Làng cổ Đường Lâm - Bảo tồn và phát triển: Kỳ 1: Phải đồng bộ khi giải quyết bức xúc của dân
Từ mâu thuẫn dân sinh đến thực trạng tại di tích
Chỉ cho phóng viên xem nguyên trạng công trình chống nóng bằng cột thép đã được gia đình hạ độ cao, anh Hà Văn Long cho biết, nhà anh trước đây chống nóng bằng tôn fibro xi măng, cột gỗ, nay thời gian hư hỏng xuống cấp nên đã thay cột và tôn bằng kim loại. Các ban ngành đã đến vận động hạ độ cao vì cho là làm nhà 2 tầng, gia đình đã tuân thủ nhưng vẫn bị cắt điện nước sinh hoạt. Các hộ dân trình bày bức xúc tại cuộc họp do Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chủ trì ngày 21/5, chị Giang Tú Oanh – vợ anh Long gay gắt hơn: “Chúng tôi thật sự bức xúc khi sửa sang cơi nới làm nhà cũng không được, nhiều năm rồi thanh niên không có chỗ để làm nhà khi xây dựng gia đình; 90 cháu mầm non phải học trong một phòng chật chội; chủ tịch xã và đội quy chế cứ đến bảo dân tự tháo dỡ nhà, không sẽ bị cưỡng chế, cắt điện nước sinh hoạt hàng ngày… BQL chỉ chú trọng vào các nhà cổ, các nhà còn lại sống chết ra sao đều không quan tâm…”.
Không chỉ những hộ không được hưởng lợi trực tiếp từ du lịch, mà ngay cả những hộ như ông Phan Văn Hải, có lợi ích từ dịch vụ phục vụ du khách tại làng cổ Đường Lâm cũng bày tỏ sự đáng tiếc: “Người dân bí quá thì phải làm, vì không thể ở chật chội hơn, vô tình đã tạo nên sự chống đối là sai luật, sai chủ trương. Nhưng các cấp ngành cắt điện nước là không nên, điện nước phục vụ dân sinh, khác nào cắt bỏ nguồn sống”.
Thực tế, dựa trên “Quy định về việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo, và sử dụng di tích làng cổ Đường Lâm” và “Quy chế tạm thời về việc phối hợp quản lý và xử lý các vi phạm xây dựng, bổ sung cho Quy định về việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo, và sử dụng di tích làng cổ Đường Lâm” do UBND thị xã Sơn Tây ban hành năm 2006 và 2008, các ban ngành đã hạn chế rất nhiều nhu cầu chính đáng của người dân làng cổ Đường Lâm trong việc xây dựng, sửa chữa các hạng mục công trình nhà ở bị xuống cấp, khiến họ trong một thời gian dài phải sống trong không gian chật hẹp. Bên cạnh đó, các cấp ngành đã tự ý cắt điện nước sinh hoạt của một số hộ dân trong thời gian dài khi họ đã cố tình xây dựng trái phép, mặc dù đã được vận động tháo bỏ. Bên cạnh đó là những hành động làm ảnh hưởng đến cái chung, tất cả như giọt nước tràn ly. Hơn thế, chính quyền các cấp đã chậm trễ trong việc quy hoạch bảo tồn, cũng như đưa ra những cơ chế chính sách đặc thù phù hợp, giữa quyền lợi và trách nhiệm người dân trong việc bảo tồn di tích làng cổ Đường Lâm, đã khiến cho không khí dân sinh tại làng cổ Đương Lâm nóng lên chưa từng thấy.
Khi các cơ quan hữu trách vào cuộc
Ngày 21/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã đến thăm và làm việc tại làng cổ Đường Lâm. Tại đây, ông đã cùng với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trung ương, TP Hà Nội, thị xã Sơn Tây, xã Đường Lâm “giảm nhiệt” cho Đường Lâm.
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa – Bộ VHTTDL TS Nguyễn Thế Hùng đưa ra đề xuất: “Chúng ta cần có những ngôi nhà thuộc vùng 1 phải được áp dụng quy chế vùng 2 và ngược lại”. TS Hùng cho rằng cần điều chỉnh quy chế cho phép các nhà dân thông thường trong khu vực 1 được phép xây dựng lên 2 tầng nhưng đảm bảo thiết kế, mái ngói; đồng thời như vậy sẽ không được ưu tiên cấp đất giãn dân.
Chia sẻ với người dân, nhiều nhà khoa học đã đề xuất những giải pháp tâm huyết nhằm giải quyết ổn thỏa bức xúc của dân và đảm bảo yếu tố bảo tồn, phát triển làng cổ Đường Lâm. TS Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản Thăng Long cho rằng, Nhà nước cần đầu tư 100% để bảo tồn 37 nhà đặc biệt và 74 nhà loại một. Cơ chế cơi nới ở nông thôn nên cho làm nhà đến 2 tầng nếu không phải nhà cổ, nhưng phải quản lý kiến trúc, mái ngói, thiết kế được duyệt. Nên có đề án giãn dân do thành phố duyệt, với các chế độ khác nhau cho các cấp nhà, ưu tiên đặc biệt những nhà di sản… “20 năm nữa, làng cổ Đường Lâm với sự đầu tư, quan tâm chu đáo của nhà nước sẽ thành viên ngọc” – TS Lưu Minh Trị nhấn mạnh.
Kết luận tại cuộc họp ngày 21/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc bảo tồn, phát huy di tích phải theo phương châm của dân, do dân và vì dân; phải cân bằng giữa lợi ích của di sản quốc gia và lợi ích của nhân dân, làm sao để người dân là chủ nhân thực sự của di sản…Người dân làng cổ Đường Lâm đồng tình và đánh giá cao ý kiến đề xuất của các nhà khoa học, các ban ngành quản lý trong cuộc họp ngày 21/5. Cả chị Giang Tú Oanh và bác Phan Văn Hải đều cho rằng ý kiến đề xuất của TS Nguyễn Thế Hùng và các nhà khoa học là rất tốt, dù còn phải chờ đợi để ra được quyết định, nhưng cũng đã mở ra cho người dân làng cổ Đường Lâm một hướng giải quyết tích cực hơn đối với các hộ dân vẫn muốn ở lại trên mảnh đất của ông cha để lại. Bác Phan Văn Hải bày tỏ, việc bảo tồn là không thể bỏ, càng đổi mới phát triển càng nên bảo tồn làng cổ, để con cháu đời sau nhìn lại; nhưng nhà nước cũng nên có biện pháp để dân đỡ khổ mà được cả hai bên. Chồng của chị Oanh, anh Hà Văn Long cũng cho rằng, nếu phải chờ đợi mà được xây lên 2 tầng cũng xứng đáng, không phải tự tháo dỡ để rồi vẫn bị cắt điện nước sinh hoạt.
Không chỉ người dân, chính quyền xã Đường Lâm cũng có cùng sự trông đợi. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm cho rằng, sau cuộc họp ngày 21/5, đề xuất của các cấp ngành, các nhà khoa học đã tạo ra một dấu mốc mới, việc xử lý tiếp thế nào phải chờ kết luận của cuộc họp, các quy hoạch, quy chế bổ sung. Nhằm tránh làm gia tăng thêm bức xúc của người dân, xã cũng tạm thời chưa có quyết định tiếp tục xử lý cưỡng chế tháo dỡ các công trình. Và, UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở VHTTDL, Sở Xây dựng, UBND thị xã Sơn Tây đẩy nhanh việc thẩm định quy hoạch bảo tồn, quy hoạch xây dựng khu giãn dân và điều lệ quản lý quy hoạch, trình UBND thành phố phê duyệt trong tháng 6/2013.
Công việc ở Đường Lâm sẽ tiếp tục được giải quyết trong thời gian tới, với phương châm do dân, vì dân như tinh thần chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu hôm 21/5.
Gửi bình luận