Làm báo Xuân trong tù
Trong hơn 90 năm của lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2019), tương lai tờ báo Phá Ngục Xuân Giáp Ngọ 1954, được xếp trang trọng trong Bảo tàng báo chí thế giới, biết đâu được? Bởi đây là tờ báo độc nhất và rất đặc biệt, do các tù nhân làm trong lúc thọ án ở khám Chí Hòa, Sài Gòn.
Tờ báo Phá Ngục ra đời từ 1946, lúc đó còn khám lớn Sài Gòn, do KTS. Huỳnh Tấn Phát (1913 – 1989) khai sáng và làm chủ bút khi bị kết án 2 năm và giam giữ tại đây. Nhằm nâng cao tinh thần chiến đấu của anh em tù chính trị, tố cáo tội ác của nhà tù và thực dân Pháp, Huỳnh Tấn Phát cùng với một số đồng chí của mình cùng viết bài, biên tập, tuyên truyền đường lối chủ trương của ĐCSVN. Họ đã vượt qua rất nhiều khó khăn, hiểm nguy để che mắt kẻ thù khi xuất bản, lưu hành. Điều khiến cho người ta trân trọng và kính phục tờ báo Phá Ngục được viết bằng tay, in bột nếp. Cứ khoảng một đến hai tháng báo ra một lần, ngày không cố định. Những hình vẽ châm biếm, hình minh hoạ… mang nhiều màu sắc khác nhau trên báo được pha từ mực in, thuốc ghẻ, thuốc sốt rét… của tù nhân. Còn các bài viết, hình vẽ cũng do chính tay những người tù thực hiện và phải cất giấu bằng nhiều cách trong vách của nhà tù, nhà vệ sinh, hoặc giấu ở nơi có thể... xem là an toàn. Vậy mà tờ báo “bất hợp pháp” này tồn tại cả chục năm ngay trước mũi kẻ thù.
Mỗi số báo ra chừng 40 bản, sau đó được bí mật chuyển đến các phòng giam để cho bạn tù chuyền tay nhau đọc. Báo ra được khoảng 50 số, là vũ khí đấu tranh, món ăn tinh thần của những người yêu nước trong lúc bị tù đày. Tờ báo Phá Ngục Xuân Giáp Ngọ 1954, được lưu giữ tại Bảo tàng Bến Tre, gồm 36 trang, khổ 20cm x 26 cm, với gần 50 tác phẩm từ chính luận đến tự sự, từ văn đến thơ chúc Tết, rồi những tranh vẽ táo quân, hoa mai, hoa đào… do các tù nhân khám Chí Hoà thực hiện và phát hành. Cho đến nay được xem là tờ báo Xuân làm trong tù duy nhất của báo chí cách mạng Việt Nam.
Các bài báo được viết tay trên giấy tập học trò và đóng thành cuốn. Trang bìa của báo “hoạ sĩ” vẽ đôi thanh niên nam nữ ngồi trên lưng hai con ngựa tay giữ chặt dây cương ra dáng phi nước đại. Trang cuối là hình chim bồ câu bay qua bản đồ Đông Dương, thể hiện khát vọng hoà bình. Và khép lại trang cuối của tờ báo Xuân bằng hai câu đối Tết đầy lạc quan của tác giả Đồ Sơn: Tết đến, chúc tổ quốc vinh quang, anh em chuẩn bị cùng Phá Ngục/ Xuân về, mừng Thu Đông thắng lợi, chị em sắp sửa để tung xiềng.
Đan xen giữa hai trang đầu và trang cuối có nhiều bài viết mang tính tự sự, công phu, một trong số đó có lá thư Côn Đảo của tù nhân Lê Thuần viết gửi cho người mẹ già sau bao năm tháng lao tù chưa biết ngày gặp lại. Lá thư thể hiện tình cảm của người con nhớ mẹ, nhớ những năm tháng ở Côn Đảo trước ngày về Chí Hoà “… tất cả hương vị Tết chúng con gói ghém trong 4 bao thuốc lá của mấy anh em ở ngoài lao giấu diếm đưa vào. Thế rồi ba ngày Tết người ta ngây ngất trong khói thuốc hơi men. Còn chúng con say sưa trong tình đoàn kết mặn nồng…”; rồi đến những bài: Tù chúc Tết; Tết khu giải phóng; Tết công binh xưởng, bức thư Xuân, người mẹ già bên lò bánh tét, tâm sự đêm giao thừa…. tất cả dường như là những dòng hồi tưởng, có đôi khi đứt đoạn, nhưng trên hết vẫn là một tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của người cách mạng trong lao tù.
Điều này càng được thể hiện rõ hơn trong bài thơ Đón Xuân của tù nhân Lâm Giang: Xuân sang hoa nở ở trong lòng/ Tin tưởng ngày mai diệt địch xong/ Cứ một mùa Xuân thêm thắng lợi/ Cùng nhau hiệp mặt thoả chờ mong…
Tờ báo Phá Ngục Xuân Giáp Ngọ 1954, được Bác sĩ Kiều Xuân Cư (1919 – 2014), nguyên là chiến sĩ tình báo Quốc Phòng (Ban 2), tiền thân Tổng Cục II Bộ Quốc phòng. Một cựu tù chính trị đã cất giữ suốt hơn 60 năm, ông coi như một kỷ vật thiêng liêng, quý báo trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Sau khi ông mất mấy năm, gia đình tặng tờ báo này cho Bảo tàng tỉnh Bến Tre, quê hương của KTS. Huỳnh Tấn Phát – người sáng lập ra tờ báo. BS. Kiều Xuân Cư quê ở Nha Trang, tham gia hoạt động cách mạng từ trước 1945, bị Pháp bắt giam ở khám lớn Sài Gòn 1952, sau đó chuyển sang khám Chí Hoà. Tại đây ông tham gia làm tờ báo Phá Ngục cùng với các bạn tù. Tờ báo được xem như là “tiếng nói của liên đoàn tù nhân Chí Hoà”.
Trong cách mạng Việt Nam, báo chí giữ vai trò đặc biệt quan trọng, một yếu tố không thể thiếu để tạo nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Với nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và đưa dân chúng đến chân lý của cách mạng. Báo chí cách mạng vẫn luôn được xem là vũ khí sắc bén trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, không chỉ bên ngoài mà cả bên trong nhà tù của địch, như là phương tiện kết nối lực lượng, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và là tài liệu để học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, giữ vững tinh thần đoàn kết chiến đấu của tù nhân chính trị.
Tờ báo Phá Ngục Xuân Giáp Ngọ 1954, là hiện vật vô cùng quý giá đối với Bảo tàng Bến Tre và đối với báo chí cách mạng Việt Nam. Tờ báo là một bằng chứng về tinh thần đoàn kết, sự hy sinh, mưu trí, sáng tạo của những người Cộng sản bị lao tù dưới thời Pháp thuộc, họ đã không ngừng tranh đấu để giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc.
Cao Phương
Gửi bình luận