thể hiện qua hình ảnh hoa sen, hoa cúc, chim Lạc Việt… Bạn vui vẻ nói: “Tôi thật sự ngạc nhiên vì nghề gốm đã thất truyền tới cả bốn thế kỷ mà có thể hồi sinh ngoạn mục như vậy. Đó đã là một câu chuyện hay để kể với bạn bè. Nhiều người bạn nước ngoài của tôi chắc chắn sẽ ngạc nhiên với món quà “Made in Vietnam” này vì sự tinh tế, sang trọng mà chẳng kém phần hiện đại”.
Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương có 66 làng nghề, với nhiều tên tuổi lâu năm như gốm Chu Đậu, gỗ mỹ nghệ Đông Giao, vàng bạc Châu Khê… Giống như nhiều làng nghề trong cả nước, lịch sử làng nghề truyền thống của Hải Dương cũng trải qua không ít thăng trầm. Sự thay đổi của thời cuộc, nhu cầu của thị trường, nhiệt huyết của nghệ nhân... trở thành “lửa thử vàng” quyết định đến sự tồn tại của làng nghề. Đến nay, nhiều nghệ nhân ở Hải Dương vẫn bền bỉ giữ nghề, nhiều làng nghề đã hồi sinh trở lại, không chỉ lấy lại những gì tưởng như còn vang bóng một thời mà đã nhập cuộc, bắt nhịp với những yêu cầu mới của xã hội, trở thành những sản phẩm nổi tiếng xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới, và trở thành điểm tham quan hấp dẫn cho du khách khi tới với mảnh đất này.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, du lịch làng nghề là một loại hình du lịch văn hóa chất lượng cao bởi lẽ làng nghề truyền thống được coi là một “bảo tàng sống”, nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vừa phong phú, đa dạng, vừa sinh động, góp phần làm nên hệ giá trị của văn hóa dân tộc. Đây chính là yếu tố thu hút sự quan tâm của du khách. Bên cạnh đó, làng nghề không chỉ đơn thuần là nơi chế tác các sản phẩm thủ công truyền thống mà còn là môi trường văn hóa lưu giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật dân gian, những kinh nghiệm sản xuất và phong tục tập quán của cộng đồng. Điều này có thể thấy ở những lễ hội truyền thống trong những làng nghề. Những nghệ nhân kim hoàn ở làng Châu Khê (Bình Giang, tỉnh Hải Dương) vẫn luôn tự hào về nghề truyền thống đã được duy trì hơn 500 năm qua. Hằng năm, vào dịp đầu Xuân, làng lại tổ chức lễ hội, với các nghi lễ truyền thống như tế cáo yết, dâng hương, rước kiệu... Đến đây, du khách được tham quan những hộ làm nghề chế tác vàng bạc, chiêm ngưỡng chuông chùa bằng đồng nặng 1.000kg, cũng như thưởng thức không khí lễ hội đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ với nhiều trò chơi dân gian truyền thống.
Nghệ nhân làm gốm Chu Đậu tại xưởng
Gắn kết cùng du lịch
Theo Quy hoạch phát triển hệ thống làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh Hải Dương đã xác định tiềm năng về du lịch làng nghề của địa phương là rất lớn, đồng thời định hướng việc phát triển du lịch gắn với các làng nghề truyền thống là hướng phát triển phù hợp với xu thế phát triển kinh tế. Bởi thế, trong những năm qua, Hải Dương đã thực hiện nhiều cách để gắn kết làng nghề cùng với du lịch.
Nhiều du khách trên đường đi từ Hà Nội xuống Quảng Ninh, khi nghỉ tại trạm dừng chân trên địa bàn Hải Dương đã rất ấn tượng với những nghệ nhân làng thêu xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đang ngồi cần mẫn chăm chút từng đường kim mũi chỉ. Những sản phẩm thêu đủ hình thức kiểu dáng, từ thêu tranh, tới thêu họa tiết trên khăn, túi, đồ lưu niệm… được làm ngay tại đây khiến du khách vừa được thưởng thức những ngón nghề của muôn vạn bàn tay khối óc, thấy được sự cần cù, bền bỉ, sáng tạo của những người phụ nữ xứ Đông trong từng sản phẩm, vừa tin tưởng chọn mua những sản phẩm làm quà mang về. Đây là một trong những cách làm hiệu quả để quảng bá những sản phẩm truyền thống của làng nghề tới du khách trong và ngoài nước khi tới với Hải Dương.
Hình thức xuất khẩu tại chỗ này cũng là mang lại hiệu quả với những sản phẩm gốm Chu Đậu, khi nhà đầu tư đã chú trọng xây dựng không gian trưng bày 1.000m2 để giới thiệu các sản phẩm phục chế các mẫu mã cổ, đồng thời xây dựng Không gian gốm Chu Đậu để hình thành điểm đến trong tour tuyến du lịch vùng Đông Bắc đất nước. Ngoài việc mở rộng thị trường, những xưởng gốm Chu Đậu đón hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan và mua sản phẩm mỗi năm. Bên cạnh đó, Hải Dương cũng là một trong những địa phương tích cực tham gia các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch làng nghề tại các hội chợ xúc tiến du lịch, hội chợ thương mại, hội chợ làng nghề... trong và ngoài nước. Các làng nghề truyền thống đem đến những sản phẩm tinh xảo, đặc trưng, mang đậm hồn quê, chất quê của cộng đồng mình như thêu ren Xuân Nẻo, gỗ Đông Giao, bánh đậu xanh, bánh gai, bánh gấc... đã có mặt trong nhiều sự kiện du lịch, thương mại lớn tại Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, thậm chí sang tận Hàn Quốc.
Để đảm bảo cho việc phát triển các sản phẩm du lịch – làng nghề tại Hải Dương hiệu quả và bền vững, địa phương cần chủ động thực hiện nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu làng nghề của địa phương tới du khách. Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, Hải Dương cần xây dựng các cổng thông tin truyền thông tích hợp thông tin liên quan đến làng nghề như quá trình hình thành và phát triển, các truyền thuyết liên quan đến làng nghề, các sản phẩm và dịch vụ của làng nghề, hướng phát triển trong tương lai... Đồng thời, tổ chức xây dựng quy hoạch, đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, tạo không gian cho du khách trải nghiệm, gắn du lịch làng nghề với du lịch tâm linh, du lịch sinh thái… Trong đó, yếu tố quan trọng để giữ chân du khách chính là nghệ nhân – người đóng vai trò là chủ thể, linh hồn của làng nghề. Sự kết nối giữa nghệ nhân với du khách thông qua hoạt động giao lưu, hướng dẫn chế tác sản phẩm làng nghề sẽ giúp du khách có những cảm nhận sâu sắc và ấn tượng tốt đẹp hơn với làng nghề.
Từ Giang
Gửi bình luận