Kỳ vọng của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với ngành Du lịch
![]() |
Nguyễn Hồng Lĩnh Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Năm 2017, Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục ghi dấu ấn tốt với du khách bởi môi trường sạch đẹp, an toàn, giá cả dịch vụ công khai, được kiểm soát và thương hiệu du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang dần được củng cố. Sự liên kết giữa khối doanh nghiệp du lịch - dịch vụ, công tác chỉ đạo quản lý nhà nước về du lịch, các giải pháp để ngành Du lịch phát triển ngày càng thực chất hơn…
KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA DU LỊCH BÀ RỊA- VŨNG TÀU NĂM 2017
Với đặc điểm khí hậu, thời tiết và nguồn tài nguyên thiên nhiên được ưu đãi, nhiều năm qua Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang dần trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước. Năm 2017, năm đầu tiên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tái lập, Sở Du lịch - cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về du lịch, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020. Ngành Du lịch luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá và có đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của tỉnh. Lượng khách du lịch đến Bà Rịa -Vũng Tàu tăng trưởng bình quân 13% năm; tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân 16%/năm. Riêng năm 2017, tổng lượt khách đến tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tăng trên 20%. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Chủ động chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý condotel trên địa bàn tỉnh.
Tính tới nay, trên địa bàn tỉnh có 8 khu du lịch được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 như: Khu du lịch (KDL) Chí Linh - Cửa Lấp 825ha, KDL Hoa Anh Đào 240ha, KDL Văn hóa Lâm viên Núi Minh Đạm 280ha, KDL Lâm viên Văn hóa Núi Dinh 718,4ha, KDL Lộc An 265ha, KDL Bến Cát - Hồ Tràm 425,26ha, KDL và dân cư Láng Hàng 330,69ha, KDL Thác Hòa Bình 224ha. Đã thu hút được các dự án đầu tư du lịch quy mô vốn lớn, trong đó có 23 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với loại hình sản phẩm đa dạng và có tính đặc thù, phù hợp với thị trường du lịch quốc tế như: The Imperial, Sixsences Resort, The Grand - Hồ Tràm Strip, Pullman... Các sự kiện văn hóa, thể thao, các di tích lịch sử, danh thắng bước đầu được đầu tư, khai thác để trở thành những sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đã có những chuyển biến tích cực. Môi trường du lịch được cải thiện rõ nét; giá cả dịch vụ tương đối ổn định; công tác cứu hộ, cứu nạn được tổ chức tốt...Tuy nhiên, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn một số hạn chế như: Quy hoạch không gian du lịch thiếu đồng bộ, dự án manh mún, sản phẩm trùng lắp, chủ yếu là dịch vụ lưu trú, ăn uống mà thiếu những sản phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí mới lạ; chưa hấp dẫn khách quốc tế, khách chi tiêu cao; chưa khắc phục được tình trạng đông khách vào cuối tuần và mùa Hè, vắng khách vào giữa tuần và các mùa còn lại trong năm; thiếu chiến lược quảng bá thương hiệu du lịch ra thế giới…
Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh trong một lần thị sát biển Vũng Tàu
NHỮNG KỲ VỌNG NĂM 2018
Cùng với Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 (kèm theo 3 đề án: an ninh du lịch, môi trường du lịch và Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch) được ban hành ngày 27/12/2017 sẽ trở thành những chủ trương, định hướng nhằm tạo bước đột phá, đưa du lịch Bà Rịa- Vũng Tàu thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong những năm tới. Năm 2018, du lịch Bà Rịa- Vũng Tàu được kỳ vọng sẽ phát triển và đạt được những mục tiêu cơ bản như: gia tăng tỷ trọng khách quốc tế và tăng doanh thu du lịch (tăng chi tiêu bình quân/khách); kéo dài thời gian lưu trú của du khách đặc biệt là khách quốc tế; đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao… Để làm được điều này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh có chính sách, biện pháp ưu đãi, mời gọi, hỗ trợ các nhà đầu tư lớn, có năng lực về tài chính và trình độ quản lý để khai thác, vận hành tạo sản phẩm du lịch độc đáo ở những dự án chậm triển khai đã bị thu hồi hoặc đang mời gọi đầu tư như: Vườn thú hoang dã Safari, KDL sinh thái Núi Dinh, KDL Paradise, KDL Chí Linh-Cửa Lấp.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường mục tiêu trong nước và nước ngoài; trong quý 2/2018 sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch vào tỉnh. Triển hai thực hiện Quy hoạch tổng thể KDL quốc gia Côn Đảo; Long Hải- Phước Hải, Quy hoạch hệ thống đường sông, Quy hoạch tuyến ven biển từ Vũng Tàu đến Xuyên Mộc; điều chỉnh lại Quy hoạch phố du lịch Bãi Sau thành điểm nhấn quan trọng cho tuyến du lịch ven biển, đảm bảo đủ 3 không gian: không gian tắm biển, không gian dịch vụ và không gian cảnh quan. Nghiên cứu lựa chọn cảng hiện có trên địa bàn tỉnh để bổ sung công năng đón tàu khách du lịch. Chỉ đạo việc thúc đẩy chủ đầu tư các dự án du lịch đã được cấp phép chuyển vốn đăng ký sang vốn thực hiện, hoàn thành đưa dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ đã đăng ký; kiên quyết thu hồi các dự án đã cấp phép nhưng không triển khai để dành quỹ đất thu hút các nhà đầu tư đủ năng lực. Kiến nghị Trung ương đẩy nhanh tiến độ nâng cấp cảng hàng không Côn Sơn; xây dựng hình ảnh du lịch Bà Rịa -Vũng Tàu thân thiện, hấp dẫn bằng việc triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch…
Nguyễn Hồng Lĩnh
Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Gửi bình luận