Khu du lịch quốc gia Mũi Né: Động lực phát triển mới cho Du lịch Bình Thuận
Ngày 18/12/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia (KDLQG) Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây thực sự là động lực phát triển mới cho ngành Du lịch Bình Thuận trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Động lực mới cho sự phát triển
KDLQG Mũi Né nằm trên dải đất ven biển từ xã Hòa Phú (huyện Tuy Phong) đến hết ranh giới phường Phú Hài (TP.Phan Thiết), có diện tích khoảng 14.760ha, trong đó vùng lõi tập trung phát triển, hình thành các khu chức năng du lịch khoảng 1.000ha, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan, đặc biệt là thắng cảnh Bàu Trắng và các đồi cát ven biển. Bên cạnh đó, sẽ tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả, đa dạng về sản phẩm trên cơ sở khai thác và phát huy các lợi thế về tài nguyên du lịch biển, phát triển khu du lịch trong mối liên kết chặt chẽ với các điểm du lịch trong tỉnh, trong vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.
Về mục tiêu phát triển, sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch, đáp ứng các tiêu chí của KDLQG, thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển khu du lịch Mũi Né trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ và cả nước, phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2025 sẽ đón khoảng 9 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2030 đón khoảng 14 triệu lượt khách (quốc tế trên 2 triệu). Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2030 đạt khoàng 50 ngàn tỷ đồng…
KDLQG Mũi Né sẽ có 3 phân khu du lịch chính. Đó là phân khu du lịch biển cao cấp Bắc Bình 500ha, phát triển các tổ hợp du lịch đa năng với sản phẩm cao cấp; phân khu du lịch biển Mũi Né 340ha, tập trung phát triển không gian công cộng kết hợp mô hình nghỉ dưỡng; phân khu du lịch chuyên đề - du lịch Cát khoảng 100ha sẽ khai thác các đặc trưng về cảnh quan cát, sinh thái nông nghiệp, dã ngoại. Đồng thời sẽ phát triển 4 trung tâm dịch vụ gắn với các khu vực phát triển đô thị theo định hướng phát triển đô thị của tỉnh, gồm các trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến, Mũi Né, Hòa Thắng và Suối Nước. Ngoài ra, không gian phát triển còn có các điểm du lịch Bàu Trắng, Công viên vui chơi giải trí Hòn Rơm và đô thị du lịch Phan Thiết.
Bên cạnh “khẳng định thương hiệu du lịch Mũi Né” và tận dụng ưu thế “khu du lịch quốc gia”, Bình Thuận còn thực hiện nhiều giải pháp tạo động lực phát triển mới cho ngành Du lịch. Đó là nâng cao nhận thức về mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện chính sách theo hướng thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, nhất là cá nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn quản lý du lịch chuyên nghiệp. Bên cạnh việc cơ cấu lại ngành Du lịch (thị trường, sản phẩm, nguồn nhân lực, doanh nghiệp, tài nguyên, quản lý sản phẩm) tỉnh sẽ tăng cường quản lý đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện để hấp dẫn du khách. Đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến theo hướng có lựa chọn, hiện đại và chuyên nghiệp…
Xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn
Ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định: “Với tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, trong đó có thế mạnh về điều kiện khí hậu, biển, cảnh quan và nhất là địa danh Mũi Né nổi tiếng trong và ngoài nước, KDLQG Mũi Né thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương”. Cùng với việc phát triển các tuyến du lịch chính (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường không), định hướng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn ưu tiên phát triển các loại hình lưu trú cao cấp gắn với sản phẩm đặc thù, hệ thống cơ sở dịch vụ, thương mại, ẩm thực, thể thao.
Về hạ tầng, sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện sân bay Phan Thiết, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Nha Trang, cảng biển, đường nội bộ kết nối các khu du lịch chính, cảng Phan Thiết đón khách quốc tế. Trong phát triển sản phẩm, sẽ hướng đến du lịch biển (nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển, thể thao biển), sản phẩm đặc trưng “cát”, sản phẩm văn hóa, nhất là văn hóa Chăm, du lịch gắn với cộng đồng, làng nghề, homestay, du lịch thông minh, du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, vui chơi, giải trí. Phát triển KDLQG Mũi Mé thực hiện theo các giải pháp về cơ chế chính sách, thu hút vốn đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu, thị trường và sản phẩm du lịch, liên kết phát triển, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương.
Bình Thuận hiện có hàng trăm dự án du lịch với hệ thống resort đa dạng trải dọc bờ biển. Quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Mũi Né không chỉ khắc phục, điều chỉnh khu du lịch Mũi Né hiện hữu mà còn mở rộng không gian du lịch để thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp để tạo động lực phát triển mới như: Trung tâm Dịch vụ du lịch Hàm Tiến - Mũi Né; Khu du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam; Khu Du lịch - Đô thị - Thể thao biển Mũi Né…
Năm 2019, được xác định là năm bản lề để ngành Du lịch hoàn thành các mục tiêu đã đề ra với các chỉ tiêu cụ thể như tổng lượng khách đạt 6,35 triệu lượt (tăng 10,4% so 2018), trong đó khách quốc tế là 750.000 lượt (tăng 11,9%, tổng thu từ khách du lịch đạt 15.400 tỷ đồng (tăng 19,8%). Trong tương lai gần, Bình Thuận sẽ trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, gắn với KDLQG Mũi Né sẽ tạo động lực mới cho tốc độ phát triển cả quy mô đầu tư, lượng du khách đến và tổng doanh thu, khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà.
Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở VHTTDL Bình Thuận
Gửi bình luận