Kỳ thú du ngoạn hồ Na Hang - Lâm Bình
Không chỉ có những con sông dài, vùng Tây Bắc còn có nhiều hồ lớn, với cảnh sắc tuyệt đẹp, hút hồn du khách. Trong số đó phải kể tới hồ Na Hang – Lâm Bình (Tuyên Quang) thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Na Hang – Lâm Bình với cảnh quan tuyệt đẹp, được ví như một Hạ Long giữa đại ngàn…
Bình yên sớm mai ở bến thuyền Lâm Bình
Sáng sớm, sương mù còn phủ khắp núi rừng mênh mông và tĩnh lặng. Từ bến thuyền Lâm Bình, chúng tôi bắt đầu hành trình tới Na Hang, một thị trấn ven sông mà từ trước đến nay tôi chưa từng nghe tiếng.
Hồ Na Hang - nơi hội tụ của hai dòng sông Gâm và sông Năng, được bao bọc xung quanh bởi 99 ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp. Sông Gâm là dòng sông kỳ lạ nhất trong các con sông của Việt Nam với hướng chảy từ Bắc xuống Nam, bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc). Sông Gâm có chiều dài 297km, trong đó, phần chảy trên đất Việt khoảng 217km qua địa phận tỉnh Cao Bằng ở vùng đất Na Động, rồi uốn mình lượn qua những đoạn đèo quanh co, len lỏi dưới những sườn núi chênh vênh, dựng đứng và nhận thêm nước từ dòng Nho Quế (Lũng Cú - Hà Giang), rồi buông mình theo hình cánh cung hòa vào những dãy núi đá phiến thạch anh của các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang để tạo nên những cảnh quan tự nhiên tuyệt mỹ. Điểm kết thúc tuyệt vời của con sông hội tụ lại chính là lòng hồ hôm nay chúng tôi đi.
Cọc Vại, điểm nhấn của lòng hồ Na Hang
Đi trên lòng hồ, hòa mình trong những cảnh đẹp huyền ảo giống như một bức tranh thủy mặc của non xanh nước biếc, mặc cho những cơn gió lạnh buốt mùa Đông, mặc cho mặt hồ mờ ảo sớm mai, cảnh sắc hai bên bờ càng thêm kỳ diệu. Có chỗ lòng hồ bỗng mở rộng mênh mông, có thể cảm nhận được sắc thái khác của thiên nhiên. Cung đường tuyệt đẹp với những dãy núi đá mờ sương, trùng điệp trải dài đôi bờ; những cánh rừng già âm u, thanh vắng; những bản làng dân tộc những vách đá mọc đầy hoa rừng... Khu vực này còn quyến rũ chúng tôi bởi vẻ đẹp của ngọn thác Khuổi Nhi tung bọt trắng xóa mà muốn đến đây phải dời thuyền, leo khoảng 1km đường núi... Khá mệt vì đường dốc trơn và hoang sơ nhưng khi leo lên đến tầng thác trên cùng, chúng tôi như vỡ òa cảm xúc bởi vẻ đẹp quyến rũ của dòng thác giữa đại ngàn, Chẳng phải mùa nước lớn nhưng thác Khuổi Nhi vẫn dào dạt buông mình trắng xóa nơi vách đá, ở dưới là một mặt hồ trong xanh đủ rộng để nếu là mùa Hè thì du khách tha hồ vẫy vùng tận hưởng dòng nước thanh khiết chảy ra từ đá núi ấy. Nước suối thì trong trẻo, mát lạnh nhìn thấy tận đáy những chú cá thì tung tăng bơi lội đùa đùa bắp chân người tạo cảm giác như được mát-xa thư thái sau một chặng đường leo núi vất vả...
Du khách thích thú tạo dáng trên thuyền khi tham quan lòng hồ
Trở lại thuyền xuôi về phía Na Hang chúng tôi lại tiếp tục ngỡ ngàng với hàng trăm ngọn núi đá vôi kỳ vĩ. Ðiểm nhấn của lòng hồ Na Hang là quần thể Cọc Vại (cọc cột trâu trời theo tiếng dân tộc Tày) với một cột đá sừng sững cao gần 100m tính từ đáy sông được kiến tạo tầng tầng lớp lớp từ những phiến đá mỏng trông rất kỳ lạ giữa 99 ngọn núi đá vôi tạo hình ngoạn mục.
Thác Khuổi Nhi buông mình giữa đại ngàn
Thêm 20km, bến Na Hang hiện ra trước mặt. Lòng hồ, cũng là nơi hợp lưu giữa một bên sắc màu ngọc bích rạng rỡ của sông Gâm, một bên là gam màu xanh rêu từ cửa sông Năng vùng Bắc Kạn chảy xuống trước khi tiếp tục theo tám cửa xả đáy công trình thủy điện Tuyên Quang chạy tuabin phát điện. Nhìn sang hướng Bắc là núi Pác Tạ cao sừng sững uy nghi như án ngữ che chắn thuyền bè không bị sóng to, gió lớn.
Giang trình dài hơn 40km từ Lâm Bình đến Na Hang kết thúc cũng cũng là chiều dài hành trình khám phá lòng hồ mà chúng tôi đã trải qua như một giấc mơ đẹp.
Hồng Lụa
Gửi bình luận