Kỳ cuối: Lasvegas – “thủ đô giải trí của thế giới”
Sáng sớm chúng tôi rời San Jose đi về phía Nam. Phan Ngọc vừa lái xe vừa giới thiệu những địa danh trên đường đi. Xe chạy qua những cánh đồng ô liu trĩu quả. Thích nhất là những khu trồng quýt, trái chín phơi mình đỏ bóng và rực rỡ cả cánh đồng, nhìn xa xa cứ tưởng là hoa nở. Con đường đến Lasvegas phải chạy về phía Đông Nam, vượt qua đèo Tahachabi, ở đây có thể nói là rừng quạt gió. Có đến cả ngàn trụ quạt gió đặt sát nhau, chi chít từ chân núi lên đến đỉnh đồi, gió thổi quạt quay tít. Chúng tôi xuống xe chụp ảnh, tôi bỗng nghĩ về quê hương Việt Nam. Theo Ngân hàng thế giới tính toán có đến 8,6% lãnh thổ có tiềm năng điện gió. Có thể sản xuất mỗi năm trên 500.000 mê-ga-oát điện. Người ta còn tính được rằng làm 1 mê-ga-oát thuỷ điện sẽ lấy đi 10ha rừng. Nếu đổi thuỷ điện để khai thác điện gió thì nửa triệu mê-ga-oát kia sẽ cứu được 5 triệu ha rừng. Những suy nghĩ miên man đưa tôi đến nhanh với vùng Lasvegas, thủ phủ của quận Clark. Đây vốn là vùng sa mạc, ngày trước chỉ có một ga xe lửa nhỏ để đón các đoàn tàu chạy qua, về sau người ta mở các sòng bạc và những năm đầu thế kỷ 20 chỉ có 2.000 dân. Nhiệt độ ở đây khá khốc liệt. Mùa hè thì ban ngày nóng đến 45oC, buổi tối mát dịu 210C-250C . Nhưng mùa đông thì ngày mát và đêm thường dưới không độ, lạnh như ở vùng biển Bắc.
Đây là vùng đất thuộc bang Nevada, rất gần với bang Arizona. Tôi nhớ rằng ở giữa 2 bang này có dòng sông Colorado huyền thoại xẻ qua đỉnh núi đá dẫn nước từ hồ Lake Mead cho thuỷ điện Hoover Dam. Đứng giữa đập Hoover Dam bên trái là đất của bang Nevada, bước một bước nữa là sang đất của bang Arizona, do đó chỉ một bước chân, đồng hồ chênh nhau 1 giờ, vì phải theo múi giờ của thủ phủ mỗi bang.
Người ta gọi Lasvegas là thủ đô giải trí của thế giới (The Entertaiment Capital of the World). Biệt danh ấy của người Mỹ gọi xứ này cũng rất đúng, vì cả thành phố này là thành phố du lịch, ăn chơi, đánh bạc. Các khách sạn xây sát nhau, loại bốn, năm và cả sáu sao, rất nhiều kiểu. Có khách sạn giống như khu kim tự tháp của Ai Cập xưa, có khách sạn bước vào như ở giữa một hòn đảo của vùng nhiệt đới. Nếu muốn tìm cảm giác đang ở New York hay ở thủ đô Hoa Kỳ cũng có khách sạn mang đặc trưng đó.
Công ty Fortune 500, công ty hàng đầu thế giới về casino chiếm thị phần lớn ở Lasvegas. Họ xây những tổ hợp khách sạn nhà hàng, shopping và casino- trong mỗi khu đều có cách giải trí và ăn uống khác nhau. Song song đó là những khu biệt thự, villa cao tầng bán căn hộ. Mỗi năm có đến 25.000 căn hộ mới được bán, đó là những căn hộ cho hàng vạn nhân viên làm việc ở Lasvegas. Cả những villa của những người Mỹ có tiền ở khắp nước Mỹ mua làm khu nghỉ cuối tuần... Mỗi khách sạn, mỗi casino ở đây là một thành phố thu nhỏ luôn có các dịch vụ ăn, ở và mua sắm hàng hóa ở đây, các dịch vụ ở đây loại nào giá cũng cao hơn các nơi. Lasvegas được chọn là một trong 10 thành phố ẩm thực ngon nhất thế giới, bởi nó du nhập được nhiều nền nghệ thuật ẩm thực của nhân loại.
Các casino cũng có những sắc thái riêng biệt như : Casino Loxor có lối kiến trúc như Kim tự tháp ở Ai Cập. Casino Wym có sân khấu nước, hằng đêm có 50-60 diễn viên nhào lộn trên không và dưới nước rất hoạt náo. Casino Paris thì có tháp Effel và nghệ sĩ hát rong trên đường phố. Casino Venice rất độc đáo bởi bên trong có dòng sông nhân tạo giống như ở Venice. Nhà nghỉ, cửa hàng ăn và cả shop nằm dọc 2 bờ sông nhỏ này. Trên sông cũng có những con thuyền Gondola mũi cong kiểu Venice chở khách du ngoạn, người lái đò cũng trang phục mũ rộng vành Mễ Tây Cơ, cổ quàng khăn đỏ, vừa chèo, vừa hát dân ca Italia.
Đêm mùa hè đi dạo ở Lasvegas thật thú vị vì trời nhẹ mát, đèn màu rực rỡ. Có lẽ ít có thành phố nào nhiều đèn và nhiều màu sắc như ở đây. Đèn trên đường, đèn các khách sạn, đèn trên nóc nhà cao tầng, đèn trên tượng thần vệ nữ, trên kim tự tháp, trên tháp Effel... muôn hồng nghìn tía, quả là “thủ đô giải trí của thế giới”. Khách hạng vừa, hạng sang đến đây, họ đi xem thành phố lạ, đi mua sắm và phần lớn hạng có tiền là đến để đánh bạc thâu đêm. Các nhà băng hoạt động thâu đêm cho dịch vụ cờ bạc đỏ đen. Sân bay Lasvegas có nhiều máy bay nhỏ của các tài phiệt, triệu phú hạ cánh. Họ đến đánh bạc là chính. Nhiều người mất hết cơ nghiệp vì trò đỏ đen này. Lasvegas còn có tên gọi trại đi là “Lost Wages”, có nghĩa là xứ sở “mất hết tiền lương”, là “xứ sở cháy túi”. Đã là đỏ đen thì đỏ thì ít mà đen thì nhiều, vậy mà người ta vẫn thích, vẫn nghiện và vẫn thiêu thân (!).
Ký của Trình Quang Phú
Gửi bình luận